Từ xưa tới nay, mối tương quan chặt chẽ giữa học và hành đã được nhiều người quan tâm, bàn luận, Học quan trọng hơn hành hay hành quan trọng hơn học? La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã góp một ý kiến xác đáng về vấn đề này trong bài Bàn luận về phép học: Phép dạy, nhất định theo Chu Tử. Lúc đầu học tiểu học để bồi lấy gốc. Tuần tự tiến lên học đến tứ thư, ngũ kinh, chư sử. Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm. Họa may kẻ nhân tài mới lập được công, nhà nước nhờ thế mà vững yên. Đó mới thực là cái đạo ngày nay có quan hệ tới lòng người. Xin chớ bỏ qua.
Ý kiến trên đây của ông là sự đúc kết kinh nghiệm sau bao năm nghiền ngẫm và áp dụng trong thực tế phương pháp dạy và học của Chu Tử (tức Chu Đôn Di), một bậc thầy của Nho giáo đời Tống bên Trung Quốc.
Trong phép học của Chu Tử, Nguyễn Thiếp nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa học và hành: học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm. Vậy, chúng ta phải tìm hiểu xem học là gì? hành là gì?
Học là hoạt động tiếp thu những tri thức của nhân loại đã được đúc kết qua mấy ngàn năm lịch sử. Chúng ta có thể học ở trường qua sự truyền thụ của thầy cô, học ở bạn bè; tự học qua sách vở và học ở thực tế đời sống. Học để làm giàu tri thức, nâng cao trình độ hiểu biết. Học để có thể làm chủ bản thân, làm chủ công việc của mình và góp phần hữu ích vào sự nghiệp chung của đất nước, dân lộc. Theo Nguyễn Thiếp, muốn có kết quả tốt phải có phương pháp học tốt. Trước hết phải học từ thấp đến cao. Khi học phải biết tóm lược kiến thức cơ bản đế dễ nhớ, dễ vận dụng. Theo cách nói bây giờ là ta phải biết sơ đồ hóa kiến thức, biết tóm tắt nội dung văn bản đã học.
Hành là quá trình vận dụng những kiến thức đã học vào những công việc hằng ngày. Ví dụ như một bác sĩ những kiến thức tiếp thu được trong suốt quá trình đào tạo sáu, bảy năm ở trường đại học để vận dụng vào việc chữa bệnh cho nhân dân. Những kiến trúc sư, kĩ sư xây dựng đem kiến thức đã học để thiết kế và thi công bao công trình như nhà máy, bệnh viện, trường học, công viên... để phục vụ đời sống con người.
Anh công nhân trong xưởng máy vận dụng lí thuyết để cải tiến kĩ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm. Chị nông dân áp dụng khoa học vào đồng ruộng để có được những vụ mùa bội thu... Học sinh vận dụng những điều thầy dạy để làm một bài toán, một bài văn... đó là hành.
Bác Hồ cũng khẳng định: Học để hành, có nghĩa là học để làm cho tốt, thực tế cho thấy có học có hơn. Ông cha chúng ta ngày xưa đã nói: Bất học, bất tri lí. (Không học thì không biết đâu là phải, là đúng). Mục đích cuối cùng của sự học là nhằm phục vụ cho mọi công việc đạt hiệu quả cao hơn. Nếu học được lí thuyết dù cao siêu đến đâu chăng nữa mà không đem ra vận dụng vào thực tế thì việc học ấy chỉ tốn thời gian, công sức, tiền bạc mà thôi.
Ngược lại, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Trong học tập, học sinh muốn làm được một bài văn hay một bài toán thì không những phải nắm vững lí thuyết mà còn phải biết vận dụng lí thuyết để làm từng kiểu bài cụ thể. Trong công việc, nếu ta chỉ làm theo thói quen, theo kinh nghiệm mà không có lí thuyết soi sáng thì năng suất công việc sẽ thấp và chất lượng không cao. Cách làm theo thói quen chỉ thích hợp với các công việc giản đơn, không cần nhiều đến trí tuệ. Còn đối với những công việc phức tạp có liên quan đến khoa học kĩ thuật thì chúng ta bắt buộc phải được đào tạo chính quy theo từng chuyên ngành và trong suốt quá trình làm việc vẫn phải học tập không ngừng. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thời đại.
Quan niệm về học và hành của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cho đến nay vẫn giữ nguyên tính khoa học và tính thực tiễn của nó. Trong giai đoạn khoa học phát triển với tốc độ nhanh như hiện nay thì tri thức các công việc phức tạp. Lí thuyết đúng đắn có tác dụng soi sáng, dẫn đường cho thực hành. Con người sẽ rút ngắn thời gian mò mẫm, thử nghiệm và tránh được những sai lầm đáng tiếc. Lí thuyết gắn với thực hành sẽ thúc đẩy sản xuất phát triển nhanh hơn và đạt hiệu quả cao hơn.
Do đó, chúng ta không thể coi nhẹ vai trò to lớn của việc học mà phải nhìn nhận, đánh giá đúng mức mối liên quan giữa học và hành. Học và hành phải đi đôi vì chúng có tác động hai chiều với nhau. Học hướng dẫn hành. Hành bổ sung, nâng cao và làm cho việc học thêm hoàn thiện. Có học mà không có hành thì chỉ là ôm mớ lí thuyết suông. Trái lại, chỉ chú trọng thực hành mà không chịu học hỏi thì làm việc gì cùng khó khăn. Học và hành là hai mặt của một quá trình, không thể xem nhẹ mặt này hay mặt khác.
Thực tế cho thấy trong tất cả các cấp học ngày nay, phương châm học đi đôi với hành là hoàn toàn đúng. Những kiến thức mà chúng ta tiếp thu được từ nhà trường, sách vở... phải được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống để sáng tạo ra những thành quả vật chất, tinh thần phục vụ con người.
Với cách lập luận chặt chẽ, bài Bàn luận về phép học của Nguyễn Thiếp giúp chúng ta hiểu rõ mục đích của việc học là để làm người có đạo đức, có tri thức, tài năng, đặng góp phần thúc đầy sự hưng thịnh của đất nước, chứ không phải để cầu danh lợi theo kiểu "vinh thân phi gia". Muốn học tốt phải có phương pháp đúng: Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm; đặc biệt học phải đi đôi với hành.