Trong lịch sử văn học thế giới những câu chuyện tình kiểu người đẹp và quái vật, công chúa và hoàng tử ếch, Sọ Dừa, chuyện Trương Chi… nhưng cặp đôi lứa xứng đôi cả về ngoại hình lẫn tính cách thì chưa từng có.
Nhiều người cho rằng Nam Cao là tự nhiên chủ nghĩa, là quá trớn khi mô tả thị Nở xấu đến ma chê quỉ hờn. Nam Cao đã trút vào Thị tất cả những nét mỉa mai nhất của Hoá công dành cho một người đàn bà. Đã xấu, nghèo, dở hơi, lại còn thuộc dòng giống hủi.
Chí Phèo được xây dựng về nhân hình lẫn nhân tính bị tha hóa. Người cố nông ấy bị tước đoạt linh hồn để biến thành nửa người nửa vật: nó không còn phải là mặt người: “nó là mặt của một con vật lạ”.
Chí Phèo – Thị Nở biểu tượng tầng lớp bần cùng, dưới đáy của xã hội thực dân nửa phong kiến. Nam Cao muốn gắn kết những con người vô giá trị kia để thể hiện niềm tin vào con người. Sự đối lập giữa ngoại hình, tính cách bên ngoài với tình người bên trong như một dụng công tài tình của Nam Cao. Thế giới càng tha hóa, càng vô tình thì vẫn có một “lòng tốt bình thường” ở Thị Nở. Khi mà tất cả mọi người xa lánh Chí, Thị vẫn tìm đến với Chí, nhận ra bản chất lương thiện ở Chí.