“Quê hương” – hai tiếng ấy mới thiêng liêng làm sao! Dẫu rằng tôi cùng bao người khác nữa chỉ là những người nông dân chân lấm tay bùn, ngày ngày đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất bán lưng cho trời thì chúng tôi cũng có quê hương của mình và rất yêu nó. Sau Cách mạng tháng Tám, tình yêu quê hương của chúng tôi còn được mở rộng ra, gắn kết, gắn liền với tình yêu nước, tinh thần kháng chiến. Tôi cũng không ngoại lệ. Ấy vậy mà có một lần, tình yêu làng, yêu nước của tôi đã bị đặt vào trong một thử thách làm tôi mất ăn mất ngủ suốt mấy ngày liền.
Trước khi kể về câu chuyện của mình, tôi nên giới thiệu về bản thân mình trước chứ nhỉ? Tuy mọi người thường gọi tôi là ông Hai nhưng tên thật của tôi là Nguyễn Hai Thu. Nhắc tới làng tôi, chắc mọi người đều biết tới rồi nhỉ, làng tôi có tinh thần kháng chiến thế cơ mà! Làng tôi chính là làng Chợ Dầu thuộc huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh đấy! Nhớ năm ấy cái lũ Pháp mất dạy chúng nó tràn sang xâm lược nước ta, tôi cũng muốn ở lại sát cánh cùng các anh em giết chết cha chết mẹ chúng nó, ngặt nỗi dạo ấy trái gió trở trời, cái chân của tôi đau nhức quá, hơn nữa nhà tôi còn có một đàn con nheo nhóc, nên gia đình tôi buộc phải đi tản cư ở vùng đất Thắng theo chính sách của cụ Hồ: tản cư là yêu nước.
Ở nơi tản cư, tôi cũng chẳng nhàn hạ tẹo nào. Gia đình tôi ăn bữa nay phải nghĩ đến bữa mai, ăn năm nay phải nghĩ đến sang năm, rồi còn phải góp lương thực để phục vụ kháng chiến nữa chứ, tính kiểu gì cũng không thấy đủ, vậy nên cả gia đình tôi phải làm quần quật cả ngày. Ngày nào cũng vậy, hai tay chân tôi mỏi nhừ, tưởng như không có sức mà bước, mà cầm, mà nắm, mà cử động nữa. Ấy thế mà cứ mỗi khi nằm vật xuống giường, tôi lại vắt tay lên trán nghĩ về làng rồi lại tự tưởng tượng về những công việc kháng chiến của làng: đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá,… Chỉ nghĩ đến thôi là tôi cảm thấy mình như tràn trề sinh lực, phảng phất như tất cả mệt mỏi đều tan biến hết. Chắc tối nay tôi sẽ lại sang nhà bác Thứ để khoe về làng mất! Ôi, làng của tôi mới đáng tự hào làm sao!
Ở vùng đất Thắng này công việc ưa thích của tôi là xuống phòng thông tin nghe lỏm tin tức mà người ta đọc trên báo. Không phải là tôi không biết đọc mà thực ra tôi đã học qua một lớp bình dân học vụ rồi đấy, biết đọc, biết viết hẳn hoi ấy nhé, nhưng mà chữ in này khó nhận mặt chữ, tôi chỉ đọc được bập bõm, câu được câu không, thật là khổ tâm hết sức! May thay, hôm ấy tôi gặp trúng một anh chàng cao lớn, trên người mặc bộ quân phục màu xanh lá cây nom rất đỏm dáng. Chắc hẳn là một anh dân quân mới học, chữ nào chữ nấy đọc chậm rãi, to, rành rọt từng chữ. Bao nhiêu là tin hay, nào thì có một em nhỏ trong ban tuyên truyền xung phong bơi ra giữa hồ Hoàn Kiếm cắm quốc kì lên Tháp Rùa, rồi anh trung đội trưởng sau khi giết được bảy tên giặc đã tự sát bằng quả lựu đạn cuối cùng, hay đội nữ du kích Trưng Trắc giả làm người mua hàng đã bắt sống được một tên hai bốt Thao ngay giữa chợ. Lại còn bao tin đột kích nữa, chỗ này giết một tí, chỗ kia giết một tí, rồi còn kiếm được cả súng nữa. Tôi càng nghe càng hăng say, càng mừng rơn, rồi bất chợt lại nghĩ đến làng: “Cái lũ Pháp tép riu này mà đi qua làng mình nhất định sẽ bị đánh cho tơi bời rồi làng mình cũng được lên báo cho mà xem.” Càng nghĩ tôi càng thấy đúng rồi cười thầm một mình.
Ra khỏi phòng thông tin, tôi rẽ vào quán dặn dò vợ mấy câu rồi đi thẳng ra lối huyện cũ. Đi được một đoạn tôi gặp phải một tốp người tản cư mới ở dưới xuôi lên, tôi vội tìm một quán gần đấy ngồi nghe ngóng tin tức. Tôi hỏi bọn họ:
- Các ông, các bà ở đâu lên ta đấy ạ!
Một người đàn bà mau miệng trả lời:
- Thưa ông, chúng cháu ở Gia Lâm lên đấy ạ. Đi bốn năm hôm mới lên đến đây, vất vả quá!
Tôi hỏi thêm mấy câu về tình hình dưới xuôi, ai biết lại nghe được tin tức bọn giặc rút giặc rút ở Bắc Ninh về qua chợ Dầu. Tôi đinh ninh làng mình phải giết được vài thằng, nào ngờ một người đàn bà cho con bú lại nói cho tôi một tin dữ: cả làng Chợ Dầu của tôi theo Tây. Tôi như bị sét đánh trúng, cả người cứng lại, đờ ra, tưởng như đã ngừng thở. Phải một lúc lâu sau, tôi phản ứng kịp, run run hỏi lại, nhưng đáp án tôi nhận được lại đập nát vụn chút hy vọng cuối cùng của tôi, họ khẳng định rằng bọn Tây vào làng, cả làng tôi vác cờ thần ra đón, rồi cả thằng chánh Bệu khuân hết đồ đạc theo giặc. Tôi thấy mắt mình nóng lên, nước mặt như chực trào ra, cổ họng như bị cái gì chặn lại. Đắng ngắt! Bây giờ tôi chỉ có một ý nghĩ muốn về nhà trốn tránh hết thảy. Tôi vội đứng dậy trả tiền trà, rồi vờ như không thèm để ý, vươn vai nói to rồi chuồn thẳng:
- Hà, nắng gớm, về nào,…
Dù đã đi ra khỏi quán, tôi vẫn nghe tiếng lanh lảnh của người đàn bà nọ vọng ra:
- Cha mẹ tiên sư nhà chúng nó! Đói khổ ăn cắp ăn trộm người ta còn thương. Cái giống Việt gian bán nước thì cho mỗi đứa một nhát!
Về đến nhà, toàn thân tôi như bị rút cạn sức lực, nằm vật ra giường, đưa mắt nhìn lũ trẻ nhà mình đang chơi ngoài cổng. Có lẽ chúng thấy tôi khác thường nên ngoan ngoãn tránh đi. Tôi đau đớn, tủi hổ, nước mắt giàn giụa: “Ôi chao mấy đứa con số khổ của tôi, chúng nó mới tí tuổi đầu mà đã ngoan hiểu chuyện như vậy, có làm nên tội nên tình gì đâu mà bị người ta gán cho cái mác trẻ con làng Việt gian cơ chứ. Khốn nạn, cái bọn này ăn cái gì mà đổ đốn, dám bán nước, phản bội Tổ quốc, phản bội cụ Hồ muôn năm thế này hả trời.” Tức giận, tôi mắng ra lời luôn cho bõ tức.
Nhưng mắng xong rồi tôi mới ngờ ngợ như lời mình có gì đó không đúng. Mọi người ở làng so với tôi còn có tinh thần kháng chiến hơn, quyết tâm ở lại sống chết với giặc cơ mà! Mới nghĩ như vậy, tôi lạt gạt phắt đi ngay, không có lửa làm sao có khói, người ta không có thù oán với mình thì đặt điều với mình để làm gì, huống chi tên chánh Bệu đích thị là người làng mình rồi, không có sai. Chao ôi, nhục nhã chưa, cả làng Việt gian!
Tối ấy vợ tôi về, có lẽ bà ấy cũng nghe tin rồi, bởi tôi thấy bà khang khác, cả người uể oải, mặt cúi gằm xuống, đi thẳng vào trong nhà cất thúng rồi ra thềm ôm má nghĩ ngợi. Thấy mẹ như vậy lũ trẻ cũng không dám đòi quà. Sự im lặng đáng sợ bao trùm lên gian nhà nhỏ. Mãi khuya, vợ tôi mới chống gối đứng dậy, lẳng lặng xuống bếp đếm tiền hàng như thường lệ. Lúc lâu sau bà mới nhỏ giọng gọi tôi, nhưng tôi cố tình tảng lờ đi, thậm chí cong cáu gắt ngắt lời bà khi bà dường như định nhắc lại chuyện ban sáng. Bà ấy nín bặt, lát sau mới khẽ khàng nói tiếp rằng người ta đồn nơi này sẽ không chứa những người làng Chợ Dầu nữa. Tôi lặng đi, không dám hé nửa lời, bởi tôi biết hiện giờ tâm trạng tôi không tốt, nếu nói thêm câu gì nữa sẽ làm tổn thương tới bà ấy mất. Nhìn gương mặt gầy gò, mới ngoài bốn mươi mà tưởng chừng như đã già đi cả chục tuổi, những nếp nhăn, vết chân chim như ghi lại những tháng ngày vất vả khó nhọc bà phải trải qua khi chung sống với tôi, tôi cũng thấy hổ thẹn lắm chứ! Nhưng biết làm sao được, những lời nói ban sáng của mụ đàn bà nọ vẫn đeo bám, ám ảnh, dằn vặt tôi mãi. Tôi trằn trọc mãi mà không tài nào ngủ được. Một đêm thức trắng!
Ba bốn ngày sau đó tôi luôn cảm thấy bất an lo sợ, không dám bước chân ra khỏi nhà nửa bước dù chỉ là sang nhà bác Thứ, chỉ cần một đám đông túm tụm lại , hay nghe tiếng cười nói xa xa, tôi cũng hoang mang, cho rằng người ta đang nói về “cái chuyện ấy”, rồi chỉ loáng thoáng nghe được mấy tiếng Tây, Việt gian, cam-nhông là tôi lại lủi ra một góc nhà, nín thít. Đặc biệt là mụ chủ nhà, từ ngày xảy ra chuyện ấy, thỉnh thoảng mụ lại chạy sang nói bóng nói gió, đâm chọt, chế giễu, dọa nạt gia đình tôi một hồi. Hình như mụ ta lấy điều làm cho vợ chồng tôi khổ ngấm khổ ngầm là mụ thích. Thậm chí có lần mụ còn đe dọa rằng ở đây người ta đồn rằng không chứa người làng Chợ Dầu chúng tôi ở đây nữa. Tuy đây chỉ là việc do vợ tôi kể lại nhưng cũng làm tôi khốn đốn, khổ sở một phen. Rời khỏi đây gia đình tôi biết đi đâu về đâu bây giờ, ai người ta cho ở nhờ, ai người ta buôn bán với? “Hay là quay về làng…” vừa mới chớm nghĩ như vậy, tôi lập tức phản đối ngay, về làng không phải là cam chịu cái mác Việt gian, phản bội Tổ quốc, bỏ lại kháng chiến, cụ Hồ… Cuối cùng, phải gian nan lắm tôi mới ra được quyết định: Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù.
Quyết định thì như vậy nhưng cái tình yêu làng này đã ngấm vào máu thịt, là một phần cơ thể của tôi rồi, đâu phải bảo thù là tôi thù ngay được, thế là tôi phải tìm thằng Húc trò chuyện để để giải khuây. Khi tôi hỏi nó nhà ta ở đâu thì nó trả lời là làng Chợ Dầu, khi tôi hỏi nó có muốn về làng không nó chỉ khe khẽ đáp: có. Vậy mà khi tôi hỏi nó ủng hộ ai thì nó lại trả lời mạnh bạo và rành rọt: ủng hộ cụ Hồ Chí Minh muôn năm. Nghe câu trả lời của nó mà lòng tôi đau như cắt, bởi tâm sự của nó cũng là tâm sự của tôi, nói với nó cũng là tôi đang tự giải tỏa lòng mình, như để mình lại minh oan cho mình nữa. Tôi biết cái ý nghĩ mong có anh em đồng chí, cụ Hồ nghe được mà biết, mà soi xét cho bố con tôi chỉ là ý nghĩ viển vông, nhưng tôi vẫn không nhịn được mà nói chuyện với con. Chí ít, mỗi lần nói chuyện với con xong, lòng tôi cũng vơi đi mấy phần.
Nhưng có một chuyện đã xảy ra khiến tảng đá trong lòng tôi biến mất hoàn toàn: ông chủ tịch đã cho hay tin làng tôi được cải chính. Hôm ấy, ngài ấy xuất hiện trước mặt tôi làm tôi sửng sốt, nhất thời không phản ứng kịp, mãi mới nhớ ra là phải mời khách vào nhà. Thì ra ngài ấy muốn mời tôi cùng báo tin. Tôi chọn ngay ra bộ quần áo sạch sẽ, tươm tất nhất mà cho dù là lễ Tết tôi cũng không nỡ diện để mặc vào, chỉnh gọn gàng lại đầu tóc rồi cùng đi với ngài ấy. Mãi đến sẩm tối tôi mới về đến nhà. Vừa chia quà cho các con xong, tôi sang ngay nhà bác Thứ và nhà chủ nhà khoe rằng ông chủ tịch vừa lên cải chính cái tin làng tôi theo giặc là “sai sự mục đích”, thậm chí khoe cả cái tin nhà tôi bị Tây đốt mất rồ. Mặc dù đối với người nông dân chúng tôi cái nhà là quan trọng nhất nhưng tôi không ức chế nổi sự sung sướng của mình. Chỉ là một căn nhà thôi, sau này chiến tranh kết thúc quay về xây dựng lại cũng được, chứ nếu danh dự của làng bị mất thì đó sẽ là một vết nhơ mà kể cả qua bao nhiêu năm cũng không xóa nhòa đi nổi.
Tôi tưởng câu chuyện nhỏ này chỉ có gia đình tôi và vài người xung quanh biết nhưng không thể ngờ được nó lại được nhà văn Kim Lân – một nhà văn cùng quê với tôi – viết thành một truyện ngắn đăng trên báo Văn nghệ và còn được đánh giá rất cao. Nhà văn đã mượn truyện của tôi để khái quát thành tình cảm của người nông dân của khắp mọi nơi trên mọi miền của Tổ quốc. Là người nông dân ai chẳng yêu nơi chôn rau cắt rốn của mình, đất nước có giặc người nông dân khắp nơi đều đứng lên tham gia kháng chiến. Đó là sự tin tưởng tuyệt đối vào Cách mạng.
Cuộc sống ngày hôm nay của chúng ta đang ngày càng trở nên tốt hơn, tất cả là nhờ có Cách mạng. Chính vì vậy chúng ta càng phải cố gắng đem hết sức mình cống hiến cho đất nước, cho quê hương để đất nước hết giặc, cuộc sống của người nông dân sẽ được đổi mới hoàn toàn.