- Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang tạo ra những cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với nước ta trong giai đoạn mới. Để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững đất nước thì việc tăng cường đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao là yêu cầu bức thiết hiện nay.
Quá trình phát triển nhận thức về vai trò, vị trí của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo
Trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng ta đã nhận thức ngày càng rõ hơn vai trò, vị trí của khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển toàn diện đất nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (năm 1996) đã khẳng định, khoa học và công nghệ phải trở thành nền tảng và động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ chiến lược trên, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII, ngày 24-12-1996, “Về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000” đã chỉ rõ, cùng với giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải bằng và dựa vào khoa học - công nghệ; khoa học - công nghệ là nội dung then chốt trong mọi hoạt động của tất cả các ngành, các cấp, là nhân tố chủ yếu thúc đẩy tǎng trưởng kinh tế và củng cố an ninh quốc phòng; phát triển khoa học - công nghệ gắn liền với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.