Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, đã có rất nhiều vị anh hùng được ghi danh, nhưng người ta vẫn mãi khắc ghi truyền thuyết về một anh hùng được ca tụng là Phù Đổng Thiên Vương. Cảnh Gióng cưỡi ngựa sắt bay về trời giưa đất trời bao la đã tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp mà nhân dân ta đời đời nhớ mãi.
Thánh Gióng là một người con của trời, được Ngọc Hoàng cử xuống giúp dân chống giặc. Gióng được đầu thai làm con của một gia đình nghèo khó. Từ một cậu bé lên ba không biết nói cười, Thánh Gióng bỗng chốc lớn vụt lên, trở thành dũng tướng, mặc giáp sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm roi xông trận. Với sự tài giỏi của mình Gióng đã càn quét sạch quân giặc, đem lại chiến thắng vẻ vang cho quân ta. Thế nhưng sau khi chiến thắng giặc Ân Gióng liền cưỡi ngựa sắt hướng đến đỉnh núi Sóc để quay về trời. Trước khi bay về trời, Gióng lưu luyến nhìn lại quê hương lần cuối, trong lòng có chút nghẹn ngào, cảm xúc dâng trào. Có vẻ như Gióng không nỡ rời khỏi nơi này, nơi cũng đã gắn bó với cuộc sống của mình bao lâu nay, nơi có những người dân hiền lành chất phát, có những người anh em đã cùng mình kề vai sát cánh chiến đấu quân giặc. Những cơn gió thổi nhè nhè như muốn níu kéo bước chân của Gióng. Trước mắt Gióng núi Sóc hiện lên với tất cả vẻ tráng lệ và thơ mộng vốn có của nó. Không khí trong veo, nắng phủ vàng rực rỡ cả một vùng núi, lấp lánh trên những tán cây. Lúc đó cũng là lúc chiều về, màu núi cũng trở nên sẫm lại, nổi bật trên nền ráng đỏ của hoàng hôn. Núi Sóc lúc ấy trông kỳ vĩ lạ lùng. Màu tím hồng của hoa sim, màu nâu nhạt của những hàng lau sáng lên dưới nắng. Cảnh vật nhuộm một màu vàng đỏ như chính tâm trạng của Gióng lúc này. Nhưng với sứ mệnh trọng trách mà mình phải gánh vác, Gióng đã cởi bỏ giáo sắt cùng ngựa từ từ bay về trời. Trời trong xanh không gợn chút mây, cảnh vật làng quê thân thương cứ xa dần trong mắt Gióng. Từng nóc nhà, từng ngọn tre, làng quê yên bình đã nuôi dưỡng người anh hùng dân tộc giờ đây chỉ còn là những chấm nhỏ. Những lũy tre xanh, những cánh đồng lúa chín vàng, những dòng sông hiền hòa nước chảy yên bình, đàn trâu thong dong gặm cỏ, … hiện lên đầy lưu luyến trong ánh mắt của người anh hùng dân tộc. Sẽ không còn được thấy mặt nước lao xao như nhũng tấm gương khổng lồ, bóng núi lung linh, chập chờn theo từng cơn gió. Dãy núi Sóc vẫn sừng sững hiên ngang còn ghi lại dấu ấn của người anh hùng nơi đây. Đâu đó ánh mắt của người mẹ,của dân làng như muốn nhìn theo và níu kéo người con quê hương. Nhưng tất cả đã mờ đi trong mắt Gióng, chàng dũng sĩ hòa mình vào những đám mây xanh.
Thánh Gióng đã đang và sống mãi trong tâm thức dân gian, như một vị Thánh bất tử, chính vì những lẽ ấy, đến khi hoàn thành xong nhiệm vụ, Gióng đã lên núi cởi áo giáp bỏ lại rồi cùng ngựa sắt bay về trời. Đó là hình ảnh của một vị anh hùng dân tộc cũng như tuổi trẻ dù đã dành chiến thắng vinh quang nhưng không màng đến địa vị, danh vọng, coi nhẹ lợi danh. Thấy việc cần phải làm thì làm, khi làm xong thì không giàng buộc vật chất, sống an nhàn bình dị trong lòng dân tộc. Hình ảnh Gióng bay về trời cũng thể hiện ước vọng của nhân dân ta muốn có những người anh hùng cứu dân tộc, xuất phát từ tấm lòng chân thành, không vì danh lợi. Gióng bay về trời để lại cho nhân dân sự đặc sắc và bay bổng, đi thẳng vào lòng dân tộc cho muôn đời sau nhớ mãi. Từ đó trong trái tim mỗi người dân đều trào dâng niềm tự hào về quá khứ hào hùng và tình yêu quê hương đất nước tươi đẹp.