Có thể nói, thơ Phạm Tiến Duật như một luồng gió mới thổi vào vườn thơ cách mạng với một phong cách vô cùng sáng tạo. Với quan niệm "chủ yếu đi tìm cái đẹp từ trong những diễn biến sôi động của cuộc sống", ông đã đưa tất cả những chất liệu của hiện thực đời sống chiến trường vào trong thơ ca. Tuyến đường Trường sơn khói lửa – tuyến đường của mưa bom bão đạn, của chiến tranh tàn khốc và của lòng nhiệt huyết tuổi trẻ. "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” – niềm vui đó như ánh sáng chói chang soi sáng tâm hồn nhà thơ để tạo thành một hồn thơ chiến sĩ rất lạ, rất mới, rất độc đáo. "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" là tác phẩm tiêu biểu của ông viết về những người lính lái xe can trường, dũng cảm, lạc quan, yêu đời trong mưa bom, bão đạn. Họ quyết chiến đấu hi sinh vì lý tưởng giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc. Đó là tiếng nói chân thành của người trong cuộc với một tâm hồn đấy chất thơ.
Có lẽ chất thơ Phạm Tiến Duật hay bởi cái mới mẻ, sáng tạo, bởi hồn thơ chiến sĩ trẻ trung, tếu táo. Thơ ông không phản ánh một cách chân thực, giản dị đời sống cách mạng như thơ Chính Hữu mà phả vào đó một luồng chất thơ, chất tinh nghịch của tuổi trẻ. Ông đã thi vị hóa cái hiện thực để tạo được hình ảnh thơ sống động, độc đáo, đó là "những chiếc xe không kính". Đây chỉ là thứ tưởng chừng như khô khan, trần trụi nhưng lại được Phạm Tiến Duật nhìn với con mắt rất thơ. Những chiếc xe không có kính chắn gió ư? Phải chăng đây là kết quả của một hành trình vượt qua mưa bom bão đạn? "Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi" – một lời lý giải chân thực, gần như văn xuôi lại pha thêm chút giọng thản nhiên khiến người đọc nhận ra chất thơ ngay từ hình ảnh đó. Những chiếc xe đã vượt qua bom đạn thử thách để rồi mang trong mình đầy thương tích. Mặc cho gian khổ, đoàn xe vẫn băng băng ra chiến trường vì miền Nam phía trước vì độc lập tự do của Tổ Quốc. Phải chăng qua hình ảnh ấy, Phạm Tiến Duật muốn làm nổi bật vẻ đẹp của những con người cầm lái?
Phải nói rằng, tác giả đã dùng cách mở hết sức tài tình. Bài thơ này đâu phải viết về những chiếc xe không kính. Vì sao vây? Bởi hình ảnh đó tượng trưng cho những gian khổ, thiếu thốn của cuộc kháng chiến. Ông đã tạo nên một hình tượng người lính – nơi hội tụ những phẩm chất cao đẹp. Trên những chiếc xe không kính, họ vẫn cầm lái với tư thế ung dung, hiên ngang giữa trời đất. Họ thiếu thốn về phương tiện, vật chất. Điều đó đã không còn là trở ngại lớn lao bởi họ biết biến nó thành "cơ hội" để hưởng thụ, để tiếp cận thiên nhiên. Phạm Tiến Duật đã lấy cái khó khăn, gian khổ làm cơ hội để bộc lộ được những phẩm chất cao đẹp của người lính cách mạng