Dòng tranh dân gian Đông Hồ - Nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam hấp dẫn, độc đáo từ màu sắc đến bố cục và khuôn hình.
Và với những chất liệu hoàn toàn tự nhiên, tranh Đông Hồ có màu sắc gần gũi, ấm áp rất đặc biệt mà có lẽ chỉ riêng Việt Nam mới có.
Tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, đây là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Theo tìm hiểu, trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới.
Với những nét tinh túy riêng và mang đậm những giá trị văn hóa to lớn, tranh tết Đông Hồ bằng những hình ảnh biểu tượng dân dã, gần gũi nhưng lại chứa đựng những thông điệp ẩn ngữ đầy tính nhân văn. Sự phong phú và đa dạng cả về mẫu mã, thể loại, chủ đề, tranh dân gian Đông Hồ phản ánh hầu như tất cả những gì diễn ra trong đời sống bình dị của người lao động như: Chăn trâu thổi sáo, Hứng dừa, Đấu vật, Đánh ghen… cho tới những ước mơ, khát vọng cuộc sống tốt đẹp hơn như Lễ trí, Nhân nghĩa, Vinh hoa, Phú quý, Lợn đàn, Gà đàn… Nét hấp dẫn của tranh dân gian Đông Hồ không chỉ đề cập đến cuộc sống: thóc đầy bồ, gà đầy sân, mong ước vinh hoa phú quý… mà còn đề cập đến cuộc sống lứa đôi, vợ chồng với cái nhìn hóm hỉnh mà sâu sắc.
Về chất liệu và màu sắc:
Nét độc đáo đầu tiên thu hút cảm quan người xem của tranh chính là ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy dùng in tranh là giấy dó được làm từ vỏ cây dó, với đặc tính xốp, mềm, mỏng, dai, dễ hút màu mà khi in không bị nhòe. Trên giấy được quét lên một lớp hồ điệp có nét sáng óng ánh rất đặc thù bằng cách: người ta nghiền nát vỏ con điệp (một loại sò vỏ mỏng ở biển) trộn với hồ (loại bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, có khi là bột sắn), dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó. Với chổi lá thông sẽ tạo thành những đường ganh chạy theo đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng có ánh lấp lánh của những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng, trong quá trình làm giấy điệp có thể pha thêm màu khác vào hồ. Màu sắc được sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như màu đen từ than cây xoan hay than lá tre, màu xanh từ gỉ đồng, lá chàm, màu vàng từ hoa hòe, màu đỏ từ sỏi son, gỗ vang,… Đây là những màu cơ bản, không pha trộn.
Về thể loại, theo nội dung chủ đề, tranh Đông Hồ có thể chia thành 7 loại chính: tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt.
Về qui trình sản xuất tranh có nhiều công đoạn, trong đó có 2 khâu chính gồm: sáng tác mẫu (khắc ván) và in (vẽ tranh). Ở đây có thể thấy mỗi nghệ nhân đòi hỏi có ít nhiều năng khiếu bẩm sinh cũng như kỹ năng lao động cao.
Ván khắc in tranh có 2 loại: ván in nét và ván in màu. Ván in nét được làm từ gỗ thị hoặc gỗ thừng mực. Dụng cụ khắc ván là những mũi đục hay còn gọi là bộ ve làm bằng thép cứng (khoảng 30 - 40 chiếc/bộ).
Các nghệ nhân làng Hồ sáng tác mẫu vẽ tranh bằng tay còn các công đoạn khác thì dùng ván in.
Về giá trị nghệ thuật thì dòng tranh dân gian Đông Hồ mang tính biểu trưng, trang trí nhưng vẫn giữ được nét mộc mạc, dễ hiểu, rất gần với đời sống người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Về nội dung, tranh dân gian Đông Hồ phản ánh sâu sắc đời sống tinh thần, vật chất của con người, xã hội theo quan điểm mỹ học dân gian của người dân vùng này. Những bức tranh nói lên ước mơ ngàn đời của người lao động về một cuộc sống gia đình thuận hòa, ấm no, hạnh phúc và một xã hội công bằng, tốt đẹp.
Ý nghĩa của một số bức tranh dân gian Đông Hồ:
Tranh Gà mẹ và đàn con: nói về tình mẫu tử, tình yêu thương, đùm bọc nhau giữa các thành viên trong gia đình, trách nhiệm của cha mẹ với con cái.
Tranh Đàn lợn âm dương: gắn bó với cuộc sống sinh hoạt bình dân, mong muốn cuộc sống sung túc, an nhàn. Đây chính là chiều sâu của sự cảm nhận về yêu thương, chở che của tình mẫu tử.
Tranh Gà trống và hoa hồng: Gà trống là con vật đại diện cho 5 phẩm chất tốt đẹp: văn, võ, dũng, nhân, tín. Tranh có hàm ý mang đến năm mới cát tường, lộc thọ cho ngày xuân.
Tranh Lí ngư vọng nguyệt (Cá chép trông trăng) ngụ ý về tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên, phấn đấu trong học hành và sự thành đạt.
Tranh Vinh hoa: đem đến cho năm mới ý nguyện hiển đạt với đủ đức hạnh quân tử: nhân, nghĩa, tín, dũng và văn võ song toàn cho người đàn ông trong gia đình.
Tranh Phú quí: với hình ảnh em bé gái ôm vịt đem đến ước nguyện phẩm chất duyên dáng, dịu dàng, trong sáng.
Tranh Mục đồng thổi sáo: cho thấy sự thanh bình an lạc trong cuộc sống nghèo khổ, cơ hàn của trẻ chăn trâu.
Tranh Thầy đồ cóc: Ca ngợi đức tính ham học và tôn sư trọng đạo của người Việt Nam.
Tranh Trê có kiện nhau: bi hài kịch về sự thiếu hiểu biết, ngu dốt của dân đen và phản ánh thói quan tham, tham nhũng của quan lại trong chế độ cũ.
Tranh Vinh Quy bái tổ: Vinh quy bái tổ không chỉ là vinh dự cho vị tân khoa, cho cha mẹ họ hàng, làng xóm mà còn là dịp để tân khoa bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, cha mẹ và người thầy dạy theo đúng đạo lý Việt Nam “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Đây là một truyền thống văn hóa rất đáng quý, đáng trân trọng.
Tranh Đấu vật: đề cao tinh thần thượng võ. Đấu vật là môn võ cổ truyền của Việ Nam xuất hiện từ khi lập quốc và tồn tại gắn liền với hoạt động bảo vệ tổ quốc và lễ hội xuân. Bức tranh nổi tiếng của làng Đông Hồ.
Tranh Đánh ghen: là một trong những tranh sinh hoạt dí dỏm, nhưng mang tính giáo dục rất lớn. Hình ảnh một bà vợ xắn váy xông tới, tay cầm kéo định cắt tóc cô nhân tình. Hình ảnh ông chồng bị bắt quả tang nhưng một tay vẫn đặt lên ngực nhân tình để bảo vệ còn tay kia thì để hòa hoãn với vợ. Đứa bé đang chắp tay van lạy vì sự cư xử của bậc phụ mẫu. Bức tranh như một lời cảnh báo những hành động của cha mẹ sẽ đi sâu vào tâm thức con trẻ tác động rất lớn tới sự hình thành nhân cách sau này. Tranh mang đậm ý nghĩa nhân văn.
Tranh Đám cưới chuột (Chuột vinh qui): thể hiện đậm đà tâm hồn, tính cách thuần hậu, chất phác của người bình dân và cũng giàu chất triết lý dân gian, mang tính nhân văn sâu sắc, ý nhị. Đám cưới chuột bề ngoài là một đám cưới vui vẻ thế phải có cống vật dâng lên mèo. Bức tranh khoác lên vẻ đẹp duyên dáng của tầng lớp xã hội phong kiến thông qua hình tượng các con vật một cách dí dỏm và sâu sắc…
Ngoài những bức tranh dân gian Đông Hồ mang nội dung bình dân với cuộc sống giản dị mà đầy ý nghĩa, còn có những màu sắc tôn quý hơn với những bức tranh tứ quý thể hiện sự sang trọng, cao quý chỉ dùng cho vua chúa, quan lại thời xưa. Ví dụ: Tứ quý, Tứ bình, Tứ quý hạc, Tứ quý tố nữ… mang đậm chất vương giả bởi những hình ảnh tượng trưng cho sự sang trọng, quyền quý, mong ước mọi sự như ý trong một năm mới.
Ngày nay, nghề làm tranh Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ mai một, chỉ còn lại rất ít gia đình duy trì. Theo thống kê gần đây, số lượng nghệ nhân hiện chỉ còn 3 người nhưng chỉ có 2 người còn khả năng truyền dạy đều đã cao tuổi (ông Nguyễn Hữu Sam, ông Nguyễn Đăng Chế).
Hiện tại, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế còn lưu giữ tại nhà Bộ sưu tập các bản khắc cổ có độ tuổi trên dưới 200 năm.
Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hiện đang lưu giữ những bức tranh dân gian Đông Hồ với khoảng 40 bức. Mỗi tranh là một đề tài khác nhau, tranh có kích thước trung bình: dài 35cm, rộng 25cm. Tranh được bảo quản tại kho hiện vật của bảo tàng. (Ảnh 1- 12: Tranh DG Đông Hồ lưu giữ tại BTLSQG).
Nói tóm lại, tranh dân gian Đông Hồ với ngôn ngữ tạo hình đơn giản, dễ hiểu, hình tượng rõ ràng, nói lên tư tưởng, tình cảm và mong ước, khát vọng sống của con người về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Từ những bức tranh dân gian mộc mạc, tươi sáng, các nghệ nhân Đông Hồ đã đưa vào trong tranh những lời hay, ý đẹp, những kinh nghiệm đúc rút qua cuộc sống mà bao đời nay để lại bằng cách thể hiện rất riêng, độc đáo, tinh tế, đầy chất biểu cảm mà sâu sắc.