Sáng hôm ấy trời lạnh. Chúng em đến trường dự tiết học của cô giáo dạy Văn, tiết học dự “Hội thi giáo viên dạy giỏi”. Chúng em bước vào phòng học mà trong lòng xiết bao hồi hộp. Nhưng khi cô cất tiếng giảng, sự hồi hộp tan biến đâu mất. Cô giảng thật hay, cuốn hút chúng em vào cuộc sống của Dế Mèn trong những ngày đầu đời. Rồi qua cách kể gọn gàng và hấp dẫn của một bạn, em say sưa theo dõi cuộc sống lao động và vui chơi, ca hát của lũ côn trùng bé nhỏ này. Còn chú Dế Mèn của chúng ta thật cường tráng, đáng yêu cho đến khi gây ra cái chết đáng thương cho Dế Choắt
Sau những phút đi vào cuộc sống của Dế Mèn, cô lại đưa chúng em trở về với tiết học bằng nhiều câu hỏi để chúng em tìm hiểu văn bản. Những câu hỏi của cô buộc chúng em phải suy nghĩ thực sự. Em rất thú vị khi cô hỏi:
– Em suy nghĩ gì về ý nghĩ của Dế Mèn khi ngồi dưới hang nghe chị Cốc mổ Choắt?
– Lời trăng trối của Dế Choắt giúp em có nhìn nhận mới gì đối với nhân vật này?
– Em có cử chỉ, hành động nào tỏ ra giống Dế Mèn không?
Mỗi câu hỏi đặt ra, trán bạn nào cũng nhăn lại để suy nghĩ, sau đó là một loạt cánh tay nhỏ nhắn giơ lên. Chúng em bày tỏ ý kiến, cảm nghĩ của mình về tác phẩm, về các nhân vật. Chúng em đều không thích sự khôn vặt của Mèn. Một bạn trai nói:
– Lúc Mèn bày trò chơi nguy hiểm này, em cứ tưởng chú ta rất anh hùng. Bây giờ thấy chú ta rúm ró dưới hang với ý nghĩ ấy, em nghĩ chú ta thật đớn hèn.
Câu hỏi thứ hai có vẻ ý kiến của các bạn hơi trái nhau: có bạn phàn nàn sao Dế Choắt nhút nhát quá thế, có ban thương Dế Choắt ốm yếu, có bạn khâm phục Choắt tuy ốm yếu nhưng rất rộng lượng và sâu sắc. Trong tiết học cũng có nhiều bạn trả lời câu hỏi sai, nhưng những ý kiến đó đã góp phần làm cho tiết học thêm phần lí thú. Hoàng Anh thì nói rằng mình thích được sống một cuộc đời tự lập như Dế Mèn. Một số bạn trai thì thấy mình giống Dế Mèn hay chơi những trò dại dột. Cả lớp “khoái chí” ồ lên khi nghe Liên Phương thú nhận bàn giống Mèn ở chỗ hay “vòi vĩnh” mẹ. Cô giáo bật cười hỏi lại: “Em vòi vĩnh mẹ trong những trường hợp nào?”. Vừa ngượng nghịu, Liên Phương vừa thú thật đã luôn vòi vĩnh mẹ khi được điểm cao. Cả lớp cười ồ, còn cô thì vui vẻ! “Nếu cô là mẹ em thì cô cũng rất vui lòng được em vòi vĩnh như thế?”
Suốt tiết học cô luôn lắng nghe chúng em nói, không ép buộc chúng em vào ý kiến của mình, cô khai thác sâu thêm những ý hay của chúng em. Cả lớp tìm hiểu xong văn bản, cô cho chúng em trình bày những suy nghĩ mới mẻ sau khi học. Chúng em ai cũng đều hiểu rõ hơn về Dế Mèn: Chú ta tuy có lỗi lầm, nhưng biết hối hận để rút ra bài học quý báu cho chính mình. Riêng Liên Phương lại một lần nữa có một ý kiến thật độc đáo và ngộ nghĩnh:
– Em muốn được gặp bác Tô Hoài để xem bác như thế nào mà bác viết truyện giỏi thế? Và để học bác kinh nghiệm bắt dế! Cả lớp, cô giáo và các bác dự giờ đều cười ồ lên. Cô nói chính cô cũng chưa một lần gặp bác Tô Hoài mà chỉ được biết bác qua anh và cô cho chúng em xem ảnh bác Tô Hoài được phóng to. Khuôn mặt bạc trông thật hiền hậu. Đôi mắt bác ánh lên những tia vui tươi, hóm hỉnh.
Cả lớp lại vui vẻ và xúc động khi cô phân vai cho một số bạn đọc lại văn bản. Ai cũng cố đọc cho phù hợp với nhân vật của mình.
Em rất muốn được học nhiều giờ Văn hấp dẫn và bổ ích như tiết Văn này. Em coi giờ Văn là người bạn tâm tình vì nó luôn chia sẻ vui buồn với em và mách bảo em nhiều điều thấm thía về cuộc sống quanh em.