Nguyễn Xuân Ôn (1825 – 1889), hiệu Ngọc Đường, Hiến Đình, Lương Giang nhân dân thường gọi ông là Nghè
Ôn; là quan nhà
Nguyễn và là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở Nghệ - Tĩnh (Việt Nam) hồi cuối thế kỷ 19.
Thân thế và sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]
Nguyễn Xuân Ôn sinh ngày 23 tháng 3 năm Ất Dậu (10 tháng 5 năm 1825) tại làng Quần Phương, xã Lương Điền, tổng Thái Xá, huyện Đông Thành (nay thuộc xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu), tỉnh Nghệ An.
Từ nhỏ, vốn thông minh ham học, nhưng vì ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, mẹ mất sớm[1] phải đến ở với bà nội, nên đi học muộn.
Năm Giáp Thìn (1844), ông đỗ tú tài lúc 18 tuổi, nhưng rồi lận đận mãi đến năm 42 tuổi, ông mới đỗ Cử nhân khoa Đinh Mão (1867), và bốn năm sau, ông mới đỗ Tiến sĩ khoa Tân Mùi (1871) cùng khoa với Nguyễn Khuyến và Phó bảng Lê Doãn Nhã, người bạn đồng hương sau này cộng tác đắc lực với ông trong cuộc khởi nghĩa.
Làm quan nhà Nguyễn[sửa | sửa mã nguồn]
Bước đầu ra làm quan, Nguyễn Xuân Ôn làm việc ở Viện Hàn lâm (Huế) ba năm với chân Biên tu, rồi được bổ làm Tri phủ Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình). Đến đây, biết có lệ bắt dân phải nạp gạo củi hàng tháng, ông liền đòi gửi sớ về kinh hạch tội khiến các viên quan cai trị địa phương phải vội vàng bỏ lệ đó.
Một lần, vì bắt tội một giáo sĩ người Pháp (ông này đã dùng lọng vàng [màu chỉ dành riêng cho nhà vua] trong lúc đi giảng đạo), ông bị vua Tự Đức (khi ấy đang có chủ trương hòa nghị với thực dân Pháp), đổi làm Đốc học tỉnh Bình Định. Mến tiếc viên quan cương trực, thanh liêm, nhân dân phủ Quảng Ninh đã ba lần làm đơn xin lưu ông lại mà không được. Ở Bình Định một thời gian, ông vào Huế giữ chức Ngự sử rồi Biện lý bộ Hình.
Chứng kiến cảnh các quan lại bất tài ở kinh, chỉ chuyên lo tranh giành quyền lợi, Nguyễn Xuân Ôn lại lên tiếng phê phán, thì bị họ tìm cách đẩy ông vào làm Án sát tỉnh Bình Thuận, là nơi tiếp giáp với đất Nam Kỳ, khi ấy đã bị quân Pháp chiếm đóng. Nhận thấy ông ghét thực dân Pháp quá, sợ sẽ xảy ra việc lôi thôi nên triều đình lại đổi ông làm Án sát Quảng Ngãi.
Năm Kỷ Mão (1879), Nguyễn Xuân Ôn lại gửi tấu sớ về kinh, trình bày mọi điều lợi hại thời bấy giờ (nhấn mạnh việc nên chọn những người có dũng lược để làm rường cột).
Năm Nhâm Ngọ, Tự Đức thứ 35 (1882), ông lại gửi tấu sớ xin được đi kinh ký miền thượng du, để chọn nơi lập đồn điền và sơn phòng. Cũng trong năm ấy, nghe tin thành Hà Nội thất thủ lần thứ hai, khi này Nguyễn Xuân Ôn đã đổi về làm Án sát Quảng Bình, liền bài tâu xin được về quê nhà để tập hợp tráng đinh chống Pháp và động viên tinh thần của nhân dân.
Năm 1883, ông lại làm bài tâu điều trần các việc nên làm, gồm 4 việc: xin hợp các tỉnh nhỏ thành trấn lớn, xin dời các tỉnh thành, xin bớt tiêu dùng để sung vào quân nhu, xin dứt việc hòa hảo với Pháp để khích lệ lòng người. Cũng trong năm này, trước khi bị sa thải, ông còn gửi thêm về triều bài tâu xin đình hoãn án kiện và trù tính thời sự.
Nhìn chung, đa phần các tấu sớ của ông đều phản đối chủ trương hòa nghị và trình bày những phương cách, như: chọn lựa người hiền tài giao phó việc, chấn chỉnh võ bị, lập đồn điền và sơn phòng, khuyến khích việc cày cấy, bớt việc tiêu dùng xa xỉ...Buồn vì các tấu sớ của mình cứ bị triều đình làm ngơ, bản thân mình lại bị cách chức (1883), nên khi về đến quê nhà, Nguyễn Xuân Ôn liền tự mình tổ chức việc chống Pháp.