Cảm nhận về vẻ đẹp của người lao động trong bài thơ ''Đoàn thuyền đánh cá" của Huy Cận
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Nói về Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận người ta không chỉ ấn tượng ở thiên nhiên giàu có, trù phú mà hơn hết là ở những con người lao động cần cù, chăm chỉ. Họ là hình ảnh tiêu biểu cho con người mới, cuộc sống mới đang trên hành trình lao động hăng say để xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Bằng bút pháp lãng mạn Huy Cận đã tái hiện một cách chân thực và đẹp đẽ nhất những người ngư dân trong lần ra khơi đánh cá.
Bài thơ ra đời sau một chuyến đi thực tế của Huy Cận ở Quảng Ninh. Chính khung cảnh lao động hăng say của những người dân nơi đây đã khơi nguồn cảm xúc trong ông sáng tác nên bài thơ này. Hình ảnh những ngư dân hiện lên với những phẩm chất đáng quý đẹp đẽ, họ không chỉ có thân hình vạm vỡ, khỏe mạnh mà còn có lòng yêu lao động, tinh thần làm việc hăng say tha thiết.
Trước hết họ là những con người yêu và hăng say lao động. Khi màn đêm vừa buông xuống, sóng đã cài then đêm sập cửa cũng chính là lúc những người ngư dân bắt đầu công việc của mình:
"Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi"
Nếu như vũ trụ đã nghỉ ngơi thì cũng là lúc đoàn thuyền lại ra khơi. Cách dùng từ của ông thật tinh tế, đối ứng với câu trên thiên nhiên nghỉ ngơi, câu dưới lại là bắt đầu quá trình làm việc của con người. Chữ lại này còn cho người đọc thêm một thông tin khác, ấy là quá trình làm việc này diễn ra đều đặn, tuần hoàn, không ngừng nghỉ. Kết hợp với câu hát ở câu thơ sau cho thấy niềm hăng say, niềm vui và hứng khởi lao động của những con người nơi đây.
Họ còn là những con người chủ động trong công cuộc chinh phục thiên nhiên. Hành trình đánh cá trên biển chắc hẳn sẽ gặp không ít nhưng khó khăn, vất vả, nhưng những ngư dân vẫn hiên ngang, chủ động trong quá trình làm việc của mình: Thuyền ta lái gió với buồm trăng/ Lướt giữa mây cao với biển bằng/ Ra đậu dặm xa dò bụng biển/ Dàn đan thế trận lưới vây giăng. Thuyền ta hay cũng chính những người dân đánh cá lái, lướt giữa không gian thiên nhiên bao la, rộng lớn. Họ chủ động tiến tới, chủ động chinh phục thiên nhiên. Hệ thống hình ảnh lái gió, buồm trăng, mây cao, biển bằng cho thấy con người mang trong mình sinh lực lớn lao, mạnh mẽ để chinh phục biển cả, thu về những mẻ cá bội thu. Sự chủ động đó còn được khắc họa rõ hơn trong hai câu thơ sau, những ngư dân ra những vùng biển xa, vùng biển sâu để dò tìm những mẻ cá lớn và giăng lưới để bắt chúng. Tất cả những cử chỉ, hành động đó cho thấy tầm vóc lớn lao và tư thế làm chủ thiên nhiên, làm chủ vũ trụ của con người.
Không chỉ vậy, họ còn là những ngư dân tài ba khỏe khoắn. Với tài năng của mình, cộng với kinh nghiệm dày dặn nhiều năm bôn ba trên biển họ thu về những mẻ cá lớn, động tác: Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng/ Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng, không chỉ cho thấy khí thế lao động gấp gáp, khẩn trương, mà còn cho thấy sức khỏe phi thường của họ. Từ xoăn tay vừa cho thấy sức vóc vạm vỡ của con người vừa cho thấy sức nặng của mẻ cá lớn. Kết hợp với hình ảnh thơ Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông càng làm rõ hơn nữa về thành quả lao động. Câu thơ đó khiến ta nhớ về cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về trong bài Quê hương của Tế Hanh:
Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe.
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
Bà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho con người những gì đẹp đẽ, quý giá nhất, bởi vậy đáp lại tấm lòng ấy, người dân không quên công ơn, thể hiện niềm biết ơn sâu sắc qua câu thơ: Biển cho ta cá như lòng mẹ/ Nuôi lớn đời ta tự buổi nào. Biển cả là nguồn sữa mẹ, là nguồn tài nguyên khổng lồ nuôi sống con người. Tác giả ví biển như lòng mẹ còn cho thấy biển gần gũi, ấm áp yêu thương con người như những người mẹ thương những đứa con của mình. Đằng sau câu thơ thể hiện niềm biết ơn sâu sắc của người dân chài lưới với bà mẹ biển cả ân tình.
Những câu hát xuất hiện từ đầu đến cuối bài thơ, cho thấy những người dân lao động là mang tâm hồn vui tươi, yêu đời, lạc quan, họ luôn mang trong mình niềm tin tưởng vào tương lai tươi sáng. Nhưng mỗi câu hát lại mang một ý nghĩa riêng: Lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba tiếng hát thể hiện niềm vui phơi phới, niềm say mê, hứng khởi của những người lao động. Lần thứ tư là khúc khải hoàn ca, khúc ca chiến thắng, sau một đêm đánh bắt bội thu. Khúc ca lặp đi lặp lại khiến cả tác phẩm trở thành một bài ca lao động tươi vui, lạc quan, hào hứng trong công cuộc lao động xây dựng cuộc sống mới.
Đoàn thuyền đánh cá là một bài ca hào hùng, tràn ngập niềm vui về cuộc sống và lao động của những ngư dân trên biển. Tác phẩm ngợi ca vẻ đẹp phẩm chất của con người nơi đây, vẻ đẹp của sự cần cù, chăm chỉ, gan góc, không quản ngày đêm làm giàu cho quê hương đất nước. Bằng bút pháp lãng mạn, giọng điệu thơ vui tươi đã đậm tô thêm vẻ đẹp phẩm chất của con người nơi đây.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |