Rồng hay còn gọi là Long (tiếng Trung giản thể: 龙; tiếng Trung phồn thể 龍) là một loài vật xuất hiện trong thần thoại phương Đông và phương Tây. Trong kinh Phật, Rồng là một trong tám bộ Thiên Long, cả phương Đông và phương Tây, hình ảnh loài rồng đều được biểu thị cho loài linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường. Nhưng ở phương Tây cũng có nhiều người cho rằng, Rồng chỉ đơn thuần là loài Khủng Long có thực, chứ không có nghĩa là linh vật giả tưởng. Rồng ở các nước châu Á có nhiều khác biệt với rồng ở các nước châu Âu và châu Mỹ. Tại một số nước châu Á, rồng được mô tả có mình rắn, vảy cá, bờm sư tử, sừng hươu, không có cánh nhưng biết bay, trong khi rồng ở châu Âu được mô tả giống như một con thằn lằn khổng lồ, có cánh như dơi và biết phun lửa. Đa số các nước châu Á coi rồng là con vật linh thiêng trong khi các nước châu Âu lại coi rồng là biểu tượng của cái ác và sự hung dữ. Tại Trung Quốc và các nước lân cận khác, rồng là một trong bốn linh vật mà Lễ Ký 禮記 (thiên Lễ Vận 禮運) chép: "Long, lân, quy, phụng vị chi tứ linh" (Rồng, kỳ lân, rùa, phượng hoàng gọi là tứ linh). Bốn linh vật này chỉ có rùa là có thực. Loài rồng châu Phi là một trong những loại rồng không được biết đến nhiều như rồng châu Âu hay rồng phương Đông. Trên thực tế, hầu hết những con rồng này thậm chí không được công nhận hoặc nghĩ là rồng. Hầu hết những con rồng châu Phi giống như con rắn lớn hoặc rắn khổng lồ, đôi khi chỉ sở hữu hai chân, nếu có. Những con rồng giống như con rắn này đã được nhìn thấy nhiều lần trên khắp văn hóa châu Phi, bao gồm văn hóa dân gian, tôn giáo, thần thoại và các câu chuyện bộ lạc. Những câu chuyện về những con rồng này đã được tìm thấy ở các bộ lạc, thành phố và thị trấn trên khắp châu Phi bao gồm cả Ai Cập.