Câu được phân tích ra thành nhiều thành phần, trong đó có những thành phần chính và những thành phần phụ.
a - Chủ ngữ (CN):
Là một trong hai bộ phận chính của câu. CN nêu người, sự vật được miêu tả, nhận xét. Câu thường có một CN hoặc có thể có nhiều CN đặt kế tiếp nhau. Muốn tìm CN, ta đặt câu hỏi: Ai? Con gì? Cái gì? Việc gì?...
b - Vị ngữ (VN):
Là một trong hai bộ phận chính của câu. VN chỉ hoạt động, trạng thái, tính chất, vị trí để miêu tả hoặc nhận xét về người, sự vật được nêu ở CN. Câu thường có một VN hoặc có thể có nhiều VN. Trong câu, VN thường đứng sau CN (song đôi khi, để gây sự chú ý, VN cũng được đảo lên trước CN). Muốn tìm VN, ta đặt câu hỏi: ...làm gì? ...như thế nào? ....là gì?
c - Trạng ngữ (TN):
Là bộ phận phận phụ của câu, có tác dụng thêm nghĩa cho câu. TN bổ sung tình huống cho câu (chỉ thời gian, địa điểm, mục đích, nguyên nhân, phương tiện,...). Câu có thể có hoặc không có TN. TN thường đứng ở đầu câu và ngăn cách với CN, VN bằng dấu phẩy. Câu có thể có một hoặc nhiều TN. Các TN có thể cùng một ý nghĩa hoặc có nhiều ý nghĩa khác nhau.
Các nội dung dưới đây tuy không học trong chương trình SGK nhưng với các em HSG cũng nên tham khảo để các em có cái nhìn tổng thể về mảng kiến thức này.
+ Định ngữ (ĐN): Là bộ phận phụ của câu. ĐN bổ sung ý nhĩa cho danh từ (DT) trong câu. DT nào trong câu cũng có thể có ĐN. Các ĐN có thể đứng trước hoặc đứng sau DT. ĐN đứng trước chỉ số lượng, khối lượng; ĐN đứng sau chỉ đặc điểm, sở hữu.
+ Bổ ngữ (BN): Là thành phần phụ của câu. BN bổ sung ý nghĩa cho ĐT, TT trong câu. BN phụ cho động từ (ĐT) thêm các ý nghĩa về đối tượng, thời gian, nơi chốn, cách thức,...BN phụ cho tính từ (TT) thêm các ý nghĩa về đối tượng, mức độ,...của tính chất. ĐT, TT nào trong câu cũng có thể có BN, Các BN có thể đứng trước hoặc đứng sau ĐT, TT.