Như chúng ta đã biết, FB là mạng xã hội ảo, được ra đời từ năm 2004 từ Mĩ, hiện nay, giám đốc điều hành trang mạng xã hội này là Mark Zuckerberg – người sáng lập ra nó từ khi anh còn là sinh viên trường đại học Havard. Ta có thể tìm thấy gần như mọi lĩnh vực của đời sống trong FB.
Ngoài vai trò là một trang mạng mang tính giải trí hấp dẫn, nơi giao lưu, chia sẻ của bạn bè, người thân, FB còn là một công cụ hữu hiệu trong việc truyền tải những thông điệp, thông tin đến hàng triệu người trên khắp hành tinh. Nó gần giống như một cuốn nhật kí sinh động ghi lại những cảm xúc, ấn tượng, tình cảm, sẻ chia trong cuộc đời thường nhật. FB là một tiện ích, một mạng xã hội năng động liên tục mang đến cho người trẻ những trải nghiệm cùng công cụ kết bạn, giao lưu, nói chuyện, tìm kiếm thông tin vô cùng thú vị.
Chỉ cần có một tài khoản trong FB, người dùng có thể đưa (post) lên đó những nội dung, những bức ảnh, clip,… chia sẻ cùng mọi người, tham gia bình luận (comment), like lại, động viên tác giả. Sự kết nối của FB ban đầu từ nhóm những người bạn, hoặc cùng trường lớp, cơ quan, sở thích,…và từ đó có thể mở rộng không cùng. FB như một đế chế không biên giới, ở đó các thành viên hoàn toàn bình đẳng, tự do. Trong thế giới toàn cầu hoá này, FB quả vô cùng tiện ích. Qua FB có thể hiểu được cuộc sống, tâm tư, tình cảm của người thân nơi xa xôi, có thể an ủi, động viên, “gỡ rối” những tình huống khó mà họ gặp phải. Nó có thể giúp người ta tìm thấy nhau trong đời, tìm lại nhau sau bao thất lạc, xa cách. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần, tình cảm, FB còn có rất nhiều tiện ích khác. Nó có thể là một công cụ độc đáo và hiệu quả để tố giác quan chức nhũng nhiễu. Nó có thể giúp cơ quan chức năng tìm ra tội phạm buộc chúng tra tay vào còng.
Nó giúp tìm kiếm việc làm, kinh doanh, đó là một kênh quảng cáo toàn cầu hiệu quả. Nó giúp các hội, đoàn, các đội tình nguyện hoạt động từ thiện, nhân đạo, vì môi trường,… Nó có thể cứu những phận đời, giúp đỡ, an ủi người bất hạnh. Nó có thể giúp người ta cách thức làm ăn. Nó có thể trở thành những lớp học online thú vị, là nơi trao đổi bài vở, kiến thức,… Và còn vô vàn tiện ích khác nữa nảy sinh và đáp ứng những nhu cầu đa dạng và sự thông minh của con người trên khắp hành tinh.
Từ khi xuất hiện máy tính bảng như ipad,… hỗ trợ những ứng dụng vào FB ở mọi nơi, thì dù ở đâu, đang làm gì, người sử dụng cũng có thể vào FB. Laptop, điện thoại là những công cụ dễ dàng để vào FB.
Chính vì nhiều lẽ đó mà FB có sức hút mãnh liệt với mọi người, nhất là giới trẻ, khi mà nhu cầu giao tiếp, giao lưu, chia sẻ, khám phá, hiểu biết, trải nghiệm,… ở họ vô cùng lớn.
Tuy nhiên, FB cũng đã bộc lộ không ít mặt trái của nó.
Với một tốc độ truyền tải như vũ bão, In-tơ-net nói chung, FB nói riêng hàm chứa nhiều thông tin không được kiểm chứng, sai sự thật, thậm chí độc hại. Vì thế, nó cực kì nguy hiểm, có thể gây ảnh hưởng xấu đến chính trị, kinh tế, đạo đức,… và nhiều mặt của đời sống, có thể gây nguy hại cho quốc gia, tập thể hay các cá nhân. Do được sáng tạo trong một môi trường ảo, thậm chí nặc danh nên nhiều “ngôn ngữ mạng” trở nên vô trách nhiệm, vô lương tâm và vô văn hoá. Có những kẻ đã lợi dụng FB để bôi xấu chế độ, lãnh tụ, bôi nhọ, xúc phạm người khác. Có những kẻ đưa lên đó những nội dung không lành mạnh, không phù hợp với đạo đức, thuần phong mĩ tục của người Việt.
Có những đứa con bất hiếu biến FB thành nơi trút giận cả với cha mẹ, nhục mạ cả đấng sinh thành. Có kẻ đưa lên mạng những bức ảnh vô cùng phản cảm như những nữ sinh ăn mặc lố lăng ngồi tạo dáng trên mộ liệt sĩ, phanh trần ngồi lên mộ tổ,… Vừa qua có nữ sinh lớp 8 ở Quảng Nam đăng tải trên FB bài viết “Tuyên ngôn học sinh trường THCS Lí Tự Trọng” kêu gọi bạn bè phải bằng mọi cách, kể cả những biện pháp tiêu cực để có thể “qua” đợt kiểm tra học kì I. Tệ hại hơn, bài viết còn có những nội dung xúc phạm nghiêm trọng đến nhà trường, thầy cô giáo, tất nhiên học sinh đó đã bị kỉ luật. Không ít kẻ tung lên FB tất cả những ngôn ngữ tục tĩu, bẩn thỉu nhằm nói xấu, đả kích, thoá mạ người khác. Chưa kể đến những hiện tượng xuyên tạc tiếng Việt, viết tắt, kí hiệu đến kì quặc, tuỳ tiện đưa vào văn bản những chữ z, f, w vốn không có trong hệ thống chữ cái tiếng Việt, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
FB cũng là một hoạt động giao tiếp. Việc tiếp nhận thông tin cần gắn với ngữ cảnh. Nếu không hiểu ngữ cảnh cụ thể có thể hiểu sai lạc thông tin, và nếu sự sai lạc ấy lại được lan truyền mạnh mẽ thì nhiều khi gây ra hậu quả khó lường.
FB có thể liên quan đến những hành vi bạo lực, lừa gạt tình dục, lừa gạt tài sản, bắt cóc,… chẳng khác nào những hậu quả như ở Gam online, “Cứu Net”,… Nhiều kẻ đã lợi dụng FB để moi tiền những người tốt bụng, cả tin khi nhân danh kẻ đáng thương hay hội, đoàn hoạt động từ thiện,… FB có thể làm tan nát một cơ đồ, phá huỷ cả cơ nghiệp. Không ít người trở thành nạn nhân của trộm cắp vì chia sẻ nhiều, lộ ra những bí mật cá nhân, thời gian vắng nhà,…
FB cũng là kẻ phá hoại khi làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, chồng li dị vợ vì vợ nghiện FB mà không quan tâm đến gia đình.
FB là nơi số lượng like có thể sản xuất được và đầy rẫy cạm bẫy, lừa lọc. Tuổi trẻ ngây thơ, trong sáng, ham hiểu biết, muốn khẳng định nhưng chưa đủ kinh nghiệm, tri thức để phân biệt đúng, sai, có khi chỉ hùa theo “tâm lí đám đông”.
FB kết nối trên thế giới ảo nhưng lại làm xói mòn và ảnh hưởng đến cách con người giao tiếp, thể hiện tình cảm. Nhiều bạn trẻ mải nói chuyện với người trên mạng mà quên giao tiếp với người thân, chỉ đắm chìm trong thế giới ảo mà thờ ơ, dửng dưng với mọi người, không muốn và không biết cách giao tiếp, chia sẻ với mọi người xung quanh, thậm chí mất niềm tin nơi cuộc đời thực, có khi dẫn đến mặc cảm trong cô đơn, trầm cảm, thu mình lại. Nhiều ông bà, cha mẹ thấy cô đơn khi con cháu họ chỉ “ôm” điện thoại, laptop.
Đặc biệt, với nhiều hấp dẫn và tiện ích như vậy, FB dễ gây nghiện với giới trẻ. Các nhà tâm lí học đã giới thiệu một căn bệnh mới mang tên FAD (Facebook Addiction Disorder) – chứng nghiện FB, thường xảy ra với người trẻ tuổi, dưới 25. Nó là một loại nghiện hành vi, còn dễ gây nghiện hơn cả rượu, thuốc lá,… Một bộ phận trong giới trẻ hiện nay đang rơi vào tình trạng lạm dụng FB quá đà. FB vào Việt Nam từ năm 2007, trở nên phổ biến từ năm 2010, cho đến nay đã có số người sử dụng tăng nhanh vào loại đứng đầu thế giới. Nhiều người lo ngại cả một thế hệ sẽ trượt dài trên FB. Họ nằm dài hằng ngày, hằng đêm cập nhật từng phút, thậm chí ăn, ngủ cùng FB. Mỗi khi viết câu gì đó (status), hay post ảnh lên là chỉ ngồi đợi mọi người cùng nhau “chém gió”, rồi hàng giờ liền ngồi bình luận (comment), like lại. Họ bỏ cả nửa thời gian mỗi ngày để tán gẫu, trò chuyện, cứ vài phút lại lướt FB một cách vô thức. Không vào được FB họ thấy bứt rứt, khó chịu, không yên. Họ quên ăn, mất ngủ vì nó. Họ mua điện thoại, laptop cũng chỉ vì muốn được FB ở khắp mọi nơi. Có những con nghiện, đến mức ăn gì, uống gì, nghĩ gì, làm gì cũng đưa lên đó, thậm chí, mua cái áo mới cũng chụp hình lên để mọi người cùng “chém gió”, đang ăn cũng phải viết mấy status để cập nhật, vừa tắm xong cũng vào đó than “Lạnh quá!”, đang chạy thoát hiểm cũng vào FB. Họ đã tiêu phí thời gian, sức khoẻ của mình vào FB để rồi sao lãng học hành, công việc. Nhiều bạn trẻ mê FB mà quên đọc sách, bỏ bê bài vở, kết quả học tập sa sút, “phây” đến phờ phạc thì còn đâu sức lực để học tập, làm việc. Nhiều thống kê cho thấy, những học sinh, sinh viên lạm dụng FB thì kết quả học tập kém hơn nhiều những người không dùng FB. FB tưởng mang lại ánh sáng của tri thức thì lại đẩy người ta vào tăm tối của ngu dốt. Những người nghiện FB có biết rằng họ đã bị tha hoá, bị đánh giá thấp trong mắt người khác, ngay cả bạn bè trong nhóm của họ cũng thấy khó chịu vì những nội dung ngớ ngẩn, nhàm chán, vô nghĩa lí mà họ đưa lên đó.
Nghiện thì dễ mà cai lại khó. Cũng như nghiện Net, nghiện game, nghiện chát,…những con nghiện FB cũng thừa nhận là khó cai, cai mãi không thành, đến mức có cả “Hội những người cai FB nhưng không thành” lên tới cả gần 1600 thành viên.
Vì những mặt trái của nó, FB từng bị cấm ở một số quốc gia, một số công sở, trường học. Nhiều phụ huynh chưa khỏi lo lắng vì nạn nghiện game, nghiện chát,… thì giờ lại lo lắng vì nạn nghiện FB. Trò lên “phây”, thầy lo lắng, cha mẹ phiền lòng. FB đúng là con dao hai lưỡi.
Vậy làm thế nào để sử dụng FB một cách hiệu quả và ngăn chặn những tác hại của nó ?
Không thể phủ nhận mặt tốt của FB. Vì vậy không nên và không thể cấm dùng nó. FB không có lỗi. Lỗi chăng là ở người dùng. Những người sáng lập ra trang mạng xã hội này hẳn phải nghiên cứu để phát huy hiệu quả, ngăn chặn, khắc phục mặt hạn chế của nó. Các quốc gia và các cơ quan hữu trách phải nghiên cứu để kiểm soát, quản lí nó một cách chặt chẽ hơn. Phải tăng cường giáo dục và tự giáo dục về “văn hoá trên mạng”. Nhà trường, gia đình và xã hội phải quản lí, giáo dục, định hướng cho con em mình chặt chẽ, hiệu quả hơn. Vừa qua, trường THPTDL Lương Thế Vinh đưa lên Website của trường những điều cấm kị khi lên FB đối với học sinh trường này được nhiều người hoan nghênh. Tuy nhiên, việc kiểm soát và xử lí người vi phạm không dễ. Vì vậy, điều quan trọng là định hướng, giáo dục các em và các em tự giáo dục mình.
Tuổi trẻ cần nhận thức rõ mặt lợi, hại của FB để không là tín đồ ngu muội của FB mà là người sử dụng một cách thông minh, hiệu quả. Cần hướng tới cái cái tích cực, trong sáng, lành mạnh, cái đẹp, cái có ích. Đừng lên FB quá nhiều, chỉ dùng một cách có mức độ khi cần thiết, không kết bạn dễ dãi, không đưa lên FB những nội dung xấu, hay những điều vụn vặt, vô nghĩa lí. Phải thận trọng với những nội dung mình đưa lên, tuyệt đối không xúc phạm người khác, làm ảnh hưởng xấu đến người khác. Không để lộ mình quá nhiều, đừng coi nó như nhật kí mà cái gì cũng đưa vào đó. Phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, không nói tục, chửi bậy,viết tắt, viết kí hiệu, xuyên tạc tiếng Việt, lạm dụng tiếng nước ngoài, “sáng tạo” những chữ dở Tây dở ta,….Đừng phí hoài thời gian quí báu của đời mình vào những bình luận dông dài, dớ dẩn. Phải tỉnh táo nhận biết đúng sai, phải trải, tránh mọi cạm bẫy, không a dua theo kiểu “tâm lí đám đông”. Hãy biết lên tiếng khi cần thiết và hãy học cách im lặng. Hãy sống tích cực với cuộc đời thực, mở lòng với cuộc sống xung quanh. Nhà trường và xã hội cần tạo ra những sân chơi hấp dẫn thu hút giới trẻ vào đó để họ không chỉ biết “ôm” FB.
Cuộc sống thực vô cùng rộng lớn và hấp dẫn với bao điều bí ẩn, diệu kì sao ta lại chỉ đắm chìm trong thế giới ảo? Thời gian của đời người thật ngắn ngủi sao ta lại tiêu phí thời gian vào những điều vô bổ, thậm chí có hại? Làm sao tìm lại được thời gian đã mất ? Vậy phải biết quí cuộc sống này trong từng phút giây, phải biết sống sao cho thật ý nghĩa.
Giờ đây đã có nhiều ứng dụng mới, phần mềm mới, những trang mạng mới để kết nối như: Google Plus, Zing Me,… Trong xã hội hiện đại luôn đổi mới như ngày nay, hẳn sẽ còn nhiều cái mới nữa ra đời như FB và hơn thế nữa. Tuổi trẻ chúng ta nhạy bén tiếp thu những cái đó nhưng hãy là người thông minh để dùng những cái đó một cách hiệu quả chứ không là nạn nhận của nó.
Bây giờ đã là mùa thi, “mùa cai FB” như nhiều bạn trẻ nói, đủ thấy ma lực và ảnh hưởng ghê gớm của nó. Hãy tập trung cao độ vào học tập, hãy cháy lên để mà toả sáng. Và hãy nhớ, đừng mê FB mà quên đọc sách, đừng mải nói chuyện với người trên mạng mà quên giao tiếp với người thân, đừng “phây” đến phờ phạc, phí phạm đời mình vào những điều vô nghĩa.
chuc bn hc tốt