2. Quan niệm về thân phận con người
Quan niệm của Nguyễn Du về thân phận con người là sự cụ thể hoá và triển khai thêm những nhận định về cuộc đời của ông vào những mẫu hình cụ thể - các nhân cách, như những minh chứng cho nhận định của ông.
Xã hội mà Nguyễn Du mô tả, suy ngẫm, chiêm nghiệm là xã hội của những con người mê lầm, chưa tự ý thức, chưa tự giác ngộ được về bản chất cuộc đời và ý nghĩa của sự tồn tại người. Theo quan niệm Phật giáo, đó là những người vẫn còn đang ở bến mê, theo quan niệm Nho giáo, đó là những con người đang là trò chơi của tạo hoá, của định mệnh. Những mối quan hệ xã hội chằng chịt, đan xen được Nguyễn Du tháo gỡ và sắp xếp theo dòng chảy của các quy luật Phật giáo, như luật nhân quả, duyên nghiệp, giác ngộ… Tất cả những thân phận, từ đấng anh hùng như Từ Hải, kẻ tu hành như vãi Giác Duyên, người làm quan như Hồ Tôn Hiến, kẻ sĩ như Kim Trọng, tới số phận truân chuyên như Thuý Kiều, lưu manh như Mã Giám Sinh… đều được nhìn dưới góc độ triết lý Phật giáo, là những thân phận phải hứng chịu mọi kiếp nạn đã bị quy định từ các hành vi của kiếp trước:
“Gặp phải lúc đi đường lỡ bước,
Cầu Nại Hà kẻ trước người sau.
Mỗi người mỗi nghiệp khác nhau,
Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ”(8).
Mỗi con người bước vào cuộc đời với một nghiệp riêng do kiếp trước quy định, là sung sướng, là anh hùng, là khổ đau, là bất hạnh…, cho đến khi rời cõi thế cũng mỗi người một vẻ chết khác nhau không ai giống ai, nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là đều chung thân phận bơ vơ, lạc loài. Nếu như lý luận về tha nhân của chủ nghĩa hiện sinh khẳng định sự lạc loài, phi lý của kiếp người trên chính cuộc đời trần thế thì, với Nguyễn Du, do chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết lý Phật giáo, sự lạc loài phi lý đó là thuộc về thế giới phi trần gian, ở những linh hồn đã rời cõi thế, không nơi nương tựa, lang thang phiêu bạt đi tìm điểm dừng của duyên nghiệp, đi tìm tới cái ngã đích thực tồn tại trong vĩnh cửu. Với Nguyễn Du, những thân phận con người trong cõi thế vẫn là sự tồn tại theo duyên cảnh, không mang tính phi lý, mà là một tất nhiên và mang tính tiền định:
“Biết thân chạy chẳng khỏi trời,
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”(9).
Những thân phận này, dù có cố gắng đến nhường nào, nhưng nếu chưa giác ngộ được lẽ vô thường, chưa ngộ được chân tâm thì vẫn không thoát khỏi số phận trớ trêu mà trời đã định. Trong cuộc đời mà mỗi thân phận người tồn tại theo tự tính trời ban của mình, theo số phận đã định của mình, thì tính chủ thể của con người trở nên thật là bé nhỏ và vô vọng:
“Kẻo khi sấm sét bất kỳ
Con ong cái kiến kêu gì được oan”(10).
Trong quan niệm về con người, Nguyễn Du đặc biệt chú ý tới hai loại người - người tài và người phụ nữ. Chính ở đó, quan niệm của ông về con người chứa đựng những nét đặc sắc nhất. Đồng thời, sắc thái tư duy Việt trong tư tưởng Nguyễn Du về con người cũng bộc lộ rõ nhất khi ông thể hiện các quan niệm này. Trước Nguyễn Du, trong văn học Việt Nam nói chung, trong quan niệm về con người nói riêng luôn đặt trọng tâm sự chú ý của xã hội vào người quân tử, vào người làm quan, người có học vấn, bậc Nho sĩ. Theo quan niệm của họ, chỉ nam giới mới được coi trọng, được đánh giá là có tài hay không có tài; cái tài chỉ được thể hiện qua con đường duy nhất là văn chương, thơ phú, cử nghiệp. Nhưng tới Nguyễn Du, và gần như đồng thời với ông là Hồ Xuân Hương, người tài không còn là độc quyền của nam giới nữa. Hồ Xuân Hương đã làm một việc quan trọng, mở đường cho việc đưa hình tượng người phụ nữ vào trung tâm điểm của văn học và vào nhận thức của dân tộc giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, đó là phê phán tận gốc những mặt trái đằng sau hình tượng người quân tử theo quan niệm cũ, đưa những nhu cầu tình cảm, tâm lý, khát vọng sống của người phụ nữ lên thành những quyền cơ bản của con người, có quyền và có giá trị bình đẳng với nam giới. Tới Nguyễn Du, ông đã làm tiếp một việc quan trọng nữa, và là sự kế tiếp như một quy luật tất yếu, cần phải có trong sự tự nhận thức của dân tộc, đó là tôn vinh người phụ nữ như những tinh hoa, anh tài của xã hội.
Trong Truyện Kiều, ông đã gửi gắm tất cả niềm yêu thương, xót xa và kỳ vọng vào người phụ nữ khi xây dựng hình tượng nàng Kiều, một phụ nữ đa tài, đa sắc, lại thánh thiện và nhân ái. Trọn vẹn những lý tưởng thẩm mỹ, đạo đức và con người lý tưởng của Nguyễn Du được ông gửi gắm vào nàng Kiều. Đó là hình tượng người phụ nữ đẹp nhất mà văn học Việt Nam thời phong kiến đã đạt được. Nhân vật “nàng Kiều” là sự hình tượng hoá các phẩm chất cao quý của người phụ nữ: tài năng, giàu đức hy sinh, biết dũng cảm đương đầu với số phận, thách thức số phận, chiến thắng số phận bằng chính sự tôi luyện theo lẽ thiện, vì thế cải biến được số phận. Chưa có nhân vật văn học nào trước đó được xây dựng công phu, đẹp đẽ và chinh phục trái tim người dân đến thế. Tính tích cực của chủ thể thể hiện ở cả nhận thức và hành động của nàng Kiều như khúc khải hoàn chiến thắng của con người trước số phận, là lời gửi gắm tâm nguyện của Nguyễn Du đối với cuộc đời.
Khi đề cập đến người tài, Nguyễn Du đã thừa nhận luật “tài mệnh tương đố”. Với Nguyễn Du, người tài không chỉ là các văn nhân, trí thức Nho giáo, mà bao gồm cả phụ nữ; cái tài không chỉ thể hiện trong thơ phú, chính trị, cử nghiệp, mà cả trong các năng lực khác như đàn hát, hội hoạ. Theo ông, người có tài luôn là tinh hoa của trời đất, được đồng loại coi trọng, xót thương và ca ngợi, bởi chính họ đã làm cho cuộc đời ngày càng đẹp hơn, nhân ái hơn:
“Kiều rằng: “Những đấng tài hoa,
Thác là thể phách còn là tinh anh”(11).
Những người tài hoa khi sống phải chịu số phận long đong như một sự chuộc tội cho nhân quần, bởi họ cũng chính là những con người có tình nhất, yêu thương đồng loại nhất và là những người cảm biết được trách nhiệm của mình trước đồng loại, nên dù thấy chết vẫn tự nguyện chấp nhận như một tất yếu, giống như nàng Kiều coi việc bán mình chuộc cha là nghĩa vụ đương nhiên của người con thực hiện đạo hiếu. Những người tài hoa ấy, dù thể xác đã trở về với cát bụi, nhưng những giá trị tinh thần, những ảnh hưởng tinh tuý của họ vẫn tồn tại như những hiện hữu tất yếu. Đó mới là sự tồn tại đáng kể. Và biết bao nhiêu thân phận đi qua trái đất này đã để lại những đóng góp của họ vào cuộc sống tinh thần chung của xã hội, được người đời coi trọng, gìn giữ và làm nên các giá trị chung nhất, gọi là văn hoá.
Nguyễn Du đã dùng minh triết (sự giác ngộ) và thiện tâm, hai phương tiện duy tâm làm chìa khoá giải mã những bất công của cuộc đời. Tuân thủ những nguyên lý minh triết của Phật giáo và những sắc thái duy tình của người Việt, Nguyễn Du đã đưa ra lời giải của ông cho vấn nạn nhân sinh. Tính chân lý, khả năng ứng dụng, phạm vi giải đáp của con đường ấy tới đâu còn tuỳ thuộc vào sự tiếp cận của mỗi thế hệ hậu sinh với triết lý cuộc đời và thân phận con người của Nguyễn Du. Tuy nhiên, con đường minh triết và thiện tâm mà Nguyễn Du cổ vũ đã và đang làm nên một công cụ điều chỉnh đầy tính nhân văn cho xã hội.