Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Đề văn: Nhà văn Nguyễn Bá Học có nói: "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông". Em hiểu câu danh ngôn trên như thế nào? Từ đó em rút ra được bài học gì cho bản thân?

Đề văn : Nhà văn Nguyễn Bá Học có nói : ' Đường đi khó , không khó vì ngăn sông cách núi , mà khó vì lòng người ngại núi e sông Em hiểu câu danh ngôn trên như thế nào ? . Từ đó ,  em rút ra được bài học gì cho bản thân ?
        Giúp mk vs nha  ^_^  ( Mk sẽ tặng 5*  ,  like các bài viết của bạn ấy  and tặng bạn đồ 500 xu nha ) 
 * Lưu ý : - Không chép mạng nha ^_^
​                -  Nếu bạn nào giúp mk thì gửi thẳng bài giải qua cho mk luôn nha ( Xin cảm ơn nhiều ):)))

4 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
521
0
0
buồn
25/06/2020 20:04:38
+5đ tặng

Nguyễn Bá Học là một nhà văn, một nhà giáo đầy nhiệt huyết đầu thế kỉ XX (bt thế kỉ XX hưm?)
. Ông rất quan tâm đến việc giáo dục lớp trẻ. Trong tác phẩm Lời khuyên học trò, để động viên thanh niên rèn luyện thành người hữu ích, nhắc nhở học trò lấy tinh thần vượt khó làm trọng, ông đã nhấn mạnh

"Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông".

Đây là một lời khuyên sâu sắc mà học sinh chúng em cần phải tim hiểu ý nghĩa.

Lời khuyên của Nguyễn Bá Học nêu lên hình ảnh trở ngại trên một con đường, đó là "núi sông và lòng người ngại núi e sông". Trước hết, con đường là hình tượng cụ thể hóa mục đích của con người. Để đạt được mục đích ấy, nhiều khi ta phải vượt qua núi cao, sông sâu. Nếu quyết tâm, ta vẫn tới đích an toàn. Suy rộng ra, đường lối ở đây còn ẩn dụ với mọi ước mơ mà con người muốn đạt đến. Sông, núi ở đây chỉ những trở ngại to lớn của hoàn cảnh khách quan là những hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng cho những thách thức, khó khăn trên đường đời. Lòng người ở đây chỉ ý chí của con người. Câu nói trên đã nêu rõ hai trở ngại thường gặp: trở ngại sông rộng núi cao của thiên nhiên và trở ngại do lòng người thường mất tự tin, e ngai gặp khó khăn. Nhà văn khẳng định nếu có nghị lực, quyết tâm thì dù núi có cao, sông có sâu con người vẫn qua được.. Câu nói trên là một bài học cô đúc giàu hình ảnh về sự quyết tâm vượt khó.

Hiểu như vậy, ta thấy ý trọng tâm của câu nói là: sức mạnh của ý chí con người có thể vượt qua mọi khó khăn thử thách dù to lớn đến chừng nào.

Tại sao đường đi không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông? Thực vậy, những trở ngại trong cuộc sống tuy có nhiều nhưng không phải là không thể vượt qua. Núi cao bao nhiêu đi nữa, nếu trèo mãi, cũng sẽ qua. Mọi khó khăn, gian khổ mà ta gặp phải trên con đường đi tới đích chỉ là những thử thách, không thể nào chặn đứng quyết tâm của ta, buộc ta phải lùi bước. Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi như vậy. Người ta phải leo lên đỉnh núi, lặn xuống thám hiểm đại dương. Đó là những minh chứng cho ý kiến trên. Như vậy ta thấy ý chí, tinh thần vượt khó cần thiết cho chúng ta. Đã từng gặp khó hăn trong công việc, ta thấy quả thực tinh thần vượt khó đã giúp ta kiên trì nhẫn lại để đi đến thành công. Vì cuộc sống muôn màu muôn vẻ, đường đời nhiều lối quanh co. Trên đường ta đi đâu phải chỉ có hoa thơm cỏ lạ mà biết bao nguy hiểm, khó khăn luôn chờ ta phía trước. Nếu muốn thực hiện được ước mơ, ta phải dự tính trước để đương đầu với trở ngại gian nan. Thậm chí cả sự nguy hiểm. Câu chuyện rùa và thỏ chạy đua đã cho ta thấy rõ điều đó. Ý chí kiên trì, quyết tâm cao của rùa đã giúp rùa đạt được mục đích. Ngược lại, thỏ ỷ sức chạy nhanh nhưng chểnh mảng, cuối cùng lại thua rùa. Lòng người ở đây chính là ý chí, là sự kiên trì, nhẫn nại. Liên tục vượt khó thì dù có trở ngại về năng lực bản thân, vẫn có thể đạt đến đích. Sự chiến thắng bản thân còn có ý nghĩa quyết định hơn vì từ đó ta có thể chiến thắng cả thiên nhiên.

Khó khăn trờ ngại là chuyện thường tình. Đó chỉ là những yếu tố khách quan thử thách ý chí và nghị lực chứ không thể nào chặn đứng bước chân hăm hở của những con người có quyết tâm cao:

Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,Thập bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua.

(Ca dao)

Lịch sử cũng chứng minh rằng nhờ có ý chí, quyết tâm sắt đá, kiên tri bền bỉ ta sẽ thành công. Bài học ấy đã được Bác Hồ của chúng ta thực hiện trong quá trình đấu tranh cách mạng của Người. Và với kinh nghiệm của bản thân, Bác đã dạy ta rằng:

Không có việc gì khó Chỉ sợ lòng không bèn Đào núi và lấp biểnQuyết chí ắt làm nên.

Thực hiện lời dạy của Người, biết bao thanh niên đã vượt khó trong những năm tháng đánh giặc Pháp xâm lược mà tầm vóc anh bộ đội còn đẹp đẽ, to lớn hơn cả núi đồi:

Rất đẹp hình ảnh lúc nắng chiều

Bóng dài trên đỉnh dốc cheo leo

Núi không đè nổi vai vươn tới

Lá ngụy trang reo với gió đèo.

(Tố Hữu)

Trong kháng chiến chống Mĩ, bao thanh niên đã làm nên trang sử vàng với tinh thần sắt đá:

Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước!

Mà lòng phơi phới dậy tương lai.

(Tố Hữu)

Tại sao đường đi khó vì lòng người ngại núi e sông? Nghị lực có ý nghĩa quyết định khi muốn làm bất cứ việc gì. Có ý chí quyết tâm, ta có thể vượt mọi khó khăn, trở ngại để đi tới đích. Thiếu ý chí, đường đi dù thuận lợi, cũng chẳng vượt qua được.

Tìm hiểu ý nghĩa câu nói trên và qua kinh nghiệm sống thực tế, ta sẽ hiểu rõ quan niệm trên là bài học tâm đắc của những người có ý chí và thành đạt xưa nay.

Ai qua bến phà Nhật Lệ mới thấy rõ dòng sông rộng chừng nòa. Vậy mà, dưới bom đạn, mẹ Suốt đã chèo đò đưa bộ đội vượt sông đánh Mĩ:

Một tay lải chiếc đò ngang,

Bên sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày.

Sợ chi sóng gió tàu bay...

Tây kia mình đã thắng, Mĩ này ta chẳng thua.

(Tố Hữu)

Thế mới biết sức mạnh của ý chí, của lòng quyết tâm có giá tri vô ngần. Chính vì thấu hiểu lời khuyên ấy và sau khi đất nước hòa binh, nhân dân ta cùng nhau xây dựng nhiều công trình lớn: công trình thủy điện Sông Đà, công trình thùy điện Trị An. Như một bài thơ đã viết:

"Bạt núi đồi, ta moi đất làm gang

Ngăn thác dữ, ta bắt sông làm điện"

(Tố Hữu)

Ta nên biết rằng sự thành công nào cũng đều trải qua cam go, thử thách. Sự nghiệp càng lớn thì khó khăn càng nhiều. Khó khăn càng nhiều thì ý chí phải càng cao. Đến lúc ấy sự thành công mới có ý nghĩa, ta mới quý trọng, nâng niu và giữ gìn những thành quả mình có được.

Hiểu được ý nghĩa của lời dạy ấy, chúng ta phải cố gắng rèn luyện tính bền bỉ, dẻo dai, kiên nhẫn, cố gắng trang bị cho mình vốn kiến thức sâu rộng, một trình độ học vấn vững vàng để mai sau thành con người tài năng và hữu ích cho xã hội. Vàng không sợ lửa, người có tài không sợ gian nan.

Christop Colomb (Crít-tốp Cô-lông) đã vượt biển cả với bao thử thách gay go tìm ra châu Mĩ. Nhờ có ý chí, con người đã bay vào vũ trụ, đổ bộ lên Mặt Trăng xa xôi.

Ý chí không chỉ giúp ta chiến thắng thiên nhiên mà còn giúp dân tộc ta chiến thăng kẻ thù xâm lược. Thực vậy, trong hội nghị Diên Hồng, các bô lão đời Trần đã đồng thanh trả lời "Quyết chiến" và cảm động thay đổi với câu hỏi "Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh?" là câu trả lời "Hi sinh". Do vậy, cuối cùng dân tộc ta đã đánh bại kẻ thù.

Thế mới biết sức mạnh ý chí là sức mạnh giúp ta vượt qua mọi cam go thử thách để đi đến thành công. Ước mơ càng cao đẹp thì khó khăn càng nhiều. Khó khăn càng nhiều đòi hỏi ý chí càng cao. Có vượt qua gian lao thử thách, ta mới thấy hết giá trị và ý nghĩa của sự thành công.

Hiểu được ý nghĩa cao quý của lời dạy, em quyết tâm rèn luyện cho bản thân một ý chí vượt khó, một tinh thần kiên trì, bền bỉ trong học tập. Em sẽ cố gắng để trở thành người có tài năng vững vàng trong công việc, trở thành người chủ xứng đáng của đất nước.

Tóm lại, đường đời gian nan hiểm trở là môi trường tốt để thử thách con người. Núi có cao, sông có sâu bao nhiêu nếu con người không ngại núi, e sông thì sẽ vượt qua tất cả. Chỉ có quyết tâm cao, vượt mọi trở lực trên bước đường mơ ước, con người mới đạt được kết quả như ý. Thực vậy muốn đến với vinh quang ta phải vững tin để vươn tới bằng quyết tâm và nghị lực của chính bản thân mình. Vì "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông".

Lời nói của Nguyễn Bá Học có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết trong việc rèn luyện ý chí của chúng ta. Không có mục đích rõ ràng, không có chí phấn đấu thì suốt đời chúng ta sẽ "Người không có chí như thuyền không lái như ngựa không cương, trôi dạt lênh đênh không ra thế nào cả" (Vương Dương Minh) Đó là lời nói của một nhà chính trị, nhà tư tưởng lớn bên Trung Hoa từđời nhà Minh, mà đến nay vẫn còn đáng cho ta suy nghĩ.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
2
0
Nga
31/07/2020 10:10:29
+4đ tặng

Ông Nguyễn Bá Học (1857 – 1921), người làng Nhân Mục, tỉnh Hà Đông là một nhà giáo mà cũng là một nhà văn, tác giả của tập “Lời khuyên học trò” nhằm dẫn dắt học sinh trên con đường tu dưỡng và rèn luyện bản thân. Để khuyên lớp tuổi trẻ này khi làm bất cứ công việc gì cũng phải có ý chí, vượt qua mọi khó khăn trở ngại nhằm đi đến chỗ thành đạt, ông viết: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”

Chúng ta cần hiểu câu nói của Nguyền Bá Học như thế nào?

Băng cách nói bóng bẩy đầy hình ảnh, nhà văn cho rằng con đường ta đi, muốn tới được đích nhiều khi phải vượt qua núi cao, sông sâu, hiểm trở, gian lao nhưng nếu quyết tâm thì vẫn tới đích được.

Nghĩa chủ yếu của câu nói trên vần là nghĩa bóng: “đường” ở đây là đường đi tới đích, nói cách khác “đường” chỉ đích mà con người muốn đi, muốn đạt được. “Sông”, “núi” là hình ảnh tượng trưng chỉ sự trở ngại to lớn của hoàn cảnh khách quan, còn “lòng người” ở đây chính là ý chí của con người.

Hiểu như vậy ta mới thấy qua câu nói ấy, nhà văn đã khẳng định sức mạnh ý chí của con người có thể vượt qua mọi trở ngại, khó khân, thử thách cho dù chúng to lớn đến dường nào đi nữa để đạt đến thành công.

Có điều là vì sao mà “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”? Tại sao mà đường đi tới đích lại không khó vì những trở ngại khách quan bên ngoài? Ai chẳng biết là trong cuộc đời của bất cứ một người nào cũng có nhiều trở ngại, chông gai nhưng không phải là không thể vượt qua được. Núi dù sừng sững cao đến bao nhiêu, đưởng đi cho dù: “Núi cao rồi lại núi cao chập chùng” nhưng nếu người đi với quyết tâm cao hơn thì nhất định sẽ có lúc: “Núi cao lên đến tận cùng, thu vào tầm mắt muôn trùng nước non” (Đi đường – Hồ Chí Minh). Cũng vậy, sông dù rộng, dù sâu đến thế mấy, nếu ta quyết tâm qua thì dù với ghe máy hay thuyền chèo kiên nhẫn mãi thì ta cùng vượt qua; “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả. Anh hùng hào kiệt có hơn ai”, mọi khó khăn gian khổ, trở ngại trên đường đời chỉ là những thử thách ý chí và nghị lực, để phân biệt kẻ anh hùng hào kiệt với phàm nhân chứ không thể nào chặn đứng dược quyết tâm của ta, buộc ta lùi bước. “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi” chính là như vậy. Thế thì đường đi khó là do đâu?

Nhà văn đã trả lời: Đường đi khó “vì lòng người ngại núi e sông". Nói như thế có nghĩa là muốn làm được bất cứ việc gì thì điều có ý nghĩa quyết định là ý chí, là nghị lực để thực hiện ý muốn của mình. Có ý chí vững chắc, có quyết tâm cao, con người có thể vượt qua được mọi khó khăn trở ngại để đi đến đích. Thiếu ý chí, thiếu quyết tâm thì cho dù đường đi thuận lợi cũng chẳng vượt qua được. Bác Hồ đã từng nói: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên” đó sao?

Hẳn chúng ta đã thấy có biết bao tấm gương trong lịch sử loài người, nhờ nghị lực phi thường, quyết tâm sắt đá bền vững mà đã vượt qua được vô vàn gian khổ khó khăn, tạo nên được bao chiến công hiển hách, bao thành tựu tuyệt vời. Crít-tốp Cô-lông và các đồng đội của ông chẳng hạn, nếu không bền lòng, quyết chí, dùng cảm vượt qua hàng vạn dặm biển với bao thử thách gay go thì làm sao tìm ra được Châu Mỹ?

Cả những việc khó khăn hơn “đào núi và lấp biển” như bay vào vữ trụ, đổ bộ lên mặt trăng, khai thác tài nguyên trong lòng đất thẳm, dưới đáy biển sâu, con người đã làm được cũng nhờ vào sự bền lòng, quyết chí của mình.

Ngay thực tế lịch sử của dân tộc ta, một ngàn năm đô hộ giặc Tàu, chống quân xâm lược đều là sự thử thách ý chí sát đá của dân tộc. Nếu “ngại núi e sông” thì dễ chi dân tộc ta được tự do, độc lập xây dựng chủ nghĩa xã hội để tiến lên dân giàu nước mạnh như hôm nay. Ý chí mạnh mẽ, quyết tâm sắt đá đó phải chăng là chất vàng ròng, là hương sen mà nhà thơ Tố Hữu đã ngợi ca:

Chúng muốn đốt ta thành tro bụi

Ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm

Chúng muốn ta bán mình ô nhục

Ta làm sen thơm ngát trong đầm.

(Việt Nam máu và hoa — Tố Hữu)

Gần gũi hơn, quanh ta, thiếu chi những bạn nhỏ giàu quyết tâm và nghị lực. Trong hoàn cảnh khó khăn, mồ côi thiếu đói, vẫn không nản lòng, vừa làm lụng giúp đỡ người thân còn lại, vừa lo kiếm sống, vừa học tập để vươn lên thành người hữu dụng trong xã hội.

Câu nói của nhà văn Nguyền Bá Học có kết cấu cân đối, nhịp nhàng với hình ảnh cụ thể đã nêu lên cho chúng ta một chân lí cuộc đời. Đó là một bài học, một lời nhắc nhở không nguôi với mọi người mọi thế hệ về sức mạnh và sự cần thiết của ý chí con người. Từ đó câu nói giúp chúng ta luôn luôn rèn nghị lực trong cuộc sống hàng ngày. Chỉ có quyết tâm cao mới đem lại kết quả mà mình mong muốn chứ còn ngại núi e sông” thì đường đi khó mà tới đích.

2
0
Nga
31/07/2020 10:10:40
+3đ tặng

Được sinh ra trên đời là một diễm phúc đối với mỗi con người. Thế nhưng để tồn tại và sống cho đúng nghĩa, con người luôn phấn đấu để thật sự “thành người” là cả một quá trình đấu tranh. Đế nói về một quan niệm sống cần phải có nghị lực, ý chí, Nguyễn Bá Học có một đúc kết thật hay: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Câu nói đã mở ra cho ta suy nghĩ về nghị lực sống. Nếu ta xem cuộc đời này là một con đường dài thì những khó khăn thử thách sẽ là những ngọn núi cao, những con sông dài bắt buộc chúng ta phải vượt qua. Nhưng dù cho sông có dài núi có cao thì khi con người có ý chí, nghị lực sống thì chắc chắn sẽ vượt qua được. Ta có thể hiểu nghị lực sống là những cố gắng quyết tâm vượt qua những thử thách trước mắt. Trái lại, khi chúng ta làm một công việc tuy là không khó khăn nhưng với bản chất lo sợ thất bại thì công việc đó sẽ không đi đến thành công. Cũng như câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển;

Quyết chí ắt làm nên”.

Như vậy, ta có thể thấy được câu nói của Nguyễn Bá Học là hoàn toàn đúng. Nghị lực sống là một trong số những con đường nhanh nhất dẫn đến thành công của một người. Con đường đời sẽ không làm phụ lòng những người biết vượt lên trong cuộc sống. Người có nghị lực sẽ tìm được con đường đi đến thành công dù là con đường đó chông gai, khó khăn. Mỗi người sẽ có một con đường đời của riêng mình nhưng điểm chung là tất cả mọi con đường đều có những lúc lên lúc xuống, lúc êm đềm, lúc khó khăn. Chúng ta phải luôn sẵn sàng đối mặt với những gian nan ấy. Tất cả những khó khăn sẽ không là vấn đề to lớn nếu ta bình tĩnh suy nghĩ và có đủ quyết tâm để vượt qua nó. Từ cuộc sống thực tế ta có thể thấy những gia đình khó khăn sau một thời gian làm việc vất vả, cố gắng dành dụm, có nghị lực để vượt qua những gian khổ trước mắt thì sau một thời gian, cuộc sống sẽ mang lại cho họ những thành công. Cũng có thể lấy ví dụ từ trong ghế nhà trường, một học sinh có khả năng tiếp thu bài kém nhưng khi người học sinh ấy có nghị lực để quyết tâm chăm chỉ học tập thì kết quả sẽ được cải thiện. Như vậy ta thấy được tầm quan trọng của nghị lực sống đối với những ai muốn đi đến được thành công. Con đường Hồ Chí Minh di đến giải phóng dân tộc quả không dễ dàng. Chế Lan Viên từng dùng hình ảnh “viên gạch hồng” mà Bác đã sưởi ấm cả một mùa đông. Đó mới chỉ là một trong cái khó về thiếu thốn vật chất thường ngày mà Bác phải trải qua. Để giác ngộ những trí thức hải ngoại thâu đạt được tư tưởng giải phóng dân tộc của Bác mà hỗ trợ cũng là cả một vấn đề. Xây dựng được cơ sở Đảng phải trải qua muôn vàn khó khăn; tìm kiếm vũ khí; tranh thù sự ủng hộ của quôc tế, ... Đó là những chặng đường Bác đã trải qua. Những năm tháng tù đày, sống và hoạt động trong vòng bí mật. Sau này giành được hòa bình, con đường Bác phải tiếp tục là làm cho dân no ấm, ... Ôi, biết bao là khó khăn. Vậy mà Bác đã mang lại cho dân tộc ta ánh sáng tự do. Nếu không có những bản lĩnh phi thường, một trí tuệ vượt bậc và tấm lòng thương dân sâu nặng, thử hỏi làm sao vượt qua con đường ấy?! Bởi vậy, khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước, Bác chỉ có mỗi mình trong lặng lẽ, nhưng khi nằm xuống, đã có hàng vạn, hàng vạn trái tim của đồng bào hướng về Hà Nội, hướng về Bác mà rơi lệ tiếc thương. Hằng ngày, ta vẫn thấy những bà mẹ nghèo tần tảo nuôi con. Dẫu cho con họ từng bước lớn lên trong từng chén cơm cơ hàn, nhưng vẫn được đến trường từ gánh hàng rong của mẹ. Điều đó, ta đã từng được nghe, được thấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Những đôi vai gầy gò, và gánh hàng còm cõi, họ vẫn đầy nghị lực và khát vọng hướng con đến con đường tươi sáng với những thiết tha cao đẹp. Ngày ngày, ta vẫn thấy biết bao người tật nguyền rong ruổi trên khắp nẻo đường. Họ mưu sinh chân chính và trĩu nặng trong từng bước chân số phận mà lương thiện. Họ đã sống bằng nghị lực phi thường.

Nhưng trong thực tế không phải ai cũng có đủ nghị lực để vượt qua thử thách. Đó là những con người đáng chê trách. Thất bại không phải là mất tất cả, khi chúng ta thất bại thì phải cố gắng đứng dậy. Chính nghị lực sống sẽ giúp chúng ta đứng dậy. Nhưng ngày nay khi gặp phải thử thách, nhiều người đã chọn cách buông xuôi thay vì cố gắng đứng lên. Một loạt người khác trong xã hội ngày nay là chưa làm việc đã sợ thất bại vì những khó khăn mà công việc đặt ra. Đường đời sẽ càng chông gai nếu những ai nghĩ rằng khó khăn sẽ không vượt qua được, chúng ta cứ thử một lần bước qua những thừ thách, đối mặt với khó khăn thì chắc chắn chúng ta sẽ vượt, qua được vì nghị lực sẽ làm nên tất cả. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mỗi học sinh cần rèn luyện cho mình những kĩ năng sống cần thiết. Đặc biệt là nghị lực sổng, cách tốt nhất để vượt qua khó khăn và là một trong những hướng đi nhanh nhất dẫn đến thành công. Bên cạnh đó, gia đình cũng phải tạo điều kiện đế mỗi cá nhân đối mặt với những thử thách và va chạm trong cuộc sống.

Để mỗi cá nhân tự hoàn thiện mình hơn, rèn luyện được tính tự lập, và ý chí thép để đối mặt với mọi khó khăn. Còn những ai chưa bao giờ đối mặt với khó khăn thì phải tự mình rèn luyện cho mình có một ý thức vươn lên và vượt qua thử thách.

Như vậy, trên đường đời đầy gian nan thử thách, mỗi người phải có nghị lực sống để vượt qua tất cả, “nghị lực sống sẽ mở ra cho chúng ta những con đường đi đến thành công!”. Là thanh niên, sống không có mục đích, không có lí tưởng, khát vọng, và đặc biệt không có nghị lực vươn lên thì quả thật hổ thẹn biết bao!.

Cầm vàng mà lội qua sông,

Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng.

2
0
Nga
31/07/2020 10:10:56
+2đ tặng
1. Mở bài:
- Nguyễn Bá Học là nhà giáo, nhà văn rất quan tâm đến thế hệ trẻ. Ông đã có một câu nói đầy ý nghĩa để giáo dục ý chí quyết tâm cho thanh niên: đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông
2. Thân bài:
a/ Giải thích:
- Nghĩa tường minh: Con đường đi tới đích nhiều khi phải vượt qua núi cao, sống sâu, nhưng nếu quyết tâm, ta vẫn đến nơi.
* Nghĩa hàm ẩn: Con người cẩn phải có ý chí, quyết tâm, nghị lực để vượt qua những thử thách trên đường đời.
- Nếu không có ý chí, chúng ta không thể làm được việc gì đến nơi đến chốn, không thể đạt được thành công.
b/ Minh hoạ bằng các dẫn chứng trong văn học và thực tế đời sống xã hội.
(Lấy một số dẫn chứng tiêu biểu mà bản thân được biết
3. Kết bài:
- Ý kiến trên của Nguyễn Bá Học là bài học quý giá trong việc tu dưỡng và phấn đấu của mỗi người.
- Hồ Chủ tịch cũng đã từng khuyên thanh niên: Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×