- Trong truyền thuyết này, các yếu tố lịch sử và hư cấu thường được đan xen, kết hợp nhuần nhuyễn với nhau càng làm tăng sức hấp dẫn, bay bổng cho câu chuyện, khiến tác phẩm sống mãi cùng thời gian. Yếu tố lịch sử cốt lõi của truyện chính là vấn đề bảo vệ đất nước trước các thế lực ngoại xâm ngay từ trong những buổi đầu của đất nước mà ở đây là thời kì các vua Hùng. Dân tộc ta khi chống giặc ngoại xâm luôn cần phát huy tối đa sức mạnh đoàn kết của cộng đồng từ sức người (già, trẻ, gái, trai), trang bị vũ khí (giáp sắt, roi sắt, ngựa sắt…), lương thực (cà, cơm). Các chi tiết về trang bị vũ khí: ngựa sắt, giáp sắt, roi sắt cho thấy trình độ phát triển của con người thời đại Hùng Vương – thời đại đồ sắt.
- Quá trình dựng nước, giữ nước đã góp phần kiến tạo nên bộ mặt của đất nước, để lại những dấu tích cả về thiên nhiên lẫn của con người cho đến ngày nay. Những dấu tích như “bụi tre đằng ngà”, “tên làng Cháy” được cho là dấu tích của Thánh Gióng để lại sau cuộc chiến đều là đặc điểm của tự nhiên, dân cư có thật ở vùng không gian rộng lớn ở Bắc Bộ. Lễ hội Gióng ở làng Phù Đổng và đền Sóc là những lễ hội lớn, tiêu biểu cho văn hóa dân cư Bắc Bộ đã có từ lâu đời, thậm chí được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới càng làm cho câu chuyện trở nên đầy sức sống trong tâm thức của mỗi người dân Việt.