Hãy viết bài văn nghị luận xã hội về tình mẫu tử
giúp em vs ạ
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Có lẽ rằng niềm hạnh phúc nhất của một người con là được lớn lên bằng lời ru của mẹ:
“ À a à ơi
Trưa hè bên chiếc võng đưa
Mẹ ru con ngủ ơ, ơ giữa trưa bóng tròn
À a à à ơi”
Từng câu hát chẳng biết tự bao giờ thấm vào tâm hồn nuôi, trở thành nguồn sữa mát trong nuôi dưỡng tôi lớn lên từng ngày. Cội nguồn của dòng sữa ấy là tình mẹ, lòng mẹ. Tình mẫu tử là một điều gì đó quá đỗi thiêng liêng và lớn lao, bao bọc tôi trước những giông bão cuộc đời. Những giông bão, mỏi mệt ngoài kia chỉ có thể lùi bước trước tình cảm của một người mẹ.
Tình mẫu tử chính là tình mẹ con, tình cảm đặc biệt của người phụ nữ dành cho đứa con của mình (mẫu: mẹ, tử: con). Chẳng phải ngẫu nhiên mà Bersot nói: “Trong vũ trụ có lắm kì quan, nhưng kì quan đẹp nhất là trái tim người mẹ”. Kì quan ấy thiêng liêng và đáng trân trọng hơn bất cứ kì quan nào. Đây là sự minh chứng tuyệt vời nhất cho sự yêu thương, gắn bó khăng khít giữa mẹ và con. Tấm lòng người mẹ chắc có lẽ rằng không tạo vật nào sánh bằng. Ơn nghĩa mẹ nuôi dưỡng con bằng trời bằng bể mà không gì có thể cân đo đong đếm được.
Đừng kiếm tìm tình mẫu tử trong những điều gì xa xôi hay quá đỗi lớn lao. Ngay đây thôi, nó hiển hiện trong cuộc sống hàng ngày, hàng giờ. Đó là sự vất vả, khó nhọc mẹ mang nặng đẻ đau con suốt chín tháng mười này để con có một hình hài vẹn tròn và đủ đầy; là những đêm mất ngủ bên giường con ốm; những giọt nước mắt mẹ rơi cùng con khi con phạm sai lầm,… Người ta hay nói “ở đời có vay có trả” nhưng riêng với mẹ, mọi sự hi sinh không bao giờ đòi hỏi bất cứ sự đền đáp nào, có chăng chỉ là mẹ mong nhìn thấy nụ cười trên môi con mỗi ngày. Ơn sinh thành dưỡng dục ấy bảo ta làm sao trả hết:
“Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết những lời mẹ ru”
(Nguyễn Duy)
Tình mẫu tử chính là một trong những đạo lí ngàn đời của dân tộc ta, dù thời nào đi chăng nữa thứ tình cảm ấy thật đáng ngưỡng mộ và khắc ghi trong lòng mỗi người con.
Và quả thật, nhìn lại từ xưa đến nay, có biết bao tấm lòng người mẹ làm ta thêm thổn thức. Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ câu chuyện cổ tích sự tích cây vú sữa được nghe kể ngày ấu thơ. Câu chuyện kể về đứa con hư vì bị mẹ mắng mà bỏ nhà đi, khi quay lại nhà mẹ đã mất vì thương nhớ con. Người mẹ hóa thành cây vú sữa. Lá cây một mặt xanh bóng, một mặt đỏ hoe như mắt người mẹ khóc chờ con. Hương vú sữa cũng ngọt ngào tựa dòng sữa mẹ. Thế mới thấy, mẹ sẵn sàng bao dung, vị tha trước những hành vi sai trái của con. Cũng ngược về hơn nửa thế kỉ trước là tấm gương những bà mẹ Việt Nam anh hùng tuy mất hết con ruột trong chiến trận nhưng sẵn sàng nhận và cưu mang những người chiến sĩ khác. Họ sẵn sàng dùng cái chết của bản thân để đảm bảo an toàn cho những “đứa con chiến sĩ” thoát khỏi sự truy lùng ráo riết của giặc. Còn một bông hoa nữa nở giữa đời bình mang tên Đậu Thị Huyền Trâm. Chị mang trong mình sự kiên cường, quyết đoán của chính người chiến sĩ công an nhân dân khi từ chối điều trị hóa chất dù đang ung thư ở giai đoạn cuối để kéo dài sự sống cho đứa con trong bụng. Đó là những tấm gương rõ ràng nhất là lòng mẹ, tình mẹ đang bao bọc lấy từng mảnh đời: “Tình yêu của mẹ dành cho con không giống bất kì điều gì khác trên thế giới. Nó không biết đến luật lệ hay sự thương hại. Nó thách thức tất cả và không khoan nhượng tiêu diệt tất cả những gì cản đường nó.”(Agatha Christie)
Tình mẫu tử giúp vạch ra những con đường đi rõ ràng cho một đứa trẻ bằng tất cả sự dìu dắt và chăm lo của người mẹ. Nó còn là nơi để người con tìm về sau những mệt mỏi, vấp ngã cuộc đời. Bàn tay mẹ tần tảo sớm hôm vẫn ở đấy, sẵn sàng dang rộng đón con về với ấm êm của gia đình, để lại sau cánh cửa ngoài kia là bao bụi trường đeo bám gót chân con. Đến bao giờ lòng con mới thấu được hết công lao ấy:
“Lòng mẹ như bát nước đầy,
Mai này khôn lớn, ơn này tính sao”
Nghĩa mẹ chính là liều thuốc bách bệnh, đánh tan mọi muộn phiền trong con. Sẽ thật là đáng thương cho ai không có cơ hội sống trong tình yêu thương ấy.
Vậy mà vẫn có những “nghịch tử” (đứa con hư) làm bận lòng cha mẹ, bất hiếu, không có thái độ phụng dưỡng cha mẹ khi họ về già. Thử hỏi sợi tóc bạc trên đầu kia là vì ai? Nếp nhăn kéo mất thanh xuân kia là bởi ai? Nhưng cũng lại có những người mẹ không biết trân quý thiên chức cao cả mà tạo hóa ban cho mình mà bỏ rơi con, ra sức hành hạ, đánh đập con:
“Mẹ nuôi con biển bờ lai láng
Con nuôi mẹ kể tháng kể ngày”
Và đáng trách gấp trăm ngàn lần là những kẻ lợi dụng tình mẫu tử để mưu lợi cá nhân: quảng cáo những chương trình, thực phẩm,… đánh vào ước muốn lo cho con của mẹ để chiếm đoạt tiền bạc. Những kẻ đó chắc chắn sẽ không có được sự vẹn đầy yêu thương trong cuộc sống.
Là người con trong xã hội hiện đại, chúng ta càng phải hiểu rõ trách nhiệm bản thân trước tình mẫu tử ấy. Hãy cố gắng tu dưỡng, rèn luyện để đền đáp công ơn cha mẹ: biết giúp đỡ việc gia đình, phấn đấu trong học tập, biết yêu thương người khác,…
Cuộc đời của con chính là những trang nhật kí của người mẹ, nơi mẹ gửi trọn bao vui buồn, bao hi vọng. Tình mẫu tử là mạch nguồn bất tận, không bao giờ vơi cạn. Vậy nên, ai đang được sống trong niềm may mắn đó hãy biết trân trọng từng ngày.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |