Cách mạng Tân Hợi chính thức khởi đầu bằng việc chính quyền Mãn Thanh ra sắc lệnh "Quốc hữu hóa đường sắt".
Khởi nghĩa Vũ Xương Cuộc khởi nghĩa Vũ Xương thành công một cách nhanh chóng, quá sức tưởng tượng của phái cách mạng. Ngay cả Tôn Dật Tiên lúc này đang ở Mỹ và Hoàng Hưng đang trốn ở Hương Cảng cũng lấy làm ngạc nhiên
Ngày 11 tháng 10, tức ngay khi làm chủ được Vũ Xương, các thủ lĩnh cách mạng cùng với các đại biểu phái lập hiến họp thảo luận việc lập chính phủ mới. Hội nghị đã quyết định đổi quốc hiệu nước là Trung Hoa Dân quốc, cử Lê Nguyên Hồng thuộc phái lập hiến chỉ huy quân chính phủ. Đồng thời kêu gọi toàn quân và toàn dân đánh đổ chính phủ Mãn Thanh, tuyên bố với lãnh sự các nước ở Hán Khẩu là chính phủ Dân quốc sẽ tôn trọng mọi quyền lợi của nước ngoài ở Trung Quốc.
Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Vũ Xương, các tỉnh khác lần lượt giành lấy chính quyền, hoặc tuyên bố độc lập. Như vậy, quân cách mạng trong một thời gian ngắn đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm tan rã đế quốc Mãn Thanh rộng lớn. Họ chỉ còn khống chế mấy tỉnh miền Bắc mà số phận của nó cũng rất mong manh. Nhưng về phía cách mạng, một đặc điểm nổi bật lúc bấy giờ là chính quyền Dân quốc ở nhiều địa phương đều bị phái lập hiến nắm giữ, vì họ mạnh hơn
Khi khởi nghĩa nổ ra ở Vũ Xương, Thanh đình liền sai một tướng Mãn Châu là Ấm Xương đi đánh dẹp, nhưng rồi triệu hồi về mà bổ nhiệm Viên Thế Khải (sử có khi gọi tắt là Viên) lúc bấy giờ đang dưỡng bệnh ở Hà Nam (trước đây Viên bị triều đình nhà Thanh nghi kỵ cho nghỉ việc) làm Tổng đốc Hồ-Quảng, dẫn thủy lục quân đi trấn áp.
Thành lập chính phủ Nam Kinh
Quân nhà Thanh đầu hàng quân cách mạng Đầu tháng 11 năm 1911, hầu hết các tỉnh Trung và Nam Trung Quốc đều do quân cách mạng nắm giữ. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 15 tháng 11, đại biểu các tỉnh về Thượng Hải họp "Hội nghị đại biểu đô đốc phủ các tỉnh". Nhưng cuộc họp đến ngày 24 tháng 11 phải dời về Vũ Xương. Nơi này bị vây, hội nghị phải họp trong tô giới Anh ở Hán Khẩu. Ngày 2 tháng 12, quân cách mạng chiếm được Nam Kinh, hội nghị liền dời về đây để bầu đại Tổng thống, lập Chính phủ lâm thời.
Ngày 25 tháng 12, Tôn Dật Tiên từ Mỹ về nước. Sau đó (10 tháng 11 năm Tân Hợi, tức là ngày 29 tháng 12 năm 1911), ông được đại biểu của 17 tỉnh dự họp bầu làm Đại tổng thống lâm thời (Lê Nguyên Hồng làm phó), và lấy ngày 1 tháng 1 năm 1912 làm ngày khai sinh của chính quyền Trung Hoa Dân quốc.
Được tin, Viên Thế Khải liền tìm mọi cách tấn công vào chính quyền mới. Vừa bị Viên uy hiếp, vừa bị các nước đế quốc thu hết thuế quan (họ không công nhận chính phủ của Tôn Dật Tiên), nên chính phủ Cộng hòa gặp rất nhiều khó khăn. Để chấm dứt cuộc nội chiến, Tôn Dật Tiên đã đề xuất hiệp nghị 5 điều, trong đó có điều khoản là nếu Viên Thế Khải lật đổ được Thanh đình thì sẽ được bầu làm Đại tổng thống [13].
Viên Thế Khải bằng lòng, bèn mật sai Đoàn Kỳ Thụy hiệp với 40 tướng lãnh khác uy hiếp Hoàng đế nhà Thanh thoái vị. Ngày 12 tháng 2 năm 1912 (năm đầu Dân quốc), Hoàng đế Tuyên Thống (tức Ái-tân-giác-la Phổ-nghi) phải xuống chiếu thoái vị, để hoàng tộc còn được hưởng một số điều kiện ưu đãi của Chính phủ Dân quốc.
Theo thỏa thuận, ngày 15 tháng 2 năm 1912, Tham nghị viện cử Viên lên làm Lâm thời Đại Tổng thống. Ngày 10 tháng 3 năm đó, Viên Thế Khải tuyên bố nhận chức ở Bắc Kinh. Căn cứ vào quy định của Ước pháp, Viên cử người xuống Nam Kinh tổ chức nội các mới, dùng Đường Thiệu Nghi làm Quốc vụ Tổng lý. Ngày 5 tháng 4, Tham nghị viện quyết định dời Chính phủ lâm thời lên Bắc Kinh.