Mọi thế hệ người Việt Nam và nhiều thế hệ bạn bè của Việt Nam trên trái đất này có ấn tượng sâu sắc không thể nào quên về Người, bởi còn cảm nhận được đời sống và lối sống hằng ngày của Người. Đó là đời sống, lối sống thanh tao, giản dị và tinh tế của một con người thực hành triết lý nhân sinh "vô ngã vị tha" ở tầm cao tư tưởng thời đại, ở sự kết tinh và thăng hoa những giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại. Nơi ở và làm việc của Người, những đồ dùng, vật dụng thân thương, gần gũi của Người nay đã trở thành kỷ vật thiêng liêng của lịch sử. Ngôi nhà sàn Người đã ở và làm việc giữa Thủ đô Hà Nội đã không chỉ hội tụ về đây đồng bào, chiến sĩ cả nước, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam mà còn biết bao bạn bè quốc tế.
Thanh tao trong đời sống và lối sống Hồ Chí Minh là cả một nét đẹp văn hóa, cũng đồng thời là bản lĩnh văn hóa của Người. Thanh tao ấy là cốt cách của bậc hiền triết Á Đông, đậm bản sắc Việt Nam và cũng lấp lánh tinh thần minh triết Hồ Chí Minh. Người xa lạ với những lời lẽ đại ngôn, hoa mỹ, cầu kỳ mà sáo rỗng. Người suốt đời tránh xa những biểu hiện của đầu óc lãnh tụ, lúc nào cũng chỉ tâm niệm làm một người lính vâng lệnh quốc dân đồng bào, làm tròn trọng trách do dân ủy thác. Phút lâm chung, trên giường bệnh, Người vẫn chỉ nghĩ về dân, nhất là lo lắng cho nông dân, hỏi xem "đê vỡ có nhiều không", "đã kịp sơ tán dân chưa". Giữa cơn đau quặn thắt trái tim, Người vẫn hướng tới miền nam, hỏi tin "chiến trường miền nam hôm nay thắng ở đâu?". Người còn hỏi "sắp đến ngày khai trường rồi, đã lo trường sở, sách bút cho các cháu đến đâu rồi?". Người nói một câu cảm động khi những giọt nước mắt của Người nhỏ xuống mặt gối: "Bác không thể bỏ dân mà đi được". Đó chỉ là một vài chi tiết trong cuộc đời phong phú, cao thượng của Người. Đó là thanh tao của một con người chỉ sống để yêu thương, dâng hiến, quên mình.
Thanh tao trong lối sống Hồ Chí Minh còn là sự hài hòa, yêu thương con người, yêu thiên nhiên, đất trời, cây cỏ, hoa lá, chim muông, tất cả đều là sự sống. Người "nâng niu tất cả chỉ quên mình". Người đặc biệt kính già, yêu trẻ, thương bộ đội, chiến sĩ dân công. Thanh tao Hồ Chí Minh là vẻ đẹp cao quý của đạo đức và tâm hồn. Người cảm thông, chia sẻ, đau nỗi đau của mọi người, mọi nhà. Người vui niềm vui từ một ánh trăng soi, một bông hoa nở, một nụ cười, tiếng hát trẻ thơ, đó là niềm hạnh phúc của Người. Hãy nghĩ về ngôi nhà sàn của Người và lời văn đầy xúc động của nhà nhân văn chủ nghĩa Phạm Văn Đồng: Người sống trong ngôi nhà sàn đơn sơ giản dị, ngát hương thơm cây cỏ hoa vườn nhưng tâm hồn thì lộng gió bốn phương thời đại.
Thanh tao Hồ Chí Minh phản ánh trí tuệ, tâm hồn, tư tưởng và nhân cách của Người: Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu. Đó là bức họa chân thực và sinh động về nhân cách Hồ Chí Minh được vẽ bằng lời, sức khái quát rất cao, tính biểu cảm rất mạnh.
Hồ Chí Minh mang lối sống giản dị và đây là một trong những gì làm nên tình thương mến của chúng ta đối với Người, làm nên sức hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút, thuyết phục của Người đối với bạn bè quốc tế, đến mức thu phục cả nhân tâm ngay ở phía đối phương. Giản dị kết tinh từ tất cả sự phong phú, sâu sắc, trải nghiệm cuộc sống. Người giản dị chứ không hề giản đơn. Đó là chỗ ta cần hiểu đúng về Người.
Đã từng có một danh ngôn: Giản dị là nỗ lực cao nhất và cuối cùng của bậc thiên tài. Giản dị trong lối sống Hồ Chí Minh là nét đặc sắc nhất của văn hóa Hồ Chí Minh.
Đây là chỗ để Người hòa vào nhân dân và đời sống của dân, thấu hiểu lòng dân, thấu cảm nhu cầu, nguyện vọng của dân sâu nặng nghĩa tình nhất. Chân lý ở trong đời sống, nhân dân biểu đạt chân lý một cách thành thật, hồn nhiên nhất. Chân lý và Nhân dân, xét đến cùng đều mang một bản chất giản dị. Giản dị trong lối sống Hồ Chí Minh có cội nguồn từ đó nên bền bỉ, thực chất, tự nhiên. Ta hiểu vì sao, Người mang tri thức uyên bác Đông Tây kim cổ mà tuyệt nhiên không cao đạo, không hàn lâm bác học mà nghĩ suy và cảm xúc, mà nói và viết như lời ăn tiếng nói của người dân, truyền tải những tư tưởng lớn một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên đi thẳng vào lòng dân chúng như những lẽ phải thông thường.
Trong lối sống Hồ Chí Minh còn có sự tinh tế, đặc biệt là tinh tế trong ứng xử, trở thành văn hóa ứng xử của Người. Có bao nhiêu chuyện kể mang tính huyền thoại về Người chỉ bởi vì sự ảnh hưởng, lan tỏa của Người về tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống và nhân cách là rất đỗi lớn lao. Là một đại trí thức nên trí thức, văn nghệ sĩ được làm việc, tiếp xúc với Người đều cảm nhận sâu sắc nét tinh tế trong ứng xử của Người. Là lãnh tụ của dân, Người đến với dân bằng cả tấm lòng mà cũng bằng cả tình thương, toát lên sự chân thành tinh tế. Là lãnh tụ của Đảng, Người là hiện thân của đạo đức, của văn minh, là linh hồn của đoàn kết, của "giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình", là "tự phê bình và phê bình có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau".
Là người bạn lớn của nhân dân các dân tộc, Hồ Chí Minh đem tấm lòng chân thành và khiêm tốn, cả sự tinh tế đầy chất nhân văn và tình người để thắt chặt tình hữu nghị, đưa thế giới đến với Việt Nam và đem hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Hồ Chí Minh là tên Người, được Người dùng từ khi trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho đến khi Người viết Di chúc và còn vang vọng mãi ở đời. Tên gọi "Hồ Chí Minh" đã bao hàm lời giải thích về huyền thoại một con người, một cuộc đời: "Vì một lẽ thường tình, Bác là Hồ Chí Minh". Đó là sự gặp gỡ tự nhiên của thanh tao -
giản dị và tinh tế trong lối sống của Người. Người giản dị, lão thực, hiền minh. Người đã mang tên Nguyễn Ái Quốc, Người còn là Nguyễn Ái Dân nữa. Ái Quốc để Ái Dân và Ái Dân là Ái Quốc.
Đó là tất cả sự sâu sắc, tinh tế mà từ lối sống của Người, chúng ta học tập, noi theo, làm theo Người mãi mãi.
Là lãnh tụ của dân, Người đến với dân bằng cả tấm lòng mà cũng bằng cả tình thương, toát lên sự chân thành tinh tế.