Em muốn viết về hoạt động của học sinh trong trường học 400 từ
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2013-2014, được sự thống nhất của Chi bộ. Chi đoàn và Liên đội tiến hành tổ chức Hội trại 26/3 trong hai ngày 24, 25/3/2014, dự Hội trại có 12 trại (Chi đội khối 4, 5 có 10 trại, chi đội khối 3 có 2 trại).
Với sự chuẩn bị khá chu đáo của các chi đội, sáng ngày 24/3/2014, gần 2 giờ đồng hồ các chi đội đã hoàn chỉnh phần dựng trại và trang trí trại. Sau đó Ban tổ chức thăm và chấm trại.
Buổi chiều 24/3/2014 hoạt động trại diễn ra các trò chơi hết sức sôi nổi, vui tươi, hào hứng và bổ ích.
Đúng 19 giờ ngày 24/3/2014, tiến hành khai mạc trại. Thầy Trần Nguyên Văn, Hiệu trưởng-trại trưởng đọc bài diễn văn khai mạc.
Kính thưa quý vị đại biểu!
Thưa các Anh, chị phụ trách đội cùng toàn thể các em đội viên của Liên đội Trường Tiểu học Ninh Bình về dự Hội trại 26/3 thân mến!
Trong những ngày tháng 3 này. Tuổi trẻ cả nước nói chung, tuổi trẻ Ninh Hòa nói riêng ra sức thi đua học tập, lao động sản xuất, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình để lập thành tích chào mừng Kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh(26/3/1931-26/3/2014).
Tuổi trẻ của Trường Tiểu học Ninh Bình, các Anh (chị) đoàn viên thanh niên, các em đội viên thiếu niên cũng thực hiện phong trào thi đua “Dạy tốt-Học tốt”, các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường đều đạt được những kết quả tốt đẹp như: Hội thi Kể chuyện đạo đức Bác Hồ cấp thị xã của giáo viên đạt giải ba và được chọn tham gia dự Hội thi cấp tỉnh. Hội thi cắm hoa cấp thị xã đạt giải B. Tham gia các tiết thao giảng vòng trường đều đạt các tiết dạy tốt. Hội thi giao lưu học sinh giỏi cấp thị xã đạt giải ba toàn đoàn, 8 em đạt giải cá nhân (01 giải nhì, 03 giải ba, 04 giải khuyến khích); thi Olympic tiếng Anh cấp thị xã đạt 01 giải nhất, thi Olympic tiếng Anh cấp tỉnh đạt 01 giải nhì; Liên đội được Hội đồng đội TW về kiểm tra đánh giá Liên đội nhà trường thực chất là một Liên đội xuất sắc…
Được sự cho phép của lãnh đạo địa phương, của Chi bộ nhà trường. Chi đoàn và Liên đội tiến hành tổ chức Hội trại 26/3 trong hai ngày 24, 25/3/2014 nhằm ôn lại truyền thống của Đoàn trong 83 năm qua; giúp cho các em đội viên rèn kỹ năng cắm trại, rèn kỹ năng đội viên, rèn kỹ năng sống; tổ chức các trò chơi dân gian và các hoạt động khác giúp cho các em có những giây phút sinh hoạt hòa đồng, vui tươi khi tham gia sinh hoạt tập thể.
Trong thời gian diễn ra Hội trại, chúng tôi mong các Anh, chị phụ trách đội; các cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường phải thể hiện ý thức tinh thần trách nhiệm cao trong việc quản lý học sinh mình phụ trách, thực hiện tốt nhiệm vụ được phân công; Các em đội viên phải thực hiện tốt nội quy trại, bảo quản tốt tài sản, cơ sở vật chất của nhà trường, tham gia tốt các hoạt động của trại.
Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các Anh, chị phụ trách đội cùng toàn thể các em đội viên thân mến!
Với sự chuẩn bị của Chi đoàn và Liên đội để tổ chức Hội trại 26/3 lần này hết sức chu đáo về hình thức và nội dung, có sự phân công cụ thể cho từng thành viên trong Ban tổ chức, Ban chỉ huy trại, giám khảo, trọng tài… Hy vọng rằng Hội trại 26/3 của trường ta sẽ diễn ra trong không khí vui vẻ, bổ ích.
Thay mặt lãnh đạo và Ban phụ trách đội nhà trường, Tôi xin tuyên bố khai mạc trại. Chúc quý vị đại biểu; chúc Anh, chị phụ trách và các em đội viên sức khỏe tốt. Chúc Hội trại 26/3 thành công tốt đẹp./.
Sau đó, là đêm lửa trại, hàng trăm trại sinh hát múa bài nhảy lửa thật là vui nhộn và một số tiết mục văn nghệ.
Ngày 25/3/2014, buổi sáng, hoạt động trại tiếp tục các cuộc thi hóa trang đội viên, thi phát thanh măng non, các trò chơi nhỏ....
Đúng 15 giờ 30 phút, thầy Nguyễn Tấn Ca, P. Hiệu trưởng, P trưởng trại đọc tổng kết hội trại và tiến hành phát thưởng (0697), đạt giải nhất toàn đoàn chi đội Lê Văn Tám (lớp 5/1), giải nhất cổng trại chi đội Nguyễn Văn Cừ (lớp 4/3).
CÁC HOẠT ĐỘNG
CHÀO MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11/2013
Ngày 20/11 hàng năm, từ lâu đã trở thành ngày lễ “tôn sư trọng đạo”, tôn vinh những người thầy, người cô đã và đang đứng trên bục giảng, truyền đạt tri thức và đạo làm người cho bao lớp học trò nối tiếp nhau.
Trong những ngày của tháng 11, các thầy giáo, cô giáo ở tất cả các trường học trong cả nước đang sôi nổi với nhiều phong trào, hoạt động thi đua dạy tốt để chào mừng ngày “lễ hội” 20/11 của các thầy cô - những người làm công tác giáo dục.
Hòa với không khí của toàn ngành thi đua lập thành tích chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học Ninh Bình đã phối hợp với nhà trưởng phát động thi đua và tổ chức nhiều hoạt động về hình thức và nôi dung phong phú như:
- Hội giảng: Được tổ chức khá sôi nổi trong giáo viên – do số lượng không hạn chế nên đã có 36 GV tham gia hội giảng vòng tổ và đã đạt 36 GV, sau lượt hội giảng vòng tổ kết thúc đã chọn ra được 13 giáo viên đại diện cho 5 tổ chuyên môn tham gia hội giảng vòng trường.
- Thi soạn giáo án điện tử: Năm nay nhà trường đưa nội dung này vào làm một trong các nội dung thi đua lập thành tích chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 nhằm thúc đẩy mạnh mẽ phong trào, nâng cao tay nghề và kỹ thuật soạn giảng - ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả giáo viên trong nhà trường. Mỗi tổ bốc thăm và đầu tư soạn 1 tiết dự thi tại chỗ, kết quả đạt giải nhì (không có giải nhất): khối 3; đạt giải ba: khối 1.
- Hội thi kể chuyện Bác Hồ: Mỗi tổ chọn cử 1 giáo viên tham gia dự thi, trong đó có những giáo viên chưa một lần lên sân khấu, thậm chí còn không dám nhìn thẳng xuống khán giả, có những lúc còn quên lời nhưng với sự cố gắng đã hoàn thành tốt nội dung câu chuyện. 6 tổ thể hiện 5 câu chuyện trong mỗi câu chuyện là một tấm gương về đạo đức của Người, với chất giọng mượt mà, truyền cảm của người kể đã diễn tả được rất tốt nội dung của câu chuyện. Kết quả: Giải nhất tổ khối 5 và tổ Văn phòng, giải ba tổ khối 4.
- Thi viết bài về ngày 20/11: Toàn trường có 18 bài dự thi thể hiện bằng nhiều hình thức: Văn, thơ, ký sự…, 18 bài là 18 nội dung, 18 câu chuyện, nói về những tâm sự, nỗi lòng của những người làm thầy, làm cô đã và đang đứng trên bục giảng. Kết quả: Giải nhất là bài “Học trò tôi” của cô Nguyễn Thị Thủy, Giải nhì là bài “Học trò vùng quê” của cô Nguyễn Thị Thu Hương, bài “Người lái đò của sự nghiệp trồng người” của cô Võ Thị Loan và bài “Hoài niệm” của cô Nguyễn Thị Dung.
- Đặc biệt, để lập thành tích chào mừng 20/11 các tổ khối trong trường đều có các công trình xanh của riêng mình. Cụ thể là mỗi tổ đã trồng và chăm sóc một bồn hoa sao cho thật đẹp, thật ấn tượng và thực hiện việc cắm biển tên tổ khối của mình trên các công trình đó.
- Sáng ngày 19/11/2013, CĐCS Trường TH Ninh Bình tiến hành tổ chức tọa đàm ngày nhà giáo Việt nam. Về dự buổi tọa đàm có Đ/c Lương Ngọc Việt- Phó chủ tịch UBND xã Ninh Bình, đ/c Lê Thị A Ly – trưởng trạm y tế xã Ninh Bình, Anh Phùng Văn Thạch – Hội trưởng và 8 anh chị trong ban đại diện cha mẹ học sinh, 18 giáo viên hưu cùng toàn thể 48 CB, GV, CNV trong toàn trường cùng về dự.
Các tiết mục văn nghệ chào mừng của các đoàn viên Công đoàn đã mở đầu cho buổi tọa đàm.
Tiếp đến là ôn lại ý nghĩa lịch sử ngày nhà giáo Việt nam 20/11 và tổng kết các đợt thi đua từ 20/11/2012 – 20/11/2013 của BCH Công đoàn.
Đại diện 1 giáo viên hưu và 1 giáo viên đang trực tiếp giảng dạy phát biểu cảm nghĩ của mình.
Cô Lê Thị Hương GV hưuTại buổi tọa đàm đ/c Lương Ngọc Việt- phó chủ tịch UBND xã và đ/c Phùng Văn Thạch – Hội trưởng hội cha mẹ học sinh đã phát biểu, tặng hoa ghi nhận công lao của các thầy cô đồng thời chúc mừng, động viên các thầy cô tiếp tục hoàn thành tốt công việc của mình.
Tiếp đến là phần tổ chức các trò chơi thật là vui và đầy ắp tiếng cười, các thầy cô có dịp gần nhau hơn, thắm chặt thêm tình đoàn kết gắn bó. Các trò chơi diễn ra sôi nổi, các thành viên tham gia nhiệt tình. Đặc biệt là trò chơi tìm nửa còn lại, các tổ đã chú ý chăm chút từ cách chọn bài hát, động tác múa đến cách diễn xuất của các thành viên tham gia dự thi trong phần tài năng. Thật là mới lạ, thật là ngộ nghĩnh làm cho toàn bộ những người có mặt được dịp cười thật vui trong phần tìm nửa còn lại.
Cặp đôi chiến thắng
Rồi đến trò chơi “Xem hình đoán bóng, tâm đầu ý hợp”, trò chơi “ghép tranh tiếp sức” hay trò chơi “trả lời nhanh” các thành viên trong trường đều tham gia hết sức nhiệt tình và đó cũng là dịp để hiểu nhau hơn. Có những thành viên dù đã cố gắng hết sức để diễn đạt bằng cả cử chỉ và lời nói nhưng cuối cùng các thành viên vẫn không trả lời đúng trong trò chơi “Xem hình đoán bóng, tâm đầu ý hợp”. Có những tổ sau khi tất cả các tổ khác đã hoàn thành sản phẩm thì tổ của mình vẫn còn miệt mài trong trò chơi “ghép tranh”…
Sau 1 buổi diễn ra phần lễ và tổ chức trò chơi thật là vui và đầy ắp tiếng cười, BCH CĐCS đã tiến hành tổng kết, phát thưởng và tổ chức liên hoan – văn nghệ.
BÀI PHÁT BIỂU CẢM NGHĨ CỦA MỘT GIÁO VIÊN TRẺ
VỀ NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11
Kính thưa các vị đại biểu!
Kính thưa các vị khách quý! Thưa toàn thể các thầy giáo, cô giáo!
Trong không khí hân hoan của cả nước hướng về ngày nhà giáo Việt nam 20/11, ngày mà cả xã hội với tấm lòng trân trọng tôn vinh công lao cao cả đối với nhà giáo. Hôm nay, tôi vinh dự được thay lời cho toàn thể CB, GV, CNV của trường nói lên tâm sự, cảm nghĩ của mình. Lời đầu tiên, tôi xin trân trọng gửi tới các vị đại biểu lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt và toàn thể GV lời chúc mừng nồng nhiệt và sâu sắc nhất nhân ngày nhà giáo Việt Nam - Ngày hội lớn của chúng ta!
Dân tộc Việt Nam ta từ xa xưa đã có truyền thống “Tôn sư trọng đạo” tôn vinh một nghề cao quý trong các nghề cao quý.
Lúc sinh thời Bác Hồ đã từng nói “Người giáo viên chính là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”. Hưởng ứng lời dạy của Bác cũng như thực hiện nhiệm vụ cao cả của nghề dạy học “Dạy chữ, dạy người”.
Là một giáo viên trẻ, kinh nghiệm công tác còn nhiều bỡ ngỡ, song với sự giúp đỡ của đồng nghiệp và Ban giám hiệu nhà trường tôi luôn phấn đấu để trở thành người giáo viên mẫu mực, là tấm gương sáng cho các em học sinh noi theo. Để thực hiện được điều đó, bản thân tôi nhận thức sâu sắc rằng mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, không ngừng trau dồi, học hỏi để nâng cao trình độ, kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện và tu dưỡng, trau dồi phẩm chất đạo đức của người giáo viên. Mỗi người thầy, người cô phải luôn là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo để học sinh noi theo thông qua những hành động thật thiết thực, cụ thể trong từng ngày, từng giờ lên lớp, qua từng trang giáo án và từng bài giảng trước các em học sinh thân yêu....để mỗi giờ học trong nhà trường thực sự là một giờ vui, thân thiện và bổ ích với học sinh.
Có lẽ trong những ngày này, mỗi chúng ta ai cũng có những phút giây bồi hồi xúc động khi nhớ về kỉ niệm xưa, ai cũng có một thời cắp sách đến trường và những kỉ niệm êm đẹp về thầy cô, về mái trường luôn in đậm trong trái tim mỗi chúng ta.
Hôm nay, được mang một chút sức mình để góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Tôi thật sự tự hào và không bao giờ quên công lao to lớn của những người thầy, người cô đã dìu dắt tôi nên người.
Trước khi kết lời, tôi xin hứa sẽ cố gắng nhiều và nhiều hơn nữa để trở thành một nhà giáo mẫu mực, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ và luôn là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Cuối cùng tôi xin kính chúc các vị đại biểu, các thầy cô giáo luôn mạnh khỏe, tràn đầy hạnh phúc, tận hưởng một ngày 20/11 thật vui và đầy ý nghĩa.
HỌC TRÒ TÔI
Những ngày giáp Tết, tiết trời se lạnh. Chiều xuống thật nhanh. Vài giọt nắng yếu ớt còn vương trên ngọn cây bàng. Xa xa, sau cánh đồng là lũy tre xanh mờ mờ trong sương chiều. Tôi với nhỏ Thúy còn đứng tựa lan can nhìn lũ học trò nhao nhao ra khỏi cổng. Thế rồi trong sân không còn một bóng học trò. Sân trường yên ắng lạ, vậy mà hai chị em vẫn chưa muốn về. Thúy phóng tầm mắt ra xa:
- Mới đây mà lúa sắp ngả vàng rồi chị. Bây giờ thật hiếm ở đâu mà có lũy tre xanh chạy dài thế này. Tôi cười:
- Thật ra, ngày nào mình cũng thấy cảnh này, nhưng chưa khi nào thảnh thơi ngắm thật kĩ để thấy nó đẹp thế này, một vẻ đẹp bình yên đầy sức sống của vùng quê. Hai chị em đứng ngắm trời ngắm mây, tán hươu tán vượn, bỗng Thúy chỉ tay về phía cổng trường:
- Ấy chết, tên say rượu nào tìm ông Trung.
Con nhỏ nhát gan vội bỏ đi, tôi cũng quay gót bước theo. Người đàn ông ấy càng bước nhanh hơn, dáng đi xiu vẹo, tập tễnh. Đến gần bậc thềm người ấy cất tiếng gọi to:
- Cô! Cô Thủy! phải cô Thủy không?
Tôi khựng lại khi nghe giọng Bắc rất quen, có lẽ quen tự thuở nào. Tôi trả lời:
- Phải, cô đây!
Người thanh niên đưa tay về phía tôi:
- Cô còn nhớ em không?
Bất chợt tôi cũng đưa tay về phía người thanh niên và trong phút chốc tôi đã nhận ra em:
- Nhớ chứ, Thành phải không?
Thành nắm lấy hai tay tôi, tôi kéo em lên thềm như người mẹ dang tay đón con về. Thành ôm chặt tôi khóc nức nở:
- Cô ơi, em Tiến Thành đây, em đã tàn phế rồi!
- Tôi bàng hoàng không thốt nên lời… Nhỏ Thúy đứng bên tôi nước mắt đầm đìa. Thật lâu tôi mới bình tĩnh lại:
- Nào, có chuyện gì, tới ghế đá kể cô nghe xem!
Tôi dìu Thành đến ghế ngồi. Nó vẫn khóc nức nở thành tiếng, ba chúng tôi lặng đi thật lâu. Thành nhìn nhỏ Thúy ngồi cạnh tôi cố nhớ nhưng không nhận ra ai nên hỏi:
- Cô này là ai?
Tôi cười giới thiệu:
- Đây là cô Hồng Thúy, mới về trường sau này nên em không biết đâu. Em còn nhớ ai trong trường này kể cô nghe đi!
Thành nhoẻn miệng cười mà nước mắt còn lăn:
- Em còn nhớ cô Anh, cô Đơn, cô Đơn trẻ mà xinh nữa,em còn nhớ có thầy Văn hiệu trưởng đó cô.
- Còn nhớ ai nữa không?
Thành vỗ đầu cố nhớ nhưng cuối cùng thì lắc đầu. Tôi nhắc cho em một số tên thầy cô trong trường ngày ấy nhưng em vẫn không nhớ một ai được nữa. Thành kể cho tôi và Thúy nghe về mình:
- Em học Đại học An ninh ra trường được một năm, làm việc tại tỉnh. Một hôm trên đường về nhà , em bị một tên say rượu đâm xe vào, em bị chấn thương sọ não, cột sống, em nằm viện gần một năm, gia đình và đồng đội đã tận tình nên cứu sống được em. Nhưng em không được bình thường. Em thành người tàn tật, lúc nhớ lúc quên, chân teo nên đi lại khó khăn. Đang nói, bỗng Thành đứng lên hét to như ở chỗ không người, hai tay huơ lia lịa:
- Em, em ơi, anh đây! Vào đây, anh đã tìm ra cô Thủy rồi.
Tôi với Thúy sửng sốt nhìn theo tay Thành, thấy một bé gái khoảng hai mươi tuổi, dừng xe máy, mặt hớt hải:
- Anh đi không nói, mẹ tìm anh quá chừng!
Thì ra đây là Thiện, em gái Thành. Thiện tâm sự hoàn cảnh của Thành:
- Anh Thành không bình thường cô ạ, lúc nhớ lúc quên, lúc hiền lúc dữ. Nhà có mình ảnh là trai, ăn học đàng hoàng, không ngờ ảnh gặp cảnh này, ba mẹ đau lòng lắm, cố tìm chạy chữa khắp nơi mà không được.
Thành chen vào:
- Chỉ có mẹ thôi, mẹ thương em lắm, nhiều lúc em muốn chết đi cho mẹ đỡ khổ. Ba cứ say rượu về là đánh mắng mẹ và em, nhiều khi em muốn đánh lại.
Thiện gạt ngay:
- Sao anh lại nói thế với cô, tai ba buồn quá đó thôi!
Thành nhíu mày cố nghĩ:
- Không phải đánh đâu cô, mà là em tự vệ đó chứ!
Thành cố diễn đạt cho chúng tôi hiểu, cứ chuyện nọ sang chuyện kia, Thiện nói tiếp:
- Khi tỉnh táo nhất, nhiều lần anh Thành nhắc đến cô nhưng mẹ em cản vì không muốn cô gặp anh trong hoàn cảnh này, rồi sợ anh đi lạc không biết đường về, với lại chân anh đi khó khăn, mẹ sợ không tránh xe được. Vậy mà ảnh trốn đi từ trưa đến giờ, mẹ đi hỏi thăm mãi mới tìm ra đến đây.
Nghe Thiện kể mà lòng tôi đau như cắt, nghẹn ngào không biết nói gì hơn, Thành lại tiếp trong nước mắt:
- Người ta nói em khùng, em buồn lắm! Hôm trước em gặp Tú, bạn cùng học Đại học với em, em gọi nhưng nó thèm trả lời, bỏ đi.
Tôi nắm tay Thành thật chặt:
- Em không được nghĩ vậy, cố gắng chữa bệnh rồi em sẽ khỏi, còn Tú có lẽ vì công việc quá căng thẳng nên không nhìn thấy em đó thôi, đừng nghĩ bạn như vậy rồi dằng vặc lấy mình.
Thành nói nhiều lắm, lúc khóc lúc cười, thấy nhỏ Thúy rơi nước mắt , Thành hỏi:
- Sao cô khóc? Em nói cô buồn rồi cô khóc à, thôi em xin lỗi, em không nói nữa đâu.
Thúy ngượng cười:
- Không đâu, Thành dễ thương lắm, cô khóc vì cô mừng là Thành đã gặp cô của Thành đó chứ.
Trò chuyện thật lâu mà không biết trời sắp tối. Thiện đứng lên kéo tay Thành:
- Thôi, trời tối rồi, chào các cô rồi về đi anh, ở nhà mẹ trông đấy.
Thành đứng lên, nắm tay tôi và Thúy:
- Gặp lại cô em mừng quá! Chào hai cô em về, mai mốt em đến thăm cô, em biết chỗ này rồi.
Thúy lấy trong giỏ ra phong bì màu đỏ mừng tuổi Thành:
- Sắp đến Tết rồi, cô mừng tuổi em, chúc em mau lành bệnh!
Thành mừng rỡ:
- Cô mừng tuổi em hả? lâu lắm rồi không ai mừng tuổi cho em nữa. Em cảm ơn cô.
Thế là chúng tôi chia tay, cuộc gặp gỡ khá bất ngờ và chia tay cũng rất nhanh chóng. Thiện chở Thành đi rồi mà tôi và Thúy còn ngồi thừ ra trên ghế đá, Thúy đưa tay lau nước mắt:
- Cô trò chị gặp nhau làm em xúc động vô cùng.
- Chị cũng không ngờ Thúy ạ!
Rồi kí ức về cậu học trò đáng yêu lại hiện về như mới hôm qua…
- Thúy biết không, ngày ấy cách đây hơn mười năm, Thành ngoài Bắc chuyển về khoảng học kì II của lớp 4, vào học lớp cô Xuân Anh, cuối năm Xuân Anh than phiền nó học yếu, viết sai lỗi chính tả, bướng bỉnh, khó dạy. Năm nay, đổi tay đi, chuyển sang chị Thủy. Lúc đầu chị thấy bực trong lòng nhưng nghe giọng Bắc của nó chi lại thích nên chị nhận. Không biết có duyên hay sao mà chị lại rất quý nó mà nó học chị lại rất ngoan, nhiều tiến bộ, từ một đứa như vậy mà nó vươn lên loại giỏi, giỏi thật sự, mỗi lần nói chuyện với nó chị hay dùng giọng Bắc như nó, nó rất vui, thế mà không ngờ cậu bé đáng yêu ngày nào giờ bất hạnh như vậy…
Tết trôi qua đã lâu mà không thấy Thành quay trở lại. Tôi đạp xe tìm đến nhà Thành, đạp vòng vo mãi rồi cũng tìm đến nơi. Tôi dừng xe ở cổng, bước vào sân, Thành ngồi đó dưới gốc cây xoài. Tôi đứng lại nhìn em, em mở to mắt nhìn tôi, tôi mong em cất tiếng gọi tôi như ngày nào, đợi mãi… Nhưng điều đó không xảy ra nữa, Thành nhìn tôi hồi lâu rồi nhìn đi chỗ khác với đôi mắt thẫn thờ. Em cúi xuống đất nhặt chiếc roi đập đập vào đất. Tôi bật khóc, vậy là em không còn nhận ra tôi nữa rồi.
Tôi lặng lẽ ra về mà lòng nhức nhối. Vì sao em ra nông nỗi này? Kẻ nào vô tâm đã cướp đi cuộc đời tươi đẹp của em? Rồi đây em sẽ ra sao?...Hàng nghìn câu hỏi đặt ra mà không trả lời được. Nếu ai cũng hiểu được nỗi đau này có lẽ họ sẽ có hành động tốt đẹp hơn khi cầm tay lái.
Chiều nay, một chiều thật buồn, tôi buồn một mình mà không có nhỏ Thúy bên cạnh để sẻ chia.
Nguyễn Thị Thủy
HỌC TRÒ VÙNG QUÊ
Thời gian trôi đi thật nhanh. Mới ngày nào, tôi còn là một cô giáo trẻ, bắt đầu vào nghề, dạy đám trẻ vùng biển. Thực sự khi nhận quyết định về dạy ở đây, tôi lo lắng lắm! Vì được biết học sinh ở đây đi “lặn” nhiều hơn là đi học. Quả thật như vậy, nhất là học sinh lớp 5, ở cái tuổi mà các em đã biết bơi, biết lặn và bắt được tôm, cá, … Sau một đêm đi biển như thế có thể nuôi sống được cả nhà trong vài ngày. Nhiều em phải nghỉ học giữa chừng vì hoàn cảnh quá khó khăn. Chừng ấy tuổi nhưng các em lại là trụ cột của gia đình. Nhìn các em da đen sạm, tóc đỏ hoe vì nắng và gió biển, thật tội nghiệp.
Năm tháng trôi qua, tôi chuyển công tác về dạy ở trường Tiểu học Ninh Bình, một ngôi trường ở nông thôn, cách thị trấn Ninh Hòa khoảng vài ba cây số. Khi nghe tôi chuyển về đây công tác, nhiều người đã hỏi tôi: “Sao cô không về dạy ở Ninh Hòa 2, cũng gần nhà mà lại là trường ở thị trấn nữa. Dù sao dạy ở trường thị trấn vẫn tốt hơn trường ở nông thôn chứ?”. Tôi mỉm cười: “Chắc có lẽ em có duyên với học trò vùng quê hơn.”
Tưởng rằng chỉ mới đây thôi, vậy mà đã gần 20 năm rồi đấy! Gần 20 năm làm cô giáo, gần 20 lứa học trò vùng quê hồn nhiên, đáng yêu kia đã làm cho tôi thêm gắn chặt với công việc “trồng người”. Đúng là “Yêu người bao nhiêu ta càng yêu nghề bấy nhiêu”. Học trò ở đây đa số là con nhà thuần nông, nhiều em có hoàn cảnh đáng thương lắm! Nhưng chính cái sự hồn nhiên, vô tư trong sáng đã giúp các em vượt qua hoàn cảnh để dành được những thành quả tốt đẹp nhất. Từng lứa học trò qua đi, các em như những đàn chim tung cánh bay vào chân trời mơ ước, tôi vẫn lặng thầm dõi theo các em. Tôi vui khi nghe học trò mình dạy ngày nào nay đã thành đạt và cũng lặng buồn khi biết trong số ấy, có em giờ đã nghỉ học. Vì một lí do… Nhưng có lẽ hình ảnh cô bé Thu Phương, học sinh lớp 5/1 niên khóa 2012 – 2013 của trường làm tôi xúc động nhất.
Em tên thật là Nguyễn Thị Thu Phương, cùng tuổi với các bạn trong lớp nhưng em chỉ cao khoảng 1m25cm và cân nặng khoảng chừng 23kg. Vóc người nhỏ xíu nên các bạn trong lớp thường gọi em bằng một cái tên thân mật là “Ốc tiêu”. Em chỉ cười, cái cười hiền khô trông mới đáng yêu làm sao! Nhỏ người thế nhưng Phương học giỏi lắm lại tốt bụng nữa. Trong lớp, bạn nào có khó khăn về học là Phương giúp ngay. Tính tình lại rất vui vẻ, sống chan hòa, cới mở với tất cả mọi người. Với thầy cô, em luôn lễ phép, kính trọng. Chính vì thế, Phương luôn được bạn bè và thầy cô yêu mến.
Phương có hoàn cảnh khá đặc biệt. Em sinh ra trong một gia đình rất nghèo, mẹ thất nghiệp, ở nhà chỉ làm những công việc lặt vặt của gia đình. Ba thì đi làm thuê, công việc không ổn định, được bữa nay lo bữa mai. Ấy vậy còn lo chăm sóc bà nội già mù lòa nữa. Khó khăn chồng chất khó khăn. Phương khao khát được như các bạn, nhìn các bạn đến trường với đầy đủ tiện nghi, Phương thích lắm! Mỗi lần được bạn nào cho mượn một quyển sách tham khảo là Phương đọc ngấu nghiến như nuốt từng chữ một để rồi ghi nhớ và thực hành vào bài viết văn, đây là môn học mà em còn nhiều hạn chế. Tôi còn nhớ có một lần, tôi ra đề bài Tập làm văn: “Em hãy tả lại ngôi nhà em đang sống”. Các bạn trong lớp thì hí hoáy viết đầy trang nhưng Phương thì cứ loay hoay mãi cứ viết rồi lại xóa chẳng tìm ra được cách tả để viết vào bài. Tôi lại gần em và hỏi:
- Sao em không làm bài?
Em nhìn tôi và ngập ngừng:
- Thưa cô …. Em không biết tả cô ạ!
Tôi ngạc nhiên:
- Sao thế?
- Thưa cô, nhà em không có gì để tả cả. Em đọc sách thì thấy toàn là nhà đẹp không hà mà thực tế nhà em không phải như vậy.
Lúc ấy có một vài em trong lớp lên tiếng:
- Cô ơi, nhà bạn Phương khổ lắm! Căn nhà nhỏ xíu, lụp xụp cả rồi, mưa thì dột không biết ngồi đâu cho khỏi ướt.
Tôi nhìn em thật cảm động, rồi tôi cũng hướng dẫn, gợi ý giúp em hoàn thành bài văn của mình. Làm xong em còn nhìn tôi và nói:
- Cô ơi! Có lẽ đây là căn nhà trong mơ của em đấy cô ạ!
Tôi an ủi, động viên em:
- Em cứ hi vọng đi, sau cơn mưa trời lại sáng thôi em ạ. Bây giờ em cứ lo học tập cho thật tốt, tương lai tươi đẹp đang đón chờ em đó.
Em lại nhìn tôi rồi mỉm cười. Hình như trong trí óc non nớt của em đang hiện lên một vầng sáng nào đó ở mãi phía chân trời xa xăm.
Gia cảnh là thế nhưng ở em có một tinh thần vượt khó rất đáng khâm phục. Em vượt qua tất cả và được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi của trường. Em cùng với 11bạn khác đại diện cho học sinh toàn trường tham gia kỳ thi Giao lưu học sinh giỏi thị xã. Trong lần đi thi ấy, em cũng để lại trong tôi một kỷ niệm khó mà quên được. Hôm ấy, sau khi thi xong buổi đầu tiên, chúng tôi đưa các em đi ăn trưa. Cầm hộp cơm trên tay, các bạn gần như ăn hết phần của mình rồi nhưng em vẫn còn đầy. Em chỉ ăn cơm với một ít rau, đậu … còn cá, thịt em giữ lại hết chứ không ăn. Hỏi ra mới biết rằng em không quen ăn những thứ ấy nên không ăn được. Tôi và các cô giáo trong đoàn đều xúc động nhìn em mà khóe mắt cứ cay cay.
Ấy thế mà em lại là một đứa học trò dẫn đầu toàn trường về thành tích học tập. Em đã đạt giải nhất trong kỳ thi Giao lưu học sinh giỏi thị xã và được chọn vào đội tuyển dự thi Giao lưu học sinh giỏi cấp tỉnh. Cả trường ai cũng vui khi nghe được tin này và hồi hộp, chờ đợi thành tích của em – bởi em là thành viên đầu tiên của trường tham gia Giao lưu học sinh giỏi tỉnh. Và rồi một lần nữa em lại mang vinh quang về cho bản thân, gia đình và nhà trường. Bằng sự nỗ lực phấn đấu trong một thời gian ngắn, em đã đạt giải ba trong kỳ thi ấy. Niềm vui vỡ òa, em mang về cho lớp và cô giáo chủ nhiệm một túi kẹo. Cả lớp liên hoan và vui cùng niềm vui của em.
Bây giờ em đã là học sinh của trường cấp 2 rồi nhưng hình ảnh một cô bé nhỏ xíu, hồn nhiên, vui tính, học giỏi, chăm ngoan vẫn còn đọng lại mãi trong tôi. Tôi hi vọng rằng, em sẽ vượt qua tất cả để thực hiện những ước mơ của mình và tìm được hạnh phúc cho bản thân trong tương lai.
Tháng 11/ 2013
Nguyễn Thị Thu Hương – “Chuyện đời thường”
HOÀI NIỆM
Tháng 1/1996, tôi được nhận Quyết định về dạy học tại Trường Cở sở Ninh Thượng nay là Trường Tiểu học Ninh Thượng.
Nhận quyết định hôm trước, hôm sau từ 6h30', tôi cùng một cô giáo nữa, chị em chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe đạp, cọc cạch trên con đường gập ghềnh đầy ổ gà, ổ voi đi tìm trường. Cả hai đều không biết trường nên vừa đi vừa hỏi thăm đường. Chúng tôi đi mãi, thấm mệt mà chẳng thấy trường đâu. Cô bạn của tôi mệt lử cả người nhưng hai chị em cùng động viên nhau đi tiếp. Cuối cùng rồi cũng đến nơi, chúng tôi rất mừng, lúc này khoảng hơn 9h... Chúng tôi đến văn phòng nhà trường gặp thầy Hiệu trưởng và được phân công về các lớp.
Tôi phụ trách lớp 4 (lớp này đang dạy kê không có giáo viên chủ nhiệm, cô giáo nghỉ hộ sản), ngày đầu tiên đến lớp làm quen học sinh, các em cùng reo lên:
- A, lớp mình có cô giáo mới rồi!
- Cô ơi, cô dạy lớp em hả cô? Cô tên gì vậy cô? Nhà cô ở đâu cô? Mỗi em một lời cứ thế tranh nhau hỏi, tranh nhau kể làm cho không khí lớp học rộn hẳn lên.
Sau khi tôi giới thiệu tên của mình, học sinh từng em cho biết tên, tôi bắt đầu tiết dạy đầu tiên, buổi học đầu tiên trong hành trình dạy học.
Buổi học đầu tiên là như thế đó nhưng buổi học ngày hôm sau làm tôi nhớ mãi không quên.
Khi một hồi trống báo hiệu giờ ra chơi, học sinh các lớp ùa ra sân, tôi thả bộ theo dọc hành lang gạch của dãy phòng học, ngắm nhìn cảnh trường. Trường xây trên một khu đất rộng, sân trường đầy cỏ dại, chưa có hàng rào, xung quanh là cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Nơi đây mang âm hưởng trầm lắng của một vùng quê, thỉnh thoảng nghe tiếng chim rừng gọi bạn; chim cu núi gù, chim năm trâu sáu cột gọi...
Còn đám học sinh, chơi đủ kiểu trò chơi, chúng đạp trên cỏ đùa vô tư lòng tôi thấy vui vui. Tôi chẳng nhận được đâu là học sinh của mình,...
Giờ ra chơi đã hết, các em vào lớp, sân trường im ắng, không còn bóng học sinh nào ngoài sân nhưng lúc này lớp của tôi lại thiếu mất 12 em. Tôi đi hết lớp này đến lớp khác, hỏi thăm thầy cô, các học sinh đều bảo không biết. Tôi về lại lớp, lúc ấy có một học sinh nữ lớp 5 bước vào lớp tôi: "Thưa cô, lúc ra chơi em thấy các bạn học sinh nam lớp cô ra phía sau trường đi vệ sinh rồi rủ nhau cùng ra cánh đồng phía sau làm gì em không biết!"
Lúc này học sinh lớp tôi cùng oà lên và nói: "Các bạn đến vườn đình hái me đó cô. Ở đó có cây me to, trái sai lắm! Ngày chủ nhật nghỉ học, các bạn cùng anh chị lớp lớn thường đi đến đó hái me lắm cô à!"
Nghe học sinh nói vậy tôi điếng cả người, mới ra trường nhận quyết định, chân ướt chân ráo đến nơi này, tôi chẳng biết chút gì về đường đi nước bước ở đây, vậy mà giờ gặp phải tình huống này thật dỡ khóc dỡ cười.
Trong hôm ấy hiệu trưởng đi công tác, hiệu phó nghỉ hộ sản, tôi báo với quyền hiệu phó về tình hình lớp như vậy. Lúc này một chị dạy lớp 5 mau mắn nhờ một học sinh của lớp mình đi gọi các em về. Các giáo viên khác an ủi tôi: "Em đợi một chút các em sẽ về, không sao đâu em!"
Em lớp 5 đi, đợi mãi đợi mãi sốt cả ruột gan mà chẳng thấy em ấy về. Tôi càng lo sợ hơn và nghĩ quẩn trong đầu:
- Các em chào cô, cô ơi cô ăn me không cô?
"Có em nào đó trèo cây bị té ngã hay sao mà lâu về vậy?"
Tôi không an tâm, không biết cơ sự như thế nào, tôi hỏi học sinh con đường đi đến đình làng. Tôi gửi lớp, nhờ cô giáo kế bên quản giúp, lấy xe đạp đi tìm, đi được khoảng 100 mét gặp các em vừa đi vừa chạy về, mồ hôi nhễ nhại, chúng thấy tôi không sợ mà cười toe toét:
- Các em chào cô, cô ơi cô ăn me không cô?
Trời ơi! Vừa giận nhưng cũng vừa thương, sao chúng vô tư thế! Tôi làm mặt lạnh:
- Được rồi. Các em về trường rồi hẵn tính.
Tôi cùng các em về lớp, cho các em này lên đứng trước lớp, tôi hỏi:
- Sao các em đi mà không xin phép cô, các em đi như vậy có biết làm cho cô và thầy cô trong trường lo lắng không? Em nào đề xuất ý kiến này vậy?
Cả nhóm đứng im, một chốc sau, một học sinh tóc cháy nắng, bước ra thưa:
- Thưa cô, cô cho chúng em xin lỗi, chúng em biết sai rồi. Em tên Nghĩa, em rủ các bạn cùng đi hái me về mời cô ăn ạ! Cô tha lỗi cho các em nghen.
Rồi em cười: - Cô ơi, em biết đi không xin phép là sai, trèo cây cũng sai nhưng các em không có gì mời cô nên chúng em đi hái me. Ngày nghỉ em chăn bò ở khu đó, mấy anh chị lớn thường hái me cho em ăn, không sao đâu cô!
Tôi giận lắm nhưng khi nghe những lời nói, nụ cười vô tư của em, tôi như quả bóng xì hơi, làm sao giận được nữa. Tuy các em sai nhưng xuất phát từ sự yêu mến thầy cô nên các em hành động thiếu suy nghĩ. Thế là tôi phân tích những sai trái, thiệt hơn cho các em được rõ.
Các giáo viên cùng cô Hiệu phó đến hỏi thăm các em đã về chưa. Các em đi đâu vậy?
Cô Hiệu phó khiển trách các em trước lớp, các em hứa không vi phạm nữa...
Từ hôm ấy, đến giờ ra chơi, tôi cùng các em ra sân bày trò chơi, cô trò cùng quấn quýt bên nhau, các năm sau cũng vậy, các em rất thích tôi tổ chức trò chơi và chơi cùng chúng.
Hai năm sau, Ban giám hiệu chuyển tôi dạy lớp ở trường đồi Thôn Ba - Ninh Trang. Một buổi chiều trên đường dạy về, một nhóm học sinh cả nam lẫn nữ lớp tôi dạy năm trước đứng lấp ló sau lùm cây gọi :
- Cô ơi, cô cho chúng em hỏi một chút nghen cô!
Tôi dừng xe lại, các em đùn đẩy nhau, cuối cùng một em nữ chạy ra, hai tay dấu sau lưng cười bẽn lẽn, không nói, không hỏi tôi điều gi mà bỏ vào giỏ xe đạp của tôi một túi ni lông, rồi cả nhóm ù chạy biến.
Tôi về nội trú cùng chị em mở ra xem (nhà chúng tôi đều ở cách xa trường nên trọ lại nội trú), thì ra trong túi ni lông đó có mấy khúc mía và một khẩu trang. Ngày hôm sau các em đó lại đón tôi và hỏi:
- Cô ơi, sao cô không mang khẩu trang chúng em tặng cô. Tôi phì cười, trả lời:
- Cô để dành các em ạ! Các em cười vang:
- Vậy hả cô, hôm nào cô đeo cho các em nhìn thử nghen cô!
Các bạn ạ! Tuổi học sinh thật đáng yêu phải không? Tuy có nhiều lúc các em làm mình giận nhưng tính bồng bột trẻ thơ có biết gì đâu! Nhiều lúc giận quá phạt các em nhưng hết giận nghĩ lại thấy thương.
Các em sống rất tình cảm, chúng ta cần vun đắp tình cảm đó ngày thêm tràn đầy, có như vậy cuộc đời của người làm giáo viên mới có ý nghĩa.
Có khi nào các bạn ngồi lắng nghe học sinh của mình tâm sự, thổ lộ tâm tư chưa? Có nhiều học sinh lân la gần mình, kể chuyện nhà, kể chuyện bản thân nhưng có nghe em nào bày tỏ hết tâm tư ẩn chứa từ đáy lòng các em chưa?
Vào năm (1998), chỉ còn hai ngày nữa là đến ngày 20-11, tôi đang dạy, thấp thoáng bóng một học sinh đứng bên ngoài cửa sổ, tôi không để ý. Tôi đang ghi bài trên bảng, bỗng một học sinh lớp tôi lên đứng ở phía sau và gọi: "Cô ơi! Cô có một anh gửi cho cô tờ giấy này!"
Tôi quay lại, tay cầm tờ giấy đọc dòng chữ viết nguệch ngoạch trên tờ giấy xé đôi không được thẳng thóm:
"Cô ơi! Tuy em không còn học với cô nữa, năm nay em lên lớp 6 rồi. Sắp đến ngày 20-11, em không có gì hơn, em xin gửi cho cô lá thư này để chúc mừng cô. Em ước gì cô dạy em mãi mãi. Em ước gì có kiếp sau, em nguyện sẽ làm con của cô.
Kí tên
Đoàn Mạnh Linh
Tôi rất xúc động, bước ra hiên, tìm em, em không còn đứng ở đó. Lời trong bức thư có sự ỷ mị nhưng rất chân thành. Cũng từ ngày đó tôi bặt tin em, tôi hỏi thăm các em cùng lớp với em, các em nói gia đình bạn chuyển đi đâu các em không rõ.
Còn nhiều bài viết, bài thơ của nhiều học sinh viết nhờ các em nhỏ mang đến gửi cho tôi.
Thời gian này nhiều em bỏ học nữa chừng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, các em phải ở nhà trông em, phụ cha mẹ lên nương rẫy... Các em gửi cho tôi những bức thư còn sai lỗi chính tả, lời văn còn luộm thuộm nhưng cảm xúc chân thành và sâu sắc và chúng còn gửi cả nỗi niềm, ước mơ của các em trong đó nữa.
Thời gian 16 năm không phải là ngắn tôi không nhớ hết nội dung của từng bức thư .... nhưng tôi thầm cảm ơn các em không quên tôi.
Các em không xấu đâu, chỉ xấu hay không là sự định hướng không đúng cho các em và sự buông lỏng của gia đình các em.
Nếu trong xã hội chúng ta, không có những phụ huynh thực dụng, những người thầy thiếu lương tâm... thì đâu có cảnh các em không tôn kính thầy cô; hư hỏng, ngổ ngáo với mẹ cha...
Hỡi các mẹ bậc phụ huynh các cấp hãy cùng giáo viên chúng tôi chung tay góp sức: Đánh thức tâm hồn, sự chân thật và tình yêu của các em, để các em luôn có nụ cười và một xã hội tốt đẹp như người người mong muốn./.
Nguyễn Thị Dung
NGƯỜI ''LÁI ĐÒ'' CỦA SỰ NGHIỆP TRỒNG NGƯỜI
Trong mỗi con người chúng ta, hạnh phúc và niềm vui luôn song hành với nhau, đó là khi ta có mặt trên sự đời và sống bằng tình yêu thương của con người. Cái tình yêu ấy đã khái quát hết tất cả những gì mà ta nghĩ, có chăng là tình thương yêu những người trong gia đình, yêu hai đấng sinh thành là cha, là mẹ, yêu cuộc sống và một tấm lòng biết kính trọng, biết yêu thương thầy cô. Thứ tình yêu ấy luôn sống mãi với mọi thời đại và cả những thế hệ mai sau. Một sự biết ơn, trân trọng, quý mến không bao giờ là đủ cả và cũng không thể tả hết được thành lời. Vì thế mà nó đã đi sâu trong ca dao, tục ngữ của dân tộc, hay đi vào những vần thơ, những bài hát thấm đượm tình thầy trò.
“Muốn sang thì bắt cầu Kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”
Chắc hẳn ai sống trong đời mà chẳng nghe qua hai câu ca dao ấy. Tự bao đời nay ông cha ta luôn mang trong mình một lời căn dặn cho thế hệ cháu con phải biết:
“Uống nước nhớ nguồn”
Bởi thế cho nên mấy ai hiểu được công lao rèn giũa, uốn nắn của lớp lớp thầy cô. Họ đã đem cả tuổi thanh xuân hiến dâng cho sự nghiệp trồng người, ấy là khi từ thuở ta còn bịn rịn cầm tay mẹ, quyến luyến chẳng muốn buông cho đến khi nhận thức được việc gì là đúng, việc gì là sai. Tất cả đều được những người cha, những người mẹ thứ hai dày công giáo dục, họ tặng cho chúng ta những điều quý giá nhất, ban cho chúng ta nét chữ, vần thơ, tạc nên cho ta dáng hình của con người có học. Làm sao có thể nói hết được, có thể tả hết được những giọt mồ hôi, những đêm khuya thao thức bên ánh đèn cùng với trang giáo án. Lầm lũi đi sớm về khuya, cuộc đời gắn liền với học thức. Cũng như câu hát vang vọng đâu đây: “ Khi tóc thầy bạc, tóc em vẫn còn xanh , khi tóc thầy bạc trắng chúng em đã khôn lớn rồi. Thời gian trôi qua nhanh, dòng đời như ai qua sông, tuổi ấu thơ như hoa nở, dưới mái trường….”
Câu hát ấy thật ý nghĩa làm sao, thời gian thì cứ thoi đưa, thấm thoát cứ ngỡ như rằng tất cả chỉ mới thoáng qua như một cơn gió, nào hay khi ta nhìn lại thầy cô đã khác xưa. Chúng ta là những người lái đò, học sinh là những người khách sang sông đang ngồi trên chuyến đò ấy, cùng nhau vượt qua gian nan , chông chênh và muôn vàn khó khăn để con đò ấy được cập bến bờ an toàn, cũng như việc dạy dỗ cho thế hệ tương lai là những con người tài, giỏi, thành những con người biết sống có ích cho đời.
Có bao giờ chúng ta thử nghĩ, nếu như cuộc sống này không có bàn tay chúng ta chèo chống những con đò ấy thì sẽ ra sao?
Chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng làm cho chúng ta hiểu được những thế hệ thầy giáo, cô giáo đã đánh đổi những gì để góp sức cho cuộc sống này. Nếu muốn người khác nghe theo mình, trước hết mình phải biết lắng nghe người khác, những người cha, người mẹ ấy đã biết thấu hiểu những “đứa con” mà tạo hóa ban cho mình muốn gì để từ đó dạy dỗ chúng những điều nhỏ nhặt, bình dị, thân thuộc nhất của cuộc đời để chúng có thể trưởng thành hơn trong cả suy nghĩ và hành động.
Những thế hệ người thầy, người cô những người đã gieo hết hạt giống ước mơ xuống những khu vườn của tâm hồn trẻ thơ, ươm mầm những nhân tài quý giá của đất nước. Những người thầy, người cô luôn quí trọng từng nét chữ dở gian, trong từng học sinh có những hoàn cảnh khó khăn, trong trái tim luôn có lẽ sống vì sự nghiệp ấy, cái sự nghiệp muôn vàn gian khổ nhưng đổi lại là sự biết ơn, quý trọng của biết bao con người được thầy cô dạy dỗ. Tình thầy trò trong mỗi chúng ta, luôn còn mãi chẳng bao giờ phai mờ dù là trong hoàn cảnh nào chăng nữa. Có thể nói rằng thế hệ đi trước là bậc thầy của nhân loại, là người mở ra một con đường đầy ánh sáng, đầy những tương lai tươi đẹp. Những người thầy, người cô ấy tạo cho trái đất một màu xanh, màu đỏ của sự chiến thắng và hy vọng. Bởi lẽ tình thương của những người cha, người mẹ ấy là vô hạn cho những đứa con háo thắng, bồng bột.
Bụi phấn làm cho cả mái đầu thân thương ấy phải bạc màu theo năm tháng, dành những bài học hay cho lớp trẻ, lớp học vỡ lòng của thuở còn thơ. Thật may mắn làm sao khi cả thế giới này biết đến công lao của họ để gửi tặng đến những bậc thầy giáo, cô giáo ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày để mọi người bày tỏ sự biết ơn vô vàng, to lớn ấy. Không ai có thể phủ nhận một điều rằng tất cả những thành quả ấy do một sớm một chiều mà có được. Chẳng còn có thể nói được gì hơn nữa bởi họ thật sự là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo là lớp người đi trước, dẫn dắt thế hệ đi sau đến bến bờ của tương lai và đưa thế hệ trẻ vào cuộc sống. Họ đã xây dựng những nhân tài cho đất nước góp phần tạo nên một xã hội vững mạnh có thể sánh ngang tầm với các cường quốc năm châu.
“ Mai sau lớn nên người, làm sao có thể nào quên, ngày xưa thầy dạy dỗ, khi em tuổi còn thơ”. Tuổi thơ ngây ngô nhưng chân thật với bông hồng tặng cô, một bài ca tặng thầy, tất cả tuy đơn sơ, nhỏ bé nhưng chất chứa biết bao nỗi lòng, cảm xúc khó thốt nên thành lời. Tri thức luôn làm hành trang đi vào đời của mỗi chúng ta, phải biết giữ gìn và trân trọng nó bởi nó là tất cả tâm huyết của những con người mà ta hết lòng kính trọng và yêu thương. Hãy để cho mọi người biết đến ta bằng cung cách của con người được rèn giũa và làm cho nó càng ngày càng trở nên xinh đẹp hơn trong ánh nhìn của mỗi con người.
Thầy, cô những người phải đứng trên bục giảng tay cầm viên phấn để viết nên những gì tồn tại trong cuộc sống này để có thể đưa nó vào trong học sinh một cách dễ dàng hơn, nói như thế ít ai hiểu được rằng những thầy giáo, cô giáo ấy phải vất vả nhiều. Những giọt mồ hôi rơi trên những trang vở trắng xóa, sống hoài trong tình yêu và tâm huyết cho cái nghề dạy dỗ đến nỗi quên lo nghĩ đến mình, thế hệ ấy bao dung và giàu lòng nhân ái vô cùng, họ có thể thứ tha, bỏ qua mọi lỗi lầm của những đứa trẻ nông cạn trong suy nghĩ rồi dạy cho chúng từng chút một để chúng có hành trang mà đi vào cuộc sống đầy chông gai và thử thách. “Thầy, cô những người cho em mùa xuân”, một mùa xuân tràn đầy nhựa sống, tràn ngập màu sắc và âm thanh. Mùa xuân ấy còn chứa cả niềm vui, niềm hy vọng cho tương lai, trong chúng ta, trong thầy, cô luôn có những trái tim tuy hai mà một, chúng luôn đập cùng nhau, vì thế mà giữa cô, thầy với những học sinh của mình luôn hiểu nhau cần gì, muốn gì và thực hiện như thế nào. Bởi lẽ đương nhiên vì họ là người cha gánh gồng nỗi vất vả, mang tấm thân gầy che chở cho con, là những người mẹ hiền hòa, với tình tình yêu thương to lớn như biển cả, tảo tần nuôi con khôn lớn. Thầy, cô dạy cho chúng ta biết yêu những cánh cò trắng trong câu ca dao, thuở nhỏ mẹ vẫn hay kể trong câu chuyện ngày xửa, ngày xưa, cho chúng ta biết yêu bông lúa, bát cơm vàng, biết quý trọng những con người dãi dầu sương gió, hai sương một nắng mà tạo ra hạt gạo, hạt thóc chúng ta ăn. Bài học ấy là bài học đầu tiên, bài học làm người mà ta không thể nào quên.
Cũng giống như câu nói quen thuộc của cha ông ta, “mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”, công lao của họ đã bỏ ra to lớn biết bao nhiêu thì tình yêu của những đứa học sinh dành cho họ càng nhiều hơn bấy nhiêu. Thế hệ các thầy giáo, cô giáo là vầng dương tỏa ra ánh sáng lung linh, soi rọi bước chân của chúng ta, giúp ta nhìn nhận thế giới này một cách sáng suốt hơn. Có thể ví công lao ấy là vô tận và được đo bằng chiều dài và kích thước của non sông. Khi tuổi đời của mỗi chúng ta lớn dần lên cũng là lúc các thế hệ thầy, cô đã già hơn nhiều và có những thứ sẽ quên nhưng trong tâm hồn thì vẫn luôn mãi giữ những kỉ niệm thân thương với những cô, cậu học trò nhỏ và kiến thức sẽ ngày một vững vàng hơn, có nhiều kinh nghiệm hơn.
“Cô, thầy đâu rồi. Nghe trong tim ta vang tiếng cô, thầy”. Câu hát ấy đã nói lên tất cả những gì chất chứa tận đáy lòng của những đứa học trò gửi đến những nhà giáo ưu tú của nhân loại. Dù biết rằng con người ai cũng dần lớn khôn, cuộc đời thì phải có những thứ ra đi để đổi lấy sự sinh sôi và nảy nở mới. Các thầy giáo, cô giáo cũng thế, một khi đã để lại những trang giáo án in hằn vết mồ hôi cho thế hệ trẻ đi tiếp thì trong đó sẽ có sự gửi gắm cho đời sau, phải biết quý công lao những người đã khiến cho ta được ngồi trên ghế nhà trường, cho ta biết con chữ, nét thơ. Thế đấy, tiếng nói, cử chỉ bình dị của các bậc thầy giáo, cô giáo vẫn mãi còn đâu đây và nó sẽ đi vào tiềm thức của những kí ức như mới ngày hôm qua.
Võ Thị Loan
BÀI TỔNG KẾT CUỘC THI:
“ CHÚNG EM SƯU TẦM TƯ LIỆU
BÁC HỒ VỚI NGÀNH GD VIỆT NAM”
Chỉ sau gần hai tuần lễ phát động, mặc dù thời gian chuẩn bị ngắn ngủi, công việc trường lớp bộn bề, thế nhưng, tập thể anh chị phụ trách đội và các em đội viên của từng chi đội đã nỗ lực hết mình với một tinh thần đầy trách nhiệm, 10 chi đội đã hoàn thành 10 kỷ yếu thật phong phú, đầy sắc màu, đáng để cho mỗi chúng ta giở từng trang, từng trang để xem và đọc!
Ẩn sâu trong từng con chữ là những tình cảm, những suy tư gửi gắm và bao niềm hy vọng của Bác dành cho giáo viên, học sinh, sinh trên toàn quốc!
Xin được trích trong lời tựa của tập tư liệu của chi đội Nguyễn Văn Trỗi khi nói về Người: “ Đó là con người của sự kết tinh một cách thật hoàn hảo giữa tâm hồn, trí tuệ và phẩm chất của cả dân tộc Việt Nam với cái tinh hoa của toàn nhân loại”.Cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác không lúc nào là không nghĩ đến nhân dân, đặc biệt Bác luôn trăn trở về nền giáo dục Việt Nam. Bác từng bảo: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Bác luôn đặt vị trí của giáo dục lên hàng đầu trong muôn ngàn kế sách để dựng xây đất nước, xem đó là cái quyết định đến sự thịnh vượng hay suy tàn của một quốc gia.
Muốn có một đất nước hùng cường thì cần phải có những con người giàu tri thức và đầy nhân cách, mà chính giáo dục là cội nguồn để tạo ra những con người như thế! Chi đội Kim Đồng đã trích dẫn hai câu thơ của Bác thật tâm đắc để nhận định điều này:
“ Hiền dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên”
Đất nước trong những năm chiến tranh ác liệt, điều đó cũng không làm cho một dân tộc có truyền thống hiếu học chùn bước. Người đã chỉ ra rằng: “ Không có giấy thì viết trên cát, không có bút thì dùng que tre, không thiếu gì cách học mà không tốn tiền”. Đó là một lời chỉ dẫn hết sức thân tình của Bác dành cho chúng ta đã được chi đội Nguyễn Văn Cừ sưu tầm đưa vào bộ kỷ yếu của mình. Thật đáng trân trọng lắm thay!
Mười chi đội đã đem về Hội thi hầu như là trọn vẹn những gì mà Bác đã khen ngợi, ưu ái, thiết tha và mong mỏi dành cho ngành giáo dục chúng ta trong khoảng thời gian từ 9/1945 cho đến ngày Bác về với thế giới vĩnh hằng!
Mười chi đội mỗi người một vẻ, nhưng tựu trung lại một điểm chung đáng trân trọng là các anh chị phụ trách và các em đội viên đã gửi gắm tinh thần đầy trách nhiệm của mình qua từng trang sưu tập! Chi đội Nguyễn Văn Trỗi đã có lời mở đầu và tiểu kết của tập kỷ yếu thật sâu sắc về Người; chi đội Nguyễn Văn Cừ lại dành trọn một trang để sơ lược lại cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác cùng với số lượng ảnh tư liệu minh họa thật phong phú. Chi đội Lý Tự Trọng cũng có phần đầu tư ngang tầm với chi đội Nguyễn Văn Cừ nhưng tiếc thay, sự sắp xếp các bài viết và hình ảnh chưa được theo một mô-tuyp ấn tượng. Riêng chi đội Lê Văn Tám đã lấy 5 điều Bác dạy để đưa vào trang kết của mình. Một sáng tạo đáng ghi nhận!
Bên cạnh những cái hay, cái đẹp…cuộc thi lần này vẫn còn một số điều mà chúng ta cần xem lại để rút kinh nghiệm cho các lần thi sau:
- Bài viết và ảnh minh họa nhiều chi đội sắp xếp chưa được khoa học.
- Khổ giấy trong cùng một bộ sưu tập nhưng không đồng bộ.
- Chữ viết chưa được rõ ràng và đôi lúc còn mắc lỗi chính tả…
Tuy nhiên BTC vẫn ghi nhận những gì mà 10 chi đội chúng ta đã làm được. Xem đó là 10 bông hoa tươi thắm dâng lên Người nhân kỷ niệm 45 năm ngày Bác gửi thư lần cuối cho ngành GD (15/10/1968 - 15/10/2013).
BTC xin lược ghi lại những bức thư tâm đắc nhất của Người gửi cho ngành GD chúng ta từ: tháng 9/1945 đến tháng 10/1968.
Nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bức thư đầu tiên tới các em học sinh, sinh viên, các cán bộ, cô giáo, thầy giáo, công nhân viên ngành giáo dục. Trong bức thư này, có một đoạn mà đến nay bao thế hệ người Việt Nam đều thuộc lòng: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Sau đó, năm nào Bác Hồ cũng có thư gửi các em học sinh và các thầy, cô giáo trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tới 23 bức thư Bác đã viết gửi ngành giáo dục, vào nhiều thời điểm như: Thư gửi các học sinh (9-1945), Thư gửi anh chị em giáo viên bình dân học vụ (1-5-1946), Thư gửi ty giáo dục, các hiệu trưởng, giáo viên và các cháu học trò Khu 10 (1-1948), Thư gửi Hội nghị Giáo dục toàn quốc (7-1948), Thư gửi Đại hội Giáo dục toàn quốc (7-1951); Thư gửi các cán bộ, thầy giáo, công nhân viên, học sinh, sinh viên nhân dịp bắt đầu năm học mới (15-10-1968)…Bức thư ngày 15-10-1968 là bức thư cuối cùng của Người viết gửi ngành giáo dục. Thời điểm này, mặc dù sức khỏe đã yếu nhưng Người vẫn đặc biệt quan tâm và tự hào về thành tựu của ngành giáo dục. Người viết: “Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết”. Bác ân cần căn dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt…”.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |