Theo thông tin lưu trữ ghi nhận được tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), thầy giáo Chu Văn An (1292-1370), tự Linh Triệt, hiệu Tiều Ẩn đỗ Thái học sinh triều Trần nhưng không ra làm quan mà về quê mở trường dạy học. Cuộc đời ông có thể khái quát ở 3 giai đoạn: mở trường dạy học ở quê nhà, làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám và về sống ẩn dật ở núi Phượng Hoàng.
Gian thờ Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An ở nhà Thái Học. Ảnh: DUY KHÔI
Tổng hợp từ các cuốn chính sử “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Đại Việt sử ký tiền biên”, “Khâm Định Việt sử thông giám cương mục”, “Lịch triều hiến chương loại chí” và “Đại Nam nhất thống chí”, có thể nhận định rằng: Từ nhỏ, thầy giáo Chu Văn An đã ham đọc sách vở, nuôi chí luyện rèn chữ nghĩa. “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi: “Chu An (tên gọi khác của Chu Văn An - ) học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa”. Sau khi học hành đỗ đạt, Chu Văn An không chọn đường quan lộ mà về quê mở trường dạy học. “Lịch triều hiến chương loại chí” thuật rằng, Chu Văn An lập nhà học ngay tại một gò lớn ở giữa đầm để truyền bá kiến thức. Trường học của thầy giáo họ Chu thu hút rất đông môn sinh.
Sử sách cũng ghi, Chu Văn An là một thầy giáo mẫu mực, luôn khuyến dạy môn sinh của mình dùng sở học mà giúp nước, giúp dân. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, Ngô Sĩ Liên chép rằng: “Kẻ nào xấu thì ông nghiêm khắc trách mắng, thậm chí la thét không cho vào. Ông là người trong sạch, thẳng thắn, nghiêm nghị, lẫm liệt đáng sợ đến như vậy đấy”. Trong một trang khác, Ngô Sĩ Liên lại ngợi khen: “Hãy lấy Văn Trinh (Chu Văn An được triều đình truy phong tước hiệu Văn Trinh Công - NV) mà nói, thờ vua tất thẳng thắn can ngăn, xuất xử thì làm theo nghĩa lý, tiết tháo cao thượng thì thiên tử cũng không thể bắt làm tôi được. Huống chi tư thế đường hoàng mà đạo làm thầy được nghiêm, giọng nói lẫm liệt mà bọn nịnh hót phải sợ. Ngàn năm về sau, nghe phong độ của ông, há không làm cho kẻ điêu ngoa thành liêm chính, người yếu hèn biết tự lập hay sao?”.
Bia tiến sĩ ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Ảnh: DUY KHÔI
Lại nói thêm về thời gian thầy giáo Chu Văn An được mời ra làm quan Tư nghiệp Quốc Tử giám. Tư nghiệp là chức quan có từ đời Trần, chuyên coi chuyện học hành. Chu Văn An là vị quan giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử giám đầu tiên. Tư nghiệp Chu Văn An được giao dạy học cho Thái tử để sau này lên ngôi vua trị vì đất nước. Ông không chỉ dạy Thái tử cách trị nước, an dân, mà còn dạy các Thái tử đạo làm vua, đạo làm người, nghĩa khí và lối sống ở đời.
Thời điểm Tư nghiệp Chu Văn An từ quan về sống ẩn dật ở Phượng Hoàng sơn, Chí Linh, là vào đời vua Trần Dụ Tông. Sử thần Ngô Sĩ Liên ghi lại trong “Đại Việt sử ký toàn thư”: “Vua (Dụ Tông) biết tôn trọng Thầy dạy nhưng lại không bàn việc nước với Thầy. Vì thế bậc hiền năng không nên chỉ để làm vì. Chu An đi rồi, không còn ai bảo ban vua đạo hay lẽ phải nữa”. Ngô Sĩ Liên còn khẳng định thầy giáo Chu Văn An đã lui về ở ẩn trước khi vua Dụ Tông mất. Treo ấn từ quan, giữ gìn tiết tháo, thầy giáo Chu Văn An về với sơn cước Chí Linh để sống ẩn dật, ông chọn cho mình tên hiệu là Tiều Ẩn, nghĩa là người tiều phu ở ẩn. Ông sống ở đây, dạy học trò đến lúc mãn phần, để lại một nhân cách lớn cho hậu thế muôn đời.
Cuộc đời làm thầy của thầy giáo Chu Văn An khiêm nhường mà thanh tao. Đạo đức và nhân cách của ông được học trò kính trọng. Trong số học trò của ông, nhiều người đỗ đạt cao, giữ những chức trọng yếu trong triều đình như Lê Quát làm đến chức Nhập nội Hành khiển Hữu bộc xạ; Phạm Sư Mạnh làm đến chức Nhập nội hành khiển tri Khu mật sự… Vậy nhưng sách “Đại Việt sử ký tiền biên” kể rằng: Quát và Mạnh khi đến thăm thầy thì kính nể, khiêm nhường: “Lạy ở dưới giường, được nói chuyện với Thầy vài câu rồi đi ra thì lấy làm mừng lắm”. Với những học trò kiêu căng, mất đạo đức, hà hiếp dân lành, thầy giáo Chu Văn An thẳng thắn từ mặt học trò, đuổi ra khỏi nhà.
Tiết tháo một minh sư
Sử sách ghi rằng, nhà giáo Chu Văn An suốt cuộc đời làm sự nghiệp “trồng nghiệp” luôn theo đuổi 4 chân giá trị: Cùng lý, Chánh tâm, Tịch tà và Cự bí. Cùng lý là tranh luận đến cùng để tìm ra lý lẽ. Chánh tâm là sống thẳng ngay, không thẹn lương tâm. Tịch tà là bài trừ những điều mê tín, nhảm nhí. Cự bí là chống lại những điều trở ngại, khó khăn, những điều làm hoen ố nhân tâm. Triết lý giáo dục của thầy giáo họ Chu vừa đảm bảo về kiến thức lẫn nhân cách, đạo đức.
Nói về tiết tháo của Chu Văn An, có thể kể đến chi tiết được ghi trong “Đại Việt sử ký toàn thư”. Khi ông quy ẩn, vua Dụ Tông đem chính sự đến trao nhưng ông quyết từ chối. Vua tức giận nhưng Đức Hoàng Thái Hậu Hiến Từ khuyên vua: “Ông ta là người không thể nào bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta?”. Vua lại sai quần thần đem quần áo quý đến ban cho thầy Chu Văn An. Ông lạy tạ rồi nhận nhưng lập tức đem cho người khác hết. Ai nấy đều khâm phục khí khái của ông.
Văn Miếu - nơi thầy giáo Chu Văn An làm Tư nghiệp đầu tiên - trải qua mấy trăm năm vẫn là nơi tôn vinh sự học.
Khí khái của thầy Chu Văn An còn được người đời kể lại bằng một huyền tích không ghi vào chính sử. Truyện kể rằng trong lớp học của thầy giáo Chu Văn An có cậu học trò thông minh không biết từ đầu tới, chỉ biết cậu thường đi về từ đầm Mực (Mặc). Năm nọ thời tiết khô hạn, dân tình đói khổ, thầy Chu lấy làm đau khổ trước cảnh khốn cùng đó. Cậu học trò ấy thấy thầy khổ tâm liền xin thầy được phép cầu mưa. Cậu về đầm Mực, khấn nguyện rồi vung bút lên trời, mây đen kéo tới, mưa trút ào ào. Xóm làng an yên trở lại. Nhưng nào hay, cậu chính là con của Thủy Thần, đã làm lộ thiên cơ nên bị sét đánh, hóa thuồng luồng bay về trời. Đầm Mực ngày nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội, vẫn còn miếu thờ con trai Thủy Thần.
Kể về thầy giáo Chu Văn An thì không thể bỏ qua “Thất trảm sớ”. Chuyện là đời Trần Dụ Tông, vua ham chơi bỏ bê chính sự quốc gia. Nhiều quan lại cậy quyền cậy thế lộng hành, xem thường luật nước. Can gián nhưng vua không nghe, Chu Văn An bèn dâng sớ xin chém 7 tên gian thần đang làm phương hại xã tắc nhưng lại rất được vua tín cẩn. Người đời gọi đó là “Thất trảm sớ”. Sớ đến tay vua nhưng vua làm ngơ cho qua, Chu Văn An lấy làm buồn phiền nên cáo quan về quê.
Danh sách 7 tên gian thần ấy đến nay vẫn là ẩn số, không được chính sử ghi nhận. Chỉ trong cuốn tiểu thuyết “Vương triều lịch sử” của Hoàng Quốc Hải có nêu đích danh 7 tên này. Tuy nhiên, đây chỉ là thông tin tham khảo. Họ là: Hoạn quan chi hậu cục Mai Thọ Đức, kẻ cai quản phi tần và tuyển chọn mỹ nữ; Trâu Canh, viên ngự y; Bùi Khoan, Chính chưởng phụng ngự; Văn Hiến hầu; Hành khiển tả ty lang trung Nguyễn Thanh Lương; Hành khiển hữu ty hữu bộc xạ Tâm Đức Ngưu; Đoàn Nhữ Cẩu, Đồng binh chương sự. Sau khi vạch tội, thầy giáo Chu Văn An đề đạt rằng, để giữ nghiêm phép nước, nối dòng đại thống từ Thái tông cao hoàng đế tới nay, xin vua cho chém đầu 7 tên gian thần làm gương thiên hạ. Đồng thời, xin vua ra lệnh tịch thu sản nghiệp của họ, sung quốc khố.
Cuộc đời thanh bạch của thầy Chu Văn An đáng để muôn đời ngưỡng mộ, tôn xưng bậc Danh Sư. Ông là một trong số rất ít bậc hiền sĩ sau khi mất được thờ ở Văn Miếu. Sự nghiệp của ông được ghi lại trong văn bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đền thờ Tư nghiệp Chu Văn An trên núi Phượng Hoàng có câu đối: “Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc / Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong”. Tạm dịch là: Cuối đời Trần là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chẳng phải là cái thú vui của bậc hiền giả? Núi Phượng vẫn còn dấu vết ở ẩn, đỉnh non vẫn mãi mãi ngưỡng mộ phong thái của kẻ triết nhân!