Mở đầu bức thư, Bác đã vẽ nên bức tranh hồ hởi, phấn khởi của học sinh trong ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, đồng thời bộc lộ tình cảm yêu thương mà Bác đã dành cho các em học sinh: “Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp, tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy, gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa từ giờ phút này trở đi, các em được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam”. Và Bác khẳng định điều may mắn và vinh dự cho các em học sinh: “là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Qua đó, Bác nhắc nhở các em phải biết phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, cố gắng vươn lên trong học tập “để đền bù được công lao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để chiếm lại nền độc lập cho nước nhà”.
Trong bức thư này, bằng tình cảm ruột thịt, coi mình như người anh lớn, Bác Hồ ân cần khuyên bảo, căn dặn và khích lệ học sinh phải cố gắng tu dưỡng đạo đức, chăm chỉ học hành: “Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn”, với mục đích sau này “gây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho nước ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu”. Đặc biệt, Bác đã đặt niềm tin và hy vọng rất lớn vào khả năng và vai trò to lớn của các em học sinh trong công cuộc kiến thiết nước nhà: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
“Thư gửi cho các học sinh” là một tư liệu lịch sử, là di sản tinh thần vô giá không chỉ đối với ngành Giáo dục mà cho cả Đảng và Nhà nước ta; thể hiện tình cảm và tầm nhìn xa trông rộng, trí tuệ sáng suốt của Bác Hồ đối với sự nghiệp trồng người. Thực hiện lời dạy của Bác, 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Giáo dục nước ta đã đạt được nhiều thành tựu hết sức to lớn, góp phần giáo dục, đào tạo biết bao thế hệ học sinh trở thành những “người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”; đưa đất nước ta với hơn 90% người dân mù chữ năm 1945 thành một nước có nền giáo dục phát triển như hiện nay. Sự nghiệp giáo dục đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc giải phóng đất nước trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Tuy nhiên, soi lại những điều Bác dạy trong Thư cách đây 70 năm, bên cạnh những thành tựu rất đáng tự hào, hiện nay sự nghiệp giáo dục - đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, chất lượng đạo đức và văn hóa của học sinh, sinh viên chưa theo kịp yêu cầu xây dựng đất nước trong giai đoạn mới. Nền giáo dục của ta vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng nặng dạy chữ, nhẹ dạy người, dẫn đến suốt ngày học sinh chỉ chúi đầu học chữ, hết ở trường lại đi học thêm ở ngoài hòng thi đỗ vào đại học. Thử hỏi, có chữ thậm chí nhiều chữ nhưng thiếu năng lực vận dụng kiến thức vào cuộc sống; phiếm khuyết về phẩm chất, đạo đức, phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu niềm tin vào Đảng và chế độ, vô trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; xa rời thậm chí coi thường những giá trị đạo đức, văn hóa tốt đẹp của dân tộc..., rồi sẽ làm được gì để đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Những chủ nhân tương lai của đất nước luôn học hỏi để có khả năng ứng dụng khoa học công nghệ
vào đời sống. Ảnh: Phan Nhân
Trong thời đại hiện nay, thời đại sức mạnh của trí tuệ, khoa học - công nghệ và kinh tế - văn hóa đóng vai trò quyết định. Các nước tiên tiến trên thế giới vốn đã có thế mạnh lại càng tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực này nhằm đảm bảo sự phát triển vượt trội và khả năng cạnh tranh cao. Để Việt Nam “trở nên tươi đẹp”, dân tộc Việt Nam “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ mong muốn đòi hỏi người Việt Nam phải có trí tuệ, khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, có khả năng đi tắt đón đầu. Điều đó chỉ thành hiện thực khi chủ nhân của đất nước là những người có trình độ học vấn cao, có khả năng ứng dụng khoa học - công nghệ vào đời sống, đủ năng lực hòa nhập với trình độ văn hóa của thế giới. Muốn vậy, đòi hỏi các thế hệ học sinh phải ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện thật tốt. Quá trình học tập ở trường là thời gian cần thiết để học sinh tiếp thu những kiến thức cơ bản mà nhân loại đã tích lũy được qua hàng ngàn năm lịch sử và khi lớn lên, học sinh sẽ trở thành những công dân có kiến thức, có trình độ cao, đủ năng lực xây dựng đất nước tiến kịp thời đại. Nhà nước chăm lo, tạo điều kiện phát triển giáo dục - đào tạo chính là vì tương lai lâu dài của đất nước.
Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. Đây vừa là yêu cầu tất yếu có tính thời đại, trong xu thế toàn cầu hóa, vừa là đòi hỏi cấp bách của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước ta; đồng thời đó cũng là nhu cầu của chính nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Xây dựng nền giáo dục mở, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý (học đi đôi với hành, nhà trường - gia đình - xã hội gắn bó chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm…); gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc... Qua đó, sẽ góp phần “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân”. Con người Việt Nam sẽ phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, sống đẹp và làm việc hiệu quả.
Nhân ngày khai giảng năm học mới, suy ngẫm những điều chỉ dẫn quý báu cách đây 70 năm, chúng ta càng thấm thía hơn quan điểm, tư tưởng của Bác Hồ về nền giáo dục chế độ mới; đồng thời cũng thấy rõ hơn thực trạng bất cập, yếu kém đang tồn tại. Từ đó, đòi hỏi toàn ngành, toàn xã hội phải đồng thuận, quyết tâm đề ra và thực hiện tốt các giải pháp nhằm đáp ứng những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo thời kỳ hội nhập chỉ hoàn thành sứ mệnh cao quý khi đào tạo cho đất nước đội ngũ nhân lực thực sự “vừa hồng, vừa chuyên”; phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh.