Bác Hồ chính là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc VN và cả cuộc đời của Người gắn liền với cuộc sống lao động và chiến đấu của nhân dân VN. Bên cạnh sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp văn chương lẫy lừng, điều mà mỗi thế hệ trẻ có thể học tập được từ Bác đó là những phẩm chất đáng quý, là những phẩm chất mà khó có thể tìm thấy được ở một vị lãnh tụ nào khác trên khắp thế giới. Chính những phẩm chất tốt đẹp của Người nhào nặn lên hồn cốt của dân tộc. Phẩm chất đầu tiên mà chúng ta cảm nhận được ở Bác đó là lối sống giản dị. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, bôn ba khắp nơi và lãnh đạo nhân dân ta giải phóng dân tộc thành công, lối sống giản dị ấy của Người vẫn không hề thay đổi. Người giản dị trong lời ăn tiếng nói, trong cách ăn mặc, trong bữa ăn, trong văn phong,.... Mặc dầu Người có một khối óc của sự giao thoa văn hóa tứ phương nhưng Người vẫn giữ được hồn cốt dân tộc thông qua lối sống giản dị ấy. Lối sống giản dị, thanh bạch của Người chính là sự tự đem đến cho bản thân mình sự đủ đầy về mặt tinh thần và vật chất. Chính nhờ lối sống này mà tâm hồn của Người luôn được thanh tịnh, luôn được sáng ngời và gắn liền với cuộc kháng chiến trường kì còn nhiều gian khó của nhân dân. Phẩm chất thứ hai mà chúng ta có thể học tập được từ Bác đó là lối sống yêu thiên nhiên và hòa mình với thiên nhiên. Bác yêu thiên nhiên, Bác luôn có thái độ giao hòa với thiên nhiên. Người bạn thiên nhiên xuất hiện thường xuyên nhất trong thơ Bác đó chính là vầng trăng. Những câu thơ chứa đầy trăng của Bác đã minh chứng được cho việc trăng là tri kỷ, trăng là người bạn của Bác trong suốt những năm tháng sống và chiến đấu trường kì. Những câu thơ như "Người ngắm trăng soi ngoài cửa số" hay câu thơ "Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền". Một phẩm chất nữa của Người đó là tinh thần lạc quan đáng quý. Dù ở trong hoàn cảnh khó khăn nào, tinh thần lạc quan của Người vẫn được biểu hiện bằng phong thái ung dung, cùng tinh thần thép của người chiến sĩ cách mạng ấy. Tóm lại, ở Bác Hồ, thế hệ sau có thể học tập được rất nhiều những phẩm chất tốt đẹp.