Mỗi lần đọc truyện Nam Cao là một lần tôi rưng rưng xúc động và ám ảnh. Ẩn sâu trong những câu chuyện hết sức dung dị, đời thường là niềm đau thương chan chứa. Khắc họa hình tượng người nông dân trước Cách mạng tháng Tám, Nam Cao là một trong những nhà văn thành công hơn cả. Trong số đó, nhân vật Lão Hac thuộc truyện ngắn cùng tên của Nam Cao tiêu biểu cho hình tượng người nông dân tuy bị đẩy vào bước đường cùng quẫn nhưng vẫn lấp lánh bản chất cao quý.
Nam Cao (1917-1951) tên khai sinh là Trần Hữu Tri, quê ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Trước Cách mạng tháng Tám Nam Cao đứng vào hàng ngũ những nhà văn hiện thực lớn bên cạnh các cái tên như Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố… Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ông đi theo ánh sáng của Đảng, trở thành một nhà báo kháng chiến, tiêu biểu cho thế hệ mẫu nhà văn – chiến sĩ thế kỷ XX.
Nam Cao từng làm nhiều nghề, chật vật kiếm sống và đến với văn chương đầu tiên vì mục đích mưu sinh. Trong sự nghiệp của mình, Nam Cao có nhiều đóng góp quan trọng cho truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ 20. Những tác phẩm tiêu biểu của Nam Cao gồm: “Chí Phèo” (1941) “Giăng sáng” (1942), “Đời thừa” (1943), Tư cách mõ (1943), Đôi mắt (1948)… Truyện ngắn “Lão Hạc” sáng tác năm 1943 được đánh giá là một trong những truyện ngắn khá tiêu biểu của dòng văn học hiện thực, nội dung truyện đã phần nào phản ánh được hiện trạng xã hội Việt Nam trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám.
Truyện xoay quanh nhân vật Lão Hạc – người nông dân nghèo khổ, tưởng chừng như bị cái đói cái khổ làm cho tha hóa về nhân cách nhưng vẫn lấp lánh bản chất thanh cao. Qua đó, Nam Cao phê phán xã hội nửa thực dân phong kiến áp bức, bóc lột người nông dân tới cùng cực.
Trước hết Lão Hạc hiện lên là một người nông dân chất phác, hiền lành. Lão góa vợ, sống cùng một người con trái. Lão có một mảnh vườn nhỏ và sinh sống bằng nghề làm vườn. Lão còn nuôi một chú chó được lão gọi là Vàng. Lão quý con Vàng lắm, nó giống như con trai lão, cùng lão trải qua những tháng ngày đằng đẵng.
Cùng chung số phận với những người nông dân thời kì trước Cách mạng, lão Hạc sống lay lắt, chật vật giữa mối lo “cơm áo gạo tiền”. Con trai lão vì quá nghèo nên không thể lấy vợ, vì thế đã rời bỏ quê hương để đến đồn điền cao su làm ăn kiếm tiền. Trăn trở suy nghĩ về tương lai của đứa con, lão ngày đêm làm việc, nhịn ăn, nhịn tiêu mong tích cóp đủ cho con trai lấy vợ khi trở về. Nhưng lão nào biết khi nào con trai lão về. Những người đi làm đồn điền cao su thời đấy gần như không hi vọng ngày về. Họ bị bóc lột tới mức có thể gục xuống gốc cây cao su bất cứ lúc nào. Sau trận ốm hơn hai tháng thập tử nhất sinh, số tiền dành dụm bao lâu nay “không cánh mà bay”. Trận bão ập tới bất ngờ, cuốn phăng đi vườn rau của lão. Thế là lão không còn nguồn mưu sinh.
Những tai ương liên tục ập tới khiến lão Hạc rơi vào bước đường cùng. Mảnh vườn vợ lão để lại lão đem đi bán. Lão còn mua bả chó từ thằng Binh Tư – tên chuyên đầu trộm đuôi cướp trong làng để lừa con Vàng. Cái đói, cái khổ khiến lão Hạc từ một lão nông hiền lành cũng phải “lừa” một con chó. Đó là dấu hiệu đầu tiên của sự tha hóa nhân cách con người.
Thế nhưng dưới con mắt Nam Cao, lão Hạc đáng thương hơn đáng trách. Lão đã dằn vặt biết bao khi mình lại đi "lừa một con chó". “Mặt lão đột nhiên co rúm lại, những nếp nhăn xô lại với nhau”. Lão “hu hu khóc”. Tiếng khóc như tức tưởi lắm, oan trái lắm! Ông giáo – có lẽ là người hiểu lão Hạc nhất làng Vũ Đại, cũng là hiện thân của tác giả thốt lên: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn là những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương…”. Vậy ra tâm hồn lão Hạc không tha hóa, lão chỉ là kẻ đáng thương mà Nam Cao đang “cố tìm mà hiểu”.
Sự dằn vặt khiến lão Hạc phải tìm con đường giải thoát tiêu cực nhất – cái chết. Lão quyết định tìm đến cái chết để được giải thoát sau bao tháng ngày cùng cực, đau khổ. Điều xót xa hơn nữa là lão kết thúc cuộc đời bằng một liều bả chó. Số phận con người có khác gì loài vật đâu? Cái chết của lão đau đớn và dữ dội, khiến người đọc không khỏi xúc động, xót xa. Lão chết để bảo toàn lòng tự trọng của mình, không để cho cái đói, cái nghèo dồn vào con đường tha hóa như Binh Tư
Truyện ngắn rất thành công khi xây dựng hình tượng nhân vật lão Hạc điển hình cho số phận người nông dân trước Cách mạng tháng Tám nghèo khổ, bị chèn ép, đẩy vào bước đường cùng nhưng nhân ái, giàu lòng tự trọng. Qua đó, Nam Cao phê phán mạnh mẽ hiện thực xã hội nửa thực dân phong kiến đầy rẫy áp bức, bất công đồng thời ngợi ca vẻ đẹp lấp lánh thanh cao của người nông dân Việt Nam. Tác phẩm đã thể hiện phong cách văn chương tài hoa cùng tấm lòng nhân đạo sâu sắc thầm kín của nhà văn.
Tôi tự hỏi, Nam Cao đã nhỏ biết bao giọt nước mắt xót thương cho nhân vật của mình? Nào ai mà biết được! Chỉ biết rằng đằng sau những trang văn lạnh lùng là một trái tim ấm áp tình đời và tình người.