Nhật Bản là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc thiếu hụt nguồn nhân lực trong khi lực lượng lao động sẽ phải gồng mình để gánh vác hệ thống thuế và an sinh xã hội.
Khi xã hội đang nhanh chóng “già” đi...
Số liệu được Bộ Thông tin và Nội vụ Nhật Bản đưa ra ngày 17/4 cho thấy, tổng dân số Nhật Bản tính đến ngày 1/10/2011 (bao gồm cả người nước ngoài) là 127,799 triệu người, giảm 0,2% so với một năm trước đó. Với mức suy giảm 259 nghìn người trong năm 2011, đây là mức suy giảm lớn nhất của dân số Nhật Bản kể từ năm 1950 trở lại đây.
Theo ước tính, số người già từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản sẽ chiếm gần 40% tổng dân số vào năm 2060, tăng từ mức 23% vào năm 2010. Đây là một con số thực sự ấn tượng về tình trạng “già hóa” ở đất nước Mặt trời mọc.
Trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3, những người già Nhật Bản đã chi tiêu khoảng 109 nghìn tỷ yên (tương đương 1,4 nghìn tỷ USD), bằng với 44% tổng tiêu dùng nước này. Một thống kê khác cho thấy, năm 2011, lần đầu tiên số lượng tã giấy người lớn mà công ty Unicharm Corp bán ra ở Nhật Bản đã vượt quá số lượng tã trẻ em. Tại nhiều siêu thị, khách hàng có thể cảm nhận rõ ràng sự già hóa dân số của Nhật Bản: các xe đẩy hàng được thiết kế có trọng lượng nhẹ hơn.
Thực tế tại Nhật Bản cho thấy, các công ty đang chạy đua để tạo ra doanh số lớn hơn từ người tiêu dùng hơn 60 tuổi. Và Nhật Bản đang trở thành hình mẫu cho xu hướng một nền kinh tế bán lẻ hiện đại chuyển dịch từ các khách hàng truyền thống là người trẻ sang người già.
Nhật Bản dự báo, dân số nước này sẽ giảm đi 30% vào năm 2060 nếu tỷ lệ sinh không tăng. Tính đến năm 2010, dân số Nhật Bản là 128 triệu người. Vào năm 2060, dân số Nhật Bản dự kiến sẽ chỉ còn 87 triệu người. Trong đó, số người trong lực lượng lao động (trong độ tuổi từ 15 đến 65) sẽ giảm, chiếm khoảng một nửa tổng dân số.
Tỷ lệ sinh con ở phụ nữ tính vào năm 2060 là 1,35 (số con được sinh ra bởi mỗi phụ nữ) giảm so với mức 1,39 năm 2010. Các con số này đều thấp hơn mức 2 con được sinh ra bởi mỗi phụ nữ để tránh suy giảm dân số.
Các chuyên gia cho biết, dân số Nhật Bản sẽ giảm đi khoảng 1 triệu người mỗi năm trong vài thập kỷ tới và nước này cần xem xét lại hệ thống thuế và các chính sách phúc lợi xã hội để đảm bảo an sinh xã hội.
Dân số Nhật Bản giảm trong những năm gần đây do nhiều người trẻ không muốn lập gia đình vì xem đó là gánh nặng đối với cuộc sống và sự nghiệp của họ. Nền kinh tế trì trệ cũng khiến các cặp vợ chồng trẻ không muốn sinh con.
Từ những điều trên có thể thấy, Nhật Bản là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới và tỷ lệ sinh ở mức thấp nhất.
Dân số già - gánh nặng cho nền kinh tế
Trong bối cảnh số người nghỉ hưu và người già ngày một tăng cao, Chính phủ của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda tháng 2 vừa qua đã thông qua đề cương cải cách chế độ an sinh xã hội và thuế nhằm dọn đường cho việc đạt mục tiêu chính sách tăng thuế tiêu dùng.
Chính phủ và Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền đã hoàn tất đề cương vào ngày 6/1 nhằm tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% vào tháng 4/2014 và 10% vào tháng 10/2015. Trong đề cương chính sách này, chính phủ và DPJ cũng cam kết giảm 80 ghế nghị sĩ tại Hạ viện và cắt giảm lương của công chức. Điều này thể hiện quyết tâm của Thủ tướng Noda trong bối cảnh nợ công dài hạn tại Nhật Bản đang ở mức rất cao.
Hiện nay, nước Nhật vẫn còn đủ khả năng tài chính để trả nợ công, nhưng với tình trạng dân số bị lão hóa ngày càng nhanh, từ nay cho đến hai, ba năm nữa thì tình hình sẽ khác.
Dân số Nhật Bản đang già hóa với tốc độ không ngờ. Nếu mọi việc cứ diễn ra như hiện nay thì Nhật Bản khó có thể tránh khỏi vỡ nợ. Đó là nguyên nhân vì sao ông Noda quyết định tăng thuế tiêu dùng lên 8% vào năm 2014 và 10% vào tháng 10/2015.
Đối với người cao tuổi, lương hưu là nguồn thu nhập chính. Số liệu do Viện nghiên cứu Dân số và an sinh xã hội quốc gia Nhật Bản năm 2003 cho thấy: Năm 1985, chi phí an sinh xã hội của Nhật Bản là gần 35.780 tỷ yên, chiếm 13,71% thu nhập quốc dân. Trong đó, chi phí về lương hưu cho người cao tuổi chiếm 6,49%. Năm 1995, chi phí an sinh xã hội tăng lên đạt hơn 64.730 tỷ yên, chiếm 17,09% thu nhập quốc gia, chi phí lương hưu chiếm 8,84% trong chi phí an sinh xã hội, tăng 136% so với năm 1985. Năm 2001, Nhật Bản dành 81.400 tỷ yên cho chi phí an sinh xã hội, chiếm 22% trong thu nhập quốc dân. Chi phí về lương hưu chiếm 11,50% trong chi phí an sinh xã hội, tăng 130% so với năm 1995.
Như vậy, qua việc trợ cấp lương hưu cho người cao tuổi, có thể thấy, Chính phủ Nhật Bản đã làm khá tốt vấn đề an sinh xã hội. Song gánh nặng đối với nền kinh tế Nhật Bản là điều ai cũng có thể nhận thấy, nhất là sau thảm họa động đất sóng thần tháng 3/2011 đã làm thiệt hại nặng nề nền kinh tế nước này.
Và đặt ra nhiều thách thức đối với vấn đề nguồn nhân lực
Các chuyên gia cho biết, dân số Nhật Bản sẽ giảm đi khoảng 1 triệu người mỗi năm trong vài thập kỷ tới và nước này cần xem xét lại hệ thống thuế và các chính sách phúc lợi xã hội để bảo đảm an sinh xã hội. Việc điều chỉnh thị trường lao động như tăng tuổi nghỉ hưu, nhằm tăng số lao động lớn tuổi trong lực lượng lao động cũng có ý nghĩa rất quan trọng trước tình trạng già hóa dân số và lực lượng lao động.