So sánh đoạn 3 bài thơ vội vàng với 1 tác phẩm văn học khác.
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Trong văn đàn Việt Nam, khi nhắc đến Xuân Diệu người ta thường nghĩ đến một hồn thơ tự do, bay bổng với những điều kì dị, ngỡ ngàng, mới mẻ còn khi nhắc đến nhà thơ Tố Hữu, người đọc lại nghĩ ngay đến những vần thơ chính trị, thời cuộc nhưng đậm chất dân tộc, dễ đi vào lòng người. Khi nói về tư tưởng hòa nhập và khát vọng sống, mỗi nhà thơ lại có những quan điểm và cách thể hiện riêng. Có thể tìm hiểu điều đó qua hai đoạn thơ trong hai bài Vội vàng của Xuân Diệu và Từ ấy của Tố Hữu.
Ở Vội vàng, Xuân Diệu bộc lộ một triết lí sống vội vã, cháy bỏng, cuồng nhiệt với thanh xuân với tuổi trẻ. Nhà thơ cho rằng tuổi trẻ là thời gian tươi đẹp nhất của cuộc đời cũng giống như mùa xuân đến trong đất trời, vạn vật rực rỡ, bung nở. Thế nhưng mùa xuân của đất trời thì vẫn tuần hoàn, xuân qua xuân lại lại còn mùa xuân của đời người thì chỉ có một lần, nếu con người không biết sống hết mình, sống tận hưởng tuổi xuân thì chúng ta đang lãng phí cuộc đời của mình. Hiểu được thực tại ấy, nhà thơ thấy trân quý, khao khát kéo dài thanh xuân của mình, muốn được sống hết mình, được cống hiến, được tận hưởng để cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Nhà thơ đã sử dụng hàng loạt động từ, tính từ mạnh: ôm, riết, say, thâu, chếnh choáng, đã đầy… để bộc lộ tâm trạng và khao khát ấy của bản thân. Ông muốn được sống đúng với bản năng, với khát vọng của mình, được hòa nhập với thiên nhiên đất trời, được thả mình trong đó để tận hưởng và lưu giữ vẻ đẹp của xuân hồng. Nhà thơ đã cảm nhận thiên nhiên cuộc sống bằng vẻ đẹp tươi xanh đầy sức sống nhất của nó, từ đó thúc giục con người hãy sống vội vàng, ý nghĩa hơn với thanh xuân với cuộc đời.
Còn ở bài thơ Từ ấy, đây là tác phẩm được tác giả viết khi ông vinh dự và tự hào được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhà thơ bày tỏ niềm tự hào ấy bằng những ngôn từ và cảm xúc rung động đến bổi hổi và rạo rực. Đồng thời cũng từ đây, nhà thơ ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với nhân dân với đất nước khi đã là một người đảng viên. Nhà thơ buộc mình phải mở lòng, phải hòa nhập với tất cả mọi người, không xa rời quần chúng nhân dân mà luôn gần dân, hiểu dân, gắn bó với dân, giúp dân nói lên nguyện vọng của mình. Người đảng viên là người đại diện cho quyền lợi và tiếng nói của những con người cùng khổ, do đó họ không thể để mình xa cách cao cao tại vị mà phải đặt mình ở trong dân. Nhà thơ tự nhận mình là con, là em, là anh của vạn người, vạn nhà để nhấn mạnh nghĩa vụ và trách nhiệm ấy của mình. Từ nay, cuộc sống của ông hoàn toàn gắn bó chặt chẽ với nhân dân, ông phải trở thành một người tiên phong, dẫn bước, luôn kề cận, sát cánh cùng nhân dân trong con đường đấu tranh cách mạng. Đó là một tư tưởng sống cống hiến, sống hòa nhập rất phù hợp với hoàn cảnh và thời đại của nhà thơ.
Như vậy có thể thấy tư tưởng chủ đạo trong khổ thơ của Xuân Diệu là cách sống hòa mình, hòa nhập với thiên nhiên đất trời, tận hưởng tuổi trẻ sống hết mình, sống ý nghĩa đối với thanh xuân ngắn ngủi. Còn đối với Tố Hữu, đó là tư tưởng sống hòa nhập với con người, gần gũi, gắn bó mật thiết với con người để con người cùng nhau tiến lên. Cả hai tư tưởng này đều rất đúng đắn, nó giáo dục khuyến khích con người hãy biết mở lòng, biết sống hết mình. Dù là có sự khác nhau do bối cảnh và ý nghĩa chủ đề nhưng đây đều là hai tác phẩm xuất sắc nói lên những tư tưởng sáng suốt, có ý nghĩa trong cả tiến trình thời gian và là bài học sâu sắc cho cả thế hệ ngày nay.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |