Facebook là một trong những mạng xã hội ảo lớn nhất thế giới hiện nay. Tính đến thời điểm tháng 8/2012, có gần 7 triệu tài khoản người sử dụng đã được lập tại Việt Nam. Và hiện nay, sau gần 6 năm, con số đó đã tăng lên rất nhiều. Với hơn 80 triệu dân và cấu trúc dân số trẻ, Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ tăng trưởng người sử dụng Facebook cao nhất thế giới.
Thế mạnh của mạng xã hội này là khả năng giúp người dùng kết nối bạn bè, phát triển các mối quan hệ xã hội, chia sẻ những suy nghĩ cá nhân và nội dung trên mạng. Với tính tương tác cao, Facebook rất dễ gây “nghiện” nơi người dùng, và ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho không gian ảo này. Những công dụng tốt của Facebook đã nhiều lần được nhắc đến, nhưng liệu chúng ta đã thật sự quan tâm đến những ảnh hưởng về văn hóa của mạng xã hội này đối với giới trẻ Việt Nam?
Các bạn trẻ trong quá trình hình thành nhân cách rất dễ bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, ví dụ như nhà trường, ba mẹ, người thân, bạn bè, và môi trường xung quanh. Báo chí và các phương tiện truyền thông cũng đóng một vai trò to lớn là tấm màng lọc văn hóa, giúp góp phần định hướng phát triển tư tưởng cho giới trẻ. Nhưng với sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông số và mạng xã hội như hiện nay, người dùng không chỉ đón nhận thông tin từ các kênh truyền thông chính thống mà còn có khá nhiều sự lựa chọn khác.
Trong thế giới số, mỗi người sử dụng đều có thể tạo ra nội dung, và mức độ ảnh hưởng của nội dung sẽ còn tùy theo mức độ kết nối của họ trên mạng. Với khoảng vài ngàn người bạn trên mạng, những hoạt động của họ có thể xem tương tự như một tờ báo thu nhỏ, với những nội dung hấp dẫn có thể đạt sức lan tỏa đến chóng mặt trên mạng.
Nhưng nếu chúng ta lật ngược lại vấn đề, điều gì sẽ xảy ra nếu những nội dung mà họ đưa ra là sai, có tác động tiêu cực, hoặc nhằm phục vụ những ý đồ nhất định? Trong một tờ báo truyền thống như Thanh niên, Tuổi trẻ,…thông tin được thu thập và xử lý bởi phóng viên, và sau đó phải được ban biên tập duyệt qua trước khi được chính thức xuất bản, nhằm đảm bảo độ tin cậy của thông tin ở mức cao nhất.
Nhưng đối với một “nhà báo nhân dân”, những thông tin mà họ thu thập, xử lý và xuất bản thường có nguồn gốc không rõ ràng, xuất phát từ những tin đồn rỉ tai nhau, và bị ảnh hưởng khá nhiều bởi những cảm xúc và kinh nghiệm cá nhân. Chính vì thế mà độ thiên lệch của thông tin là khá cao. Hãy tưởng tượng trên cộng đồng mạng, một nơi không có ai quản lý, và mỗi ngày những bạn trẻ Việt Nam đều phải tiếp xúc với những thông tin không đáng tin cậy này.
Điểm đáng sợ của những thông tin trên mạng là thay vì người dùng phải đi mua một tờ báo hoặc tạp chí ở ngoài để đọc thông tin, thì những thông tin trên mạng luôn hiện diện trước mặt người dùng tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày. “Tính có sẵn, tiện nghi, cấp thời” của thông tin trên mạng là những lý do chính đằng sau sức ảnh hưởng lớn lao của những nội dung này.
Phần lớn những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm và có sức lan tỏa lớn trên cộng đồng mạng, đặc biệt trên Facebook, đều có liên quan đến bạo lực và khiêu dâm. Đã có những câu chuyện đau lòng về clip nữ sinh đánh hội đồng bạn học, những hình ảnh giết chóc dã man trong thời gian gần đây, bạn nữ trẻ chụp hình gợi cảm đưa lên mạng, hoặc rao tình trên Facebook liệu giới trẻ Việt Nam ngày ngày phải tiếp xúc với những nội dung này sẽ hình thành những suy nghĩ gì?
Liệu sự xuống cấp về đạo đức và leo thang bạo lực trong một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay có liên quan đến những hiện tượng trên mạng này? Thế giới mạng đầy rẫy những cạm bẫy và lừa lọc, nơi mà một anh xe ôm cũng có thể là giám đốc bảnh bao, chị bán xôi cũng có thể là nữ doanh nhân thành đạt, tưởng tượng nếu con em chúng ta ngày ngày tương tác với những người xa lạ này trên cộng đồng mạng, ảnh hưởng lâu dài sẽ nguy hại đến thế nào?
Facebook, nếu những nội dung xấu trên mạng nhận được sự ủng hộ lớn, nếu mỗi cái like là một “phiếu bầu của niềm tin”, thì liệu các bạn trẻ có còn đủ tỉnh táo để phân biệt đúng sai và kiểm chứng tính xác thực của thông tin, hay sẽ hùa theo “tâm lý đám đông” và nghiễm nhiên cho những điều đó là đúng ? Và nếu bạn đi hỏi những người am hiểu về công nghệ thông tin thì tất cả những “sự ủng hộ to lớn trong cộng đồng mạng” như trên đều có thể sản xuất được, điều đó có khác gì với một hoạt động lừa đảo có tổ chức theo diện rộng, với điểm khác là trên mạng chứ không phải trong đời sống hàng ngày?
Những công dụng tốt của cộng đồng mạng là không thể chối bỏ, nhưng những mảng tối cũng cần phải bị bộc lộ, phân tích và tìm cách khắc phục. Chúng ta không thể (và không nên) chống lại sự phát triển của công nghệ internet, cũng không thể cấm giới trẻ sử dụng facebook, nhưng khi nhận ra được những tác động to lớn về văn hóa từ không gian ảo này, chúng ta sẽ có thể quan tâm và định hướng phát triển cho tuổi trẻ tốt hơn.