Trách nhiệm công dân trong phòng chống dịch Covid-19
Thứ Bảy, 18/04/2020, 08:10 [GMT+7]
Đưa lên Facebook
.
.
Trong công tác phòng chống dịch Covid-19, một trong những chủ đề được quan tâm hàng đầu đó là ý thức và trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội.
Những lời nhắc về chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch, hãy làm theo khuyến cáo của cơ quan chức năng được lan truyền mạnh mẽ với mục tiêu chung là nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
Khu vực công viên cây xanh phường Cẩm Thành, TP Cẩm Phả được thông báo hạn chế tụ tập đông người trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19.
Ngay cả khi chưa có quy định về “Giãn cách toàn xã hội”, chị Phạm Thanh Tâm (phường Cẩm Thành, TP Cẩm Phả) đã tập quen với việc hạn chế ra ngoài nếu thấy không thật cần thiết. Mọi thói quen đi chơi dạo phố, xem phim, shoping, tập thể dục trong vườn hoa công cộng... đều được cắt giảm.
Nguyên nhân là bởi thông tin về sự lây lan, tính chất nguy hiểm của Covid-19 cứ dày đặc thêm mỗi ngày trên các kênh truyền thông.
Chị Tâm nhận thức rằng: Những chiến sĩ tuyến đầu chống dịch đang căng mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, thế thì mình cũng phải thực hiện tốt nghĩa vụ của mình.
Khi chưa có điều kiện để ủng hộ kinh phí, hay phải nghiên cứu, sáng tạo ra giải pháp gì đặc biệt, mỗi người vẫn có cách góp sức rất đơn giản: Nhắc nhở chính mình vượt qua những bất tiện, khó khăn trong thời gian bệnh dịch; chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch. Làm được như vậy, tức là mình đã có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.
Mua sắm an toàn tại siêu thị BigC Hạ Long.
Cũng đồng tình với ý kiến này, anh Đồng Văn Tuấn (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) cho biết: Trong 15 ngày cao điểm phòng chống Covid-19, gia đình anh càng thực hiện nghiêm việc hạn chế ra đường.
Anh Tuấn cũng rất phản đối việc mua sắm nhu yếu phẩm một cách hoảng loạn, tích trữ đầy nhà. Thay vào đó chỉ nên mua nhiều hơn cho 2-3 bữa ăn so với ngày thường để tránh việc đi lại thường xuyên.
Việc chỉ mua vừa đủ dùng như gia đình anh Tuấn đang làm sẽ giúp giá thực phẩm và nhu yếu phẩm không bị đẩy lên cao, gây khó khăn cho người già và người nghèo. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi công dân trong thời Covid-19.
Quyền lợi của công dân trước mối nguy bệnh dịch đang được đảm bảo bằng những nỗ lực tuyệt vời của Chính phủ. Vậy mỗi cá nhân cũng cần thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với cộng đồng.
Bởi với mức độ lây lan theo cấp số nhân của Covid-19, một người không nhận thức và thực hiện tốt việc cách ly, chưa chu toàn trách nhiệm công dân cũng sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên diện rộng, tác động đến cả xã hội.
Lực lượng chức năng TP Hạ Long lập biên bản xử phạt đối với người vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Ảnh: Nguyễn ThanhCó thể khẳng định, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp thì mỗi công dân cần phải nâng cao ý thức và trách nhiệm xã hội để góp phần bảo vệ bản thân, cộng đồng và đẩy lùi dịch bệnh.
Trước hết, mỗi công dân dù ở bất cứ cương vị nào cũng cần hết sức tin tưởng vào các quyết sách, biện pháp của Chính phủ; cần thực hiện nghiêm chỉnh quy định khai báo sức khỏe, khai thông tin liên quan một cách trung thực, chính xác, không gian dối hoặc cố tình che giấu thông tin.
Đặc biệt là tự có ý thức, nhận thức, thực hiện nghiêm những biện pháp tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Kịp thời phản ánh những thông tin liên quan đến dịch bệnh COVID-19 qua đường dây nóng và các cơ quan chức năng tại địa phương.
Công ty CP Xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương đã tổ chức trao tặng khẩu trang cho công dân.
Ảnh: Thu Hằng (Trung tâm TT-VH Móng Cái)Ý thức trách nhiệm công dân còn đến từ sự tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội, không chia sẻ, đăng lại hay cổ xúy cho những quan điểm sai lệch, bài viết không kiểm chứng, hình ảnh giả trên mạng xã hội.
Bằng cách đó, sẽ không để các thế lực thù địch kích động, lợi dụng để tung tin bịa đặt gây hoang mang trong xã hội, gây chia rẽ khối đoàn kết thống nhất toàn dân.
Việc nâng cao ý thức công dân và thể hiện trách nhiệm xã hội của mỗi người trong lúc này chính là thể hiện rõ nhất về tinh thần yêu nước, từ đó nhân lên sức mạnh chiến thắng dịch bệnh.
Mức xử phạt hành chính với một số hành vi vi phạm của cá nhân trong phòng, chống Covid-19:
- Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế (Không đeo khẩu trang nơi công cộng): Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng. (Điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP).
- Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh truyền nhiễm đã được công bố là có dịch: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. (Điểm a khoản 2 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP).
- Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. (Điểm a khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP).
- Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. (Điểm c khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP).
- Không thực hiện yêu cầu kiểm tra và xử lý y tế đối với phương tiện vận tải trước khi ra khỏi vùng có dịch trong tình trạng khẩn cấp về dịch: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. (Điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP).