Âm nhạc là sự biểu cảm của tâm hồn. Và âm nhạc phải được nuôi dưỡng, sáng tạo và thưởng thức bằng trái tim. Ngôn từ của trái tim quá ư gần gũi, giản đơn, nhưng trí năng chẳng thể nào với tới. Ngôn ngữ ấy vượt lên khỏi ngôn ngữ thông thường mang tính kỳ thị phân biệt. Nếu để bàn tay của trí năng chạm vào, chúng sẽ giết dần khả năng rung cảm của con tim. Rồi tất cả sẽ trở nên ngụi lạnh và tắt lịm. Nếu để con tim tự do biểu đạt, mọi thứ sẽ trở nên thật hơn, đẹp hơn và sinh động hơn.
Đôi khi ta thưởng thức âm nhạc bằng cảm tính. Tức đồng nghĩa với sự lệ thuộc, thiếu không gian cho con tim. “Cảm tính” là gì vậy? Nói đơn giản là cảm thấy thích mà chẳng biết rõ lý do. Nghe một ca khúc ta có thể thích chất giọng người thể hiện hoặc ca từ hay giai điệu. Có một cái gì đó mơ hồ và dường như có sự tác động qua lại không rõ ràng. Tại sao ta thích nhạc êm dịu mà không thích nhạc sôi động? Tại sao ta thích nhạc Rock mà không thích nhạc thính phòng? Nó dường như được quy định sẵn. Ta thường hay nghĩ thế. Ta tiếp tục để cho cái “được quy định sẵn” làm mờ đôi mắt của con tim. Ta bị lôi vào thế giới mờ ảo của quá khứ ngay từ phút ban đầu cất lên giai điệu hay ca từ. Chẳng có gì là định mệnh. Vì sự sống là một dòng chảy. Định mệnh chỉ dành cho người yếu ớt còn với người dũng cảm thì không. Ta thử làm một thí nghiệm nhỏ. Giả sử, tôi rất thích dòng nhạc đồng quê. Tôi đến và sống trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với với dòng nhạc sôi động. Ban đầu, tôi có thể hơi khó chịu, nhưng dần sự phản kháng ấy yếu đi. Và hôm nọ, một ý nghĩ chợt xuất hiện trong tôi: “Dòng nhạc này cũng hay đấy chứ”. Bạn thấy đấy, tùy vào mình cả. Ai trước kia là người thích nhạc đồng quê? Và bây giờ, ai là người có cảm tình với dòng nhạc sôi động? Bạn có thể chủ động được. Cho con tim cơ hội hay đánh mất cơ hội thể hiện của con tim đều tùy thuộc vào bạn.