hân việc Trung Quốc đang lăm le công bố “Vùng nhận diện phòng không” trái phép trên Biển Đông bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và phần lớn vùng trời Biển Đông. Chúng ta cùng nhau ôn lại sự kiện lịch sử “ông anh Hai” trong phe XHCN đã “tư vấn” (thực chất là ép) Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến “tạm thời” chia cắt đất nước ta trong suốt hai thập kỷ đau thương.
Phía nam vĩ tuyến 17 do chế độ Ngụy quyền chiếm giữ.
Theo tài liệu lịch sử: Khu phi quân sự vĩ tuyến 17 (được biết nhiều trên trường quốc tế với tên gọi Khu phi quân sự Việt Nam. Tiếng Anh: Vietnamese Demilitarized Zone - V-DMZ) được lập ra theo Hiệp định Genève về Đông Dương năm 1954, với mục đích ban đầu là một giới tuyến quân sự tạm thời, ngăn vùng tập kết giữa một bên là các lực lượng quân sự của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với bên kia là quân đội Pháp và các lực lượng đồng minh. Về nguyên tắc, khu phi quân sự này rộng 1,6 km (một dặm Anh) về mỗi phía tính từ bờ sông Bến Hải, bắt đầu từ biên giới Việt Nam – Lào cho đến bờ biển Đông. Dự kiến, đường giới tuyến tạm thời sẽ bị xóa bỏ khi hai miền Nam - Bắc Việt Nam tiến hành cuộc Tổng tuyển cử 2 năm sau đó. Tuy nhiên, do các mưu đồ và hành vi xâm lược của Pháp và sau đó là Mỹ, vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự trên thực tế đã trở thành một biên giới chia cắt đất nước Việt Nam suốt hai thập niên (1955- 1975). Mãi đến ngày 3 tháng 7 năm 1976, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất họp phiên đầu tiên, đã chính thức xóa bỏ sự tồn tại của khu phi quân sự vĩ tuyến 17.
Phía nam cầu Hiền Lương.
Ap-phích phim.
Chuyện đàm phán về ngừng bắn, lập lại hòa bình ở Việt Nam và trên toàn bộ bán đảo Đông Dương (gồm Việt Nam - Lào - Campuchia) năm 1954, trong đó có việc phân định vùng phi quân sự làm “vùng đệm” nhằm ngăn cách lực lượng quân đội các bên tham chiến ở chiến trường là một câu chuyện dài, mấy chục năm trước đây là thuộc loại TUYỆT MẬT quốc gia, không được phổ biến. Đến nay, thời gian đã có độ lùi hơn nửa thế kỷ và hoàn cảnh lịch sử đã cho phép chúng ta tiếp cận những thông tin về chiến tranh Đông Dương qua nhiều nguồn sử liệu. Vì thế, mà nhiều người quan tâm đến việc phân định khu phi quân sự (V-DMZ) ở Việt Nam trên bàn đàm phán về Hiệp định Gienève năm 1954 hoàn toàn có thể tìm được lời giải của một trong những bí mật quan trọng nhất của chiến tranh Đông Dương.
Hội nghị Giơnève 1954 về Đông Dương là một hội nghị quốc tế với sự tham gia của 9 bên là Pháp, Mỹ, chính phủ Quốc gia Việt Nam thân Pháp, chính phủ Vương quốc Lào, Liên Xô, Trung Quốc, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, lực lượng Pathet Lào, lực lượng kháng chiến Campuchia (trong đó các nước Lào, Campuchia không được dự đàm phán trực tiếp). Các nước lớn đến Hội nghị để giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương với những động cơ không giống nhau, bao gồm những mục đích riêng và cả những toan tính cho một ván cờ mới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một hội nghị quốc tế với sự tham dự của nhiều cường quốc đã công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào và Campuchia là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Nhìn chung, các nước châu Á, kể cả Trung Quốc, khi tới hội nghị này không được coi là có vai trò bình đẳng với các nước phương Tây. Tại Hội nghị Gienève năm 1954, lập trường của Việt Nam là đi tới một giải pháp hoàn chỉnh: đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương, đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, vấn đề Lào và vấn đề Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.
Đối với những người lãnh đạo Trung Quốc (Lục địa), Hội nghị Gienève năm 1954 về Việt Nam và Đông Dương là một cơ hội để họ cùng với các nước lớn bàn bạc và giải quyết các vấn đề quốc tế lớn, mặc dù Mỹ đang thù địch với Trung Quốc, Pháp chưa có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và nước Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch còn giữ vị trí của Trung Quốc là một trong năm Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Những người lãnh đạo Trung Quốc (Lục địa) muốn chấm dứt cuộc chiến tranh Đông Dương bằng một giải pháp theo kiểu Triều Tiên, nghĩa là đình chỉ chiến sự mà không có giải pháp chính trị. Hai miền Nam – Bắc của Triều Tiên cũng bị chia cắt tại Vĩ tuyến 38. Với một giải pháp như thế, những người cầm quyền Trung Quốc hy vọng tạo được một khu đệm ở Đông Nam châu Á, ngăn chặn Mỹ vào thay thế Pháp ở Đông Dương, tránh được sự đụng đầu trực tiếp với Mỹ, bảo đảm an ninh cho biên giới phía Nam của Trung Quốc, đồng thời hạn chế thắng lợi của Việt Nam, chia rẽ nhân dân ba nước Đông Dương, hòng làm suy yếu và thôn tính ba nước đó, phục vụ âm mưu bành trướng xuống Đông Nam châu Á trong tương lai.
Hội nghị Gienève đã diễn ra rất phức tạp trong sự đấu tranh quyết liệt của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và những cuộc hội đàm gây áp lực và dàn xếp của các nước lớn.
Sau ba tháng đấu tranh căng thẳng, tới đầu tháng 7 năm 1954, tiếng súng thắng trận của Quân đội nhân dân Việt Nam ở chiến trường Điện Biên Phủ vọng sang tận Gienève đã góp phần quan trọng để Hội nghị về đình chiến, lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương đi vào hồi kết. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Gienève về lập lại hòa bình ở Việt Nam và Đông Dương được ký kết, đáp ứng nguyện vọng hoà bình của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới. Cùng với những giá trị được khẳng định, do mưu toan của một số nước lớn, Hội nghị Gienève cũng còn một số điểm chưa thể đáp ứng được theo ý định của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của nhân dân ta khi đó. Điều đặc biệt đáng nói trong nội dung của Hiệp định là điều khoản xác định ranh giới khu phi quân sự tạm thời ở Việt Nam không phải vĩ tuyến 13 (Tuy Hòa- Phú Yên), hay 16 (Đà Nẵng) theo thế và lực của Chính phủ kháng chiến khi đó và phương án đấu tranh của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà là vĩ tuyến 17 (Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), trùng hợp với ý đồ của nhà cầm quyền Bắc Kinh và chính phủ Cộng hòa Pháp. Trước sức ép quyết liệt của chính “đồng chí” nước lớn phía Bắc, một đồng minh quan trọng của chúng ta trong cuộc chiến tranh giải phóng, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa buộc phải bỏ lại toàn bộ vùng giải phóng khu V và nhiều vùng tự do phía Nam vĩ tuyến 17 làm vùng tập kết, chuyển quân cho Pháp. Ở Lào, lực lượng kháng chiến chỉ được một vùng tập kết gồm hai tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ. Lực lượng kháng chiến Campuchia phải giải giáp quân đội tại chỗ. Thời hạn Tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam không phải là 6 tháng như phương án của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề xuất, mà là thời hạn 2 năm.
Việc thi hành Hiệp định Gienève, trên thực tế chỉ được thực hiện một phần: chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; tập kết, chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định. Việc Tổng tuyển cử thống nhất nước Việt Nam đã không thể thực hiện do chính sách can thiệp và xâm lược của Hoa Kỳ. Do vậy, cuộc chiến tranh để thực hiện thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam cũng bắt đầu và tiếp diễn suốt hai thập kỷ sau đó.
Rõ ràng là Hiệp định Gienève chưa phản ánh đầy đủ thắng lợi của nhân dân Việt Nam nói riêng, nhân dân ba nước Đông Dương nói chung trên chiến trường và xu thế của cuộc chiến tranh. Trong phiên họp cuối cùng tại Hội nghị, ông Phạm Văn Đồng - Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã hướng về đồng bào của mình nói những lời đầy tâm huyết và mang tính dự báo: “Nhân dân Việt Nam! Đồng bào miền Nam! Thắng lợi thuộc về chúng ta! Độc lập và thống nhất Tổ quốc chúng ta là ở trong tay chúng ta. Những người yêu chuộng hoà bình và công lý trên toàn thế giới đều đồng tình với chúng ta. Đồng bào hãy nhớ lấy lời Hồ Chủ tịch: “Cuộc đấu tranh phải gian khổ, nhưng cuối cùng chúng ta nhất định thắng”.
Tại Hội thảo quốc tế Chiến thắng Điện Biên Phủ - 50 năm nhìn lại (4-2004), nữ luật gia người Pháp (Laury Anne Bellessa) nhận xét: “Nếu chúng ta đi sâu vào chi tiết các cuộc thương lượng, chúng ta sẽ nhận thấy rằng, các điều khoản của Hiệp định chỉ để nhằm làm thoả mãn các cường quốc… Vì muốn bảo vệ quyền lợi của mình ở khu vực Đông Nam Á, mà các cường quốc đã tự quy định phần lớn các điều khoản trong Hiệp định, không cần tính đến phản ứng của các nước Đông Dương. Không còn sự lựa chọn nào khác, các nước Đông Dương phải nhượng bộ trước các áp lực rất lớn này… Thắng lợi trên thực địa, nhưng tại bàn Hội nghị, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không thể khai thác được thế mạnh quân sự của mình”. Còn Hugues Tertrais, giáo sư Đại học Pentéon Sorbone Paris 1, khẳng định: “Năm 1954, chiến thắng của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã phần nào bị ngăn trở do sức nặng của thời kỳ “hoà hoãn đôi bên”. Tuy có chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam đã tham gia vào nhóm các đất nước bị chia cắt - Triều Tiên và Đức là những nước bị chia cắt trầm trọng. Quả thực Việt Nam trở lại với hiện trạng xưa (statu quo ante), hiện trạng của năm 1945: Việt Nam và cả Đông Dương đã từng bị chia cắt ở vĩ tuyến 16; năm 1954, sau một cuộc đàm phán ngắn ngủi, Việt Nam lại bị phân chia mà giới tuyến là vĩ tuyến 17”.
Ngày nay, bất cứ một người Việt Nam nào đi xuyên Việt bằng đường bộ, khi đi qua mảnh đất Vĩnh Linh anh hùng, hãy dành chút thời gian ngắm nhìn cây cầu Hiền Lương nằm vắt ngang dòng sông Bến Hải hiền hòa. Nơi đây là vùng phi quân sự được vạch ra trên bàn đàm phán Hội nghị Gienève 1954 và đã trở thành giới tuyến chia cắt hai miền Nam - Bắc của Tổ quốc suốt hai thập niên máu lửa