Người có nhà hai tầng ngó sang hàng xóm, nơi người ta dang lên tầng ba, tầng bốn thì nói với nhau, chỉ người nhà nói với nhau thôi : "Trông lên tới ... trông xuống còn khối người thua nhà mình”. Có người mới sắm thêm được một tài sản nào đó có giá trị thì cũng xoa tay nhắc với vợ con câu nói trên với mềm tự hào, sung sướng. Người nông dân mới sắm được con trâu hoặc bấy lâu nay thiếu ăn nay có đủ ăn, họ "nhìn lên" rồi "nhìn xuống" và rồi họ cũng tự bằng lòng với mình. Ai dám nói rằng niềm vui của nông dân thua kém niềm vui của cán bộ, của những người buôn bán.Thời còn bao cấp, khi mà đời sống của tuyệt đại đa số người dân còn vất vả, kham khổ, chưa có sự chênh lệnh lớn trong thu nhập, chưa có khoảng cách lớn về giầu nghèo thì người ta ít nói đến câu này. Nó bỗng được nhắc đến nhiều từ khi được phép bung ra làm ăn, người ta có điều kiện bộc lộ và phát huy hết khả năng của mình để kiếm tiền. Người có vốn với khả năng kinh doanh và nhạy bén trong thương trường thì làm giàu nhanh chóng. Người không có vốn thì tìm cách xoay xở, vay mượn... Người có sức lao động cũng trầy trật, họ chắt bóp, tiết kiệm rồi cuối cùng gây dựng nên được cơ ngơi kha khá. Cũng có những người do một vận may nào đó, vận may "trời cho" mà giàu lên. Một số người giàu lên do địa vị và công việc mang lại. Họ có nhiều bổng lộc, nhiều "phần trăm". Có người nhờ mánh mung, chớp giật, hoặc ăn của đút lót. Người rút tiền Nhà nước. Người thì buôn hàng quốc cấm, buôn hàng trốn thuế... Tuy nhiên, bên cạnh những người vừa nói thì có một lớp người giàu lên được do làm ăn chân chính. Họ đưa vốn, lao động và chất xám của mình ra để làm giàu. Ngày nay, trong xã hội ta đã có kẻ giàu, người nghèo với nhiều cung bậc khác nhau. Xã hội càng phát triển thì sự chênh lệch giàu nghèo càng lớn. Đó cũng là quy luật của sự phát triển. Nếu đem so sánh về mặt tài sản giữa người giàu nhất và người nghèo nhất ở nước ta, tuy nước ta chưa phải là nước giàu, thì cũng đã là một trời một vực. Cũng may là người nghèo ta vẫn lấy câu "trông lên... trông xuống không ai bằng mình" để tự an ủi. Ai cũng có thể dùng được câu nói đó, chỉ trừ "cận trên" tức là người giàu nhất và "cận dưới", tức là những người nhìn xuống chẳng thấy còn ai nữa, là không.
Thời nào cũng vậy, đối với những người chí thú làm ăn, tức là họ phải có chí, cần cù, tiết kiệm và có kế hoạch... thì có thể không giàu lên nhưng họ sẽ vượt ra khỏi cảnh nghèo. Còn với những ai "bóc ngắn cắn dài", ăn tiêu không có kế hoạch, được đồng nào xào đồng ấy thì khó mà “ngẩng mặt lên" được.
Với những ngươi này có đi vay người ta cũng ngại cho vay bởi vì "tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống". Những người này là những người nghèo, nghèo lâu dài. Lại còn một lớp người nữa, lớp người này do hoàn cảnh éo le như không có sức lao động, sức khỏe nay ốm mai đau hoặc hậu quả do chiến tranh ... Họ thật đáng thương và đáng được xã hội quan tâm giúp đỡ.
Với mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", Đảng ta đã có chủ trương "xóa đói giảm nghèo". Dự án này đã đưa rất nhiều gia đình thoát khỏi cảnh đói nghèo. Cuộc sống của người dân đã có sự thay đổi sâu sắc, chất lượng được nâng lên rõ rệt. Nhìn chung, người nghèo ngày nay đã khác xa người nghèo ngày trước cả về chất lượng cuộc sống lẫn tài sản sở hữu. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn rất nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Nhân dân ta gần một thế kỷ nay theo Đảng, đến nay, khi hòa bình đã ngót ba mươi năm mà vân còn những người cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc là một điều rất đau lòng. Để công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt kết quả hơn nữa, thiết nghĩ ngoài việc tăng cường vốn cho vay, tạo công ăn việc làm, cần đẩy mạnh hơn nữa việc chống tiêu cực, sao cho "dòng chảy" của những đồng tiền "bất chính” bớt vào "chỗ trũng", giảm bớt khoảng cách giàu nghèo "không đáng có".
Xã hội ta chấp nhận có kẻ giàu, người nghèo. Điều đó có nghĩa rằng câu nói: "Trông lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống cũng chẳng ai bằng mình" vẫn còn được nhắc đến. Nhưng làm sao để người ta còn có thế hy vọng khi nhìn lên.