Vẻ đẹp của bài thơ Từ ấy đến từ vẻ đẹp tâm hồn của những người chiến sỹ như Tố Hữu giác ngộ và đi theo con đường cách mạng của Đảng để hướng tới một nền hòa bình của dân tộc. Thật vậy, tư tưởng cao đẹp đó của Tố Hữu đã làm nên vẻ đẹp về giá trị tư tưởng cho bài thơ. Đầu tiên, người đọc có thể thấy đó là vẻ đẹp tâm hồn của một người thanh niên giác ngộ và tin theo con đường độc lập tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng. "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ" là hình ảnh tuyệt đẹp cho thấy sự giác ngộ của người thanh niên khi tin theo, làm theo những chân lý và lời dạy của Đảng. Ánh sáng của Đảng soi chiếu con đường của những người thanh niên sẽ đi, góp phần làm nên độc lập tự do của đất nước. Tâm hồn của người thiếu niên trẻ được soi sáng và trở nên rộn rã, vui tươi cũng như thúc giục họ trước những thử thách và gian khổ của đất nước vẫn còn phía trước. Thứ hai, vẻ đẹp tâm hồn của người thanh niên còn được thể hiện ở việc anh ý thức được trách nhiệm cá nhân với số mệnh của đất nước, dân tộc. "Để tình trang trải khắp trăm nơi. Để hồn tôi với bao hồn khổ. Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời". Vì sự ý thức của một người giác ngộ chân lý của Đảng nên người chiến sỹ ấy hiểu được trách nhiệm cần làm sắp tới của mình đó là giành được độc lập tự do, giúp nhân dân thoát khỏi ách thống trị của thực dân. Cuối cùng, vẻ đẹp tâm hồn của người thanh niên còn được thể hiện ở việc anh gắn mình vào gia đình chung. Những con người cùng sống và chiến đấu, coi nhau là gia đình, là anh em. Tóm lại, vẻ đẹp của bài thơ đến từ vẻ đẹp tâm hồn của người thanh niên giác ngộ lý tưởng cách mạng và vẻ đẹp ấy tựa như "bó hoa lửa lộng lẫy, nồng nàn" đang rực cháy.