Trong bài ‘Cảm tưởng đọc thiên gia thi”HCM viết:
“Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong”
Thế nào là “thép” ở trong thơ. Bản thân câu thơ của Người đã nói rõ, đó là chất chiến đấu, cách mạng, là tinh thần chiến sĩ. Người quan niệm thơ ngày nay phải có tính cách mạng, thể hiện tinh thần người chiến sĩ cách mạng. Tính cách mạng và tinh thần chiến sĩ trong thơ đâu phải chỉ có một dạng biểu hiện trực tiếp. Đọc Nhật kí trong tù, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: bài nào cũng có thép,câu nào cũng có thép. Nhận định ấy hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên nhiều bài thơ của Bác trong tập thơ này lại không hề nói đến “thép”, nghĩa là không nói đến chuyện cách mạng, chiến đấu, không có hình ảnh chiến sĩ. Do đó không nên hiểu chất thép trong thơ ca nói chung và trong thơ HCM một cách đơn giản, máy móc. Nhà phê bình Hoài Thanh về mặt này đã có ý kiến xác đáng: “Khi Bác nói trong thơ có thép ta cũng cần tìm hiểu chất thép trong thơ. Có lẽ phải hiểu một cách linh hoạt mới đúng. Không phải cứ nói chuyện thép, lên giọng thép mới có tinh thần thép”.
Trong Nhật kí trong tù,một mặt chúng ta thấy những bài trực tiếp nói về cách mạng và thể hiện tinh thần cách mạng:
“ Thân thể ở trong lao
Tinh thần ở ngoài lao
Muốn nên sự nghiệp lớn
Tinh thần càng phải cao”
Mặt khác lại có nhiều bài không nói đến cách mạng, đến tinh thần chiến đấu. Đó là những bài chỉ như là những lời đùa hồn nhiên hay bày tỏ cảm xúc của mình trước khung cảnh thiên nhiên. Nhân vật trữ tình ở đây là một thi sĩ nhạy cảm với vẻ đẹp của đất trời, hoa cỏ: Ngắm trăng, chiều tối, giải đi sớm,...vv. Tuy nhiên nếu đặt những bài thơ ấy trong hoàn cảnh sáng tác thì ta mới thấy những bài thơ ấy chứa đựng một tinh thần thép. Lấy ví dụ về bài : “Ngắm trăng”
“Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”
Đúng là bài thơ không hề “nói chuyện thép” và “lên giọng thép”. Hình tượng duy nhất hiện lên trong bài thơ chỉ là hình tượng một thi sĩ hết sức nhạy cảm với vẻ đẹp của đêm trăng rằm . Thực ra người tù thi sĩ không có được thưởng trăng một cách thoải mái. Chắc hẳn khe cửa nhà lao chỉ cho phép lọt qua một chút ánh trăng thấp thoáng mà thôi. Nhưng dù chỉ có thế, với lòng yêu trăng rất mực và trí tưởng tượng phong phú của mình,n hà thơ cũng cảm thấy thi hứng dạt dào. Câu thơ thứ hai, nguyên văn chữ Hán dịch là : trước cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào ? Câu thơ thể hiện một tâm hồn xao xuyến, bồn chồn không yên của HCM trước cảnh đẹp đêm trăng, mà lời dịch thơ không diễn tả được.
Thi sĩ tiếc là không có rượu và hoa để hồn thơ được thõa.Vì đối với nhà thơ cổ điển, thơ, rượu,trăng, hoa phải đi với nhau mới thú vị .
Nhưng dù không có rượu và thơ,cảm hứng thơ vẫn dạt dào:
“Người ngắm trang soi ngoài cửa sở
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”
Nhưng như thế thì đâu là “chất thép” là tinh thần chiến sĩ ? Phải đặt bài thơ trong hoàn cảnh của nó mới thấy được. HCM sáng tác bài thơ này trong hoàn cảnh nhà tù đen tối của bọn Quốc dân đảngTrung Quốc.Người làm thơ thì bị mất tự do. Trong hoàn cảnh ấy mà vẫn có được cảm hứng thơ, vẫn giữ được tư thế ung dung thi sĩ như thế thì người làm thơ phải có một “tinh thần thép” khác thường để có thể vượt lên mọi gian khổ khủng khiếp của nhà tù. Chất thơ ấy trước hết phải là “chất thép” , hình tượng thi sĩ ấy, bản chất phải là một chiến sĩ hết sức kiên cường,không ai khác chính là HCM .