Một trong những đạo lý truyền thống của ông cha ta từ xưa đến nay đó chính là tinh thần tương thân tương ái, sẻ chia trong cuộc sống. Đó là thứ tinh thần cao quý, có thể giúp con người ta vượt qua bất kỳ khó khăn, thử thách nào. Điều này đã được ông cha ta đúc rút qua câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”.
Qua câu tục ngữ trên, ông cha ta muốn gửi gắn đến con cháu muôn đời bức thông điệp gì? “Lá” ở đây là hình ảnh mang tính biểu tượng. “Lá lành” là tượng trưng cho những cuộc sống đầy đủ, ấm no,hạnh phúc, trong khi đó, “lá rách” lại tượng trưng cho những mảnh đời bất hạnh, thiếu thốn, đau khổ trong cuộc sống . “Đùm” là động từ mang nghĩa đùm bọc, sẻ chia, giúp đỡ. Như vậy, với câu tục ngữ ngắn gọn và sâu sắc, ông cha ta đã khuyên nhủ con cháu muôn đời bài học về cách chia sẻ, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa người với người trong cuộc đời.
Đây là một quan niệm hoàn toàn hợp lý và có ý nghĩa. Thật vậy, con người sinh ra trong cuộc đời không phải ai cũng có cho mình một cuộc sống như mình mong muốn. Có những người khi sinh ra đã bị tật nguyền, mặc những căn bệnh bẩm sinh, hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, mất mát,..Cũng trong khi đó, có những người sinh ra đã có một cuộc sống trọn vẹn, hạnh phúc. Mà một xã hội có ý nghĩa, để phát triển được, thì xã hội ấy cần có sự sẻ chia, sẻ chia giữa những người giàu và nghèo, đầy đủ và khó khăn, Một sự giúp đỡ lúc hoạn nạn, nghịch cảnh cũng giống như một ngọn lửa ấm áp sưởi ấm tâm hồn lạnh giá, tan vỡ của một trái tim đang chứa đầy khổ đau. Dù chỉ nhỏ hay là lớn, nhưng nó cũng đáng quý và đáng trân trọng vô cùng. Bác Hồ trong nạn đói năm 1945 đã kêu gọi nhân dân góp gạo cứu đồng bào với khẩu hiệu “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, người dân trên khắp mọi miền đất nước góp gạo nuôi chiến sĩ, bộ đội. Ngày nay, sự sẻ chia, tương thân tương ái cũng được thể hiện rất rõ, ngày càng nhiều những tổ chức từ thiện, những tấm lòng hảo tâm đứng lên kêu gọi quyên góp để giúp đỡ những mảnh đời khó khăn trong cuộc sống. Ngọn lửa của trái tim nhân ái như được lan ra với toàn dân tộc.