Ở quê tôi, ai đi xa trở về có lẽ cũng sẽ nhớ về cây bàng ở đầu làng. Chẳng biết nó có từ bao giờ, chỉ biết từ thời ông bà tôi nó đã sừng sững ở đó. Cây bàng gắn liền với tuổi thơ tôi, gắn với nỗi niềm của những người con xa xứ bởi đó là dấu ấn quê hương đậm đà mà không phải nơi đâu cũng có. Vì tò mò nên không ít lần tôi đã tự hỏi cây bàng từ đâu mà có? Nó có những đặc trưng, giá trị như thế nào? Chính những băn khoăn, thắc mắc ấy đã thôi thúc tôi đi tìm hiểu về loài cây này.
Hình ảnh cây bàng đầu làng
Cây bàng có từ bao giờ? Câu hỏi tưởng như đơn giản nhưng không phải ai cũng biết bởi hiện nay, nguồn gốc của cây bàng vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi. Theo một số tài liệu, cây bàng là một loài thân gỗ lớn sinh sống chủ yếu ở vùng nhiệt đới, thuộc họ Trâm bầu. Có giả thiết cho rằng nó có nguồn gốc từ Ấn Độ, bán đảo Mã Lai sau đó nhanh chóng lan sang các nước khác và giờ đây nó trở thành loài cây phổ biến, quen thuộc ở Việt Nam.
Với mỗi chúng ta, cây bàng có lẽ chẳng còn xa lạ gì. Ở góc sân trường, ở nơi đầu hẻm, trên núi, trong rừng…đi bất cứ nơi đâu chúng ta cũng có thể dễ dàng nhìn thấy cây bàng. Bởi lẽ, bàng là loài cây thân gỗ, ưa khí hậu vùng nhiệt đới, rất thích hợp để sinh trưởng và phát triển ở Việt Nam. Thân cây bàng màu nâu nhẵn, cao, mọc thẳng trông rất vững chãi. Cành lá xum xuê, chia thành nhiều nhánh như chiếc ô khổng lồ. Rễ bàng cắm sâu vào lòng đất để hút chất dinh dưỡng, có những đám rễ già trồi trên như những con rắn khổng lồ. Sắc lá bàng thay đổi theo mùa giống như một người con gái xinh đẹp trong tà áo mới. Mùa xuân, cây bàng chồi ra những mầm lá non mơn mởn, e ấp, rụt rè trong làn mưa bụi. Mùa hè, lá bàng xanh mướt tràn trề sức sống, lá to dài khoảng 15–25 cm và rộng 10–14 cm, hình trứng. Mùa thu lá bàng chuyển sang sắc đỏ ánh hồng do các sắc tố lá có sự chuyển hóa. Đông sang cũng là lúc lá bàng rụng hết trơ ra những cành khẳng khiu. Hoa bàng nở vào mùa hè, mỗi bông hoa có đường kính khoảng 1 cm, có màu trắng hơi xanh. Đặc biệt, hoa bàng không có cánh chúng mọc trên các nách lá hoặc ở đầu cành. Sau khi đơm hoa, cây bàng bắt đầu kết trái. Quả thuộc loại quả hạch, khi non có màu xanh lục, sau đó ngả sang màu vàng và cuối cùng có màu đỏ khi chín, bên trong quả bàng có nhân màu trắng.
Cây bàng ưa khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa của nước ta nên cách trồng và chăm sóc cây không quá cầu kì, phức tạp. Bàng được trồng bằng phương pháp ươm hạt của cây, chỉ cần vùi trong đất ẩm một thời gian sau cây sẽ nảy mầm. Chúng cũng rất dễ sống, chẳng đòi hỏi chúng ta phải chăm sóc nhiều chỉ cần tưới đủ nước, cấp đủ ánh sáng và lựa chọn đất phù hợp cây sẽ tự mình vươn lên, khỏe mạnh, cao lớn.
Từ rất lâu, cây bàng đã sống trong tiềm thức, ăn đời ở kiếp cùng con người Việt Nam. Hình ảnh cây bàng ở vùng nông thôn Bắc Bộ trở nên gần gũi, quen thuộc hơn bao giờ hết. Những người con xa xứ trở về, nhìn từ xa thấy bóng bàng cao lớn, sừng sững giống như nhìn thấy bóng dáng, linh hồn quê hương, những người nông dân đi làm đồng về nghỉ ngơi dưới gốc bàng, những đứa trẻ trăn trâu ngày ngày đuổi bắt, bắt bi ở đó. Không chỉ vậy, đối với những cô cậu học trò, cây bàng giống như một người bạn chứng kiến bao kỉ niệm, bao nỗi niềm buồn vui. Cùng với cây phượng, cây bàng cũng được xem là loài cây gắn với tuổi học trò. Bàng còn là loài cây cho gỗ, gỗ bàng được dùng để làm bàn ghế, giường tủ,…đem lại giá trị kinh tế cho người dân. Những tán bàng xum xuê xanh mướt còn giúp hút khí độc hại, khói bụi làm cho bầu không khí thêm trong lành, mát mẻ hơn. Đặc biệt, một công dụng không phải ai cũng biết tới của cây bàng đó chính là dùng làm thuốc. Lá bàng và vỏ thân cây bàng được sử dụng nhiều trong y học, chữa được các bệnh về đường tiêu hóa, sốt, ngăn ung thư,…
Không chỉ gắn bó mật thiết trong cuộc sống, sinh họa của con người, cây bàng còn đem đến những giá trị tinh thần khi không ít lần trở thành niềm cảm hứng trong thơ ca, âm nhạc, hội họa. Người họa sĩ sẽ rất ít khi bỏ qua hình ảnh cây bàng mỗi khi phác họa về bức tranh quê hương. Câu hát “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…”cũng đã chạm vào trái tim, khắc ghi ấn tượng trong long người nghe. Cây bàng cũng xuất hiện trong thơ ca với những vần thơ đậm chất trữ tình:
Cây bàng lá nõn xanh ngời
Ngày ngày chim đến tìm mồi chíp chiu
Đường xa gánh nặng sớm chiều
Kê cái đòn gánh bao nhiêu người ngồi
(Cây bàng – Trần Đăng Khoa)
Cây bàng có ý nghĩa quan trọng trong đời sống của con người. Nó là loài cây gần gũi, gắn bó thân thiết với đời sống, sinh hoạt của nhân dân. Là loài cây có nhiều giá trị, ở nơi đâu cây bàng cũng luôn được yêu quý, chăm sóc, bảo vệ.
Đối với riêng tôi, cây bàng có gắn với những nỗi niềm riêng thật đặc biệt. Là người bạn tuổi thơ, là địa chỉ tôi tìm đến để san sẻ niềm vui, nỗi buồn. Lớn lên rồi, tôi được đi nhiều nơi, hà hầu hết nơi nào tôi ghé chân qua cũng có hình bóng của những cây bàng. Cũng vẫn là cây bàng thân thuộc, vẫn bình dị với những nguồn gốc, đặc điểm, giá trị như thế, nhưng với tôi cây bàng nơi đầu làng chiếm một vị trí quan trọng đặc biệt trong trái tim. Tôi sẽ luôn yêu và nhớ về nó.