Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích 16 câu cuối bài Trao Duyên

Phân tích 16 câu cuối bài Trao Duyên

2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
2.693
1
2
My Trà
28/04/2021 20:51:57
+5đ tặng
Mở bài 

Truyện Kiều từ lâu được xem là áng thơ bất hủ của dân tộc. Tác phẩm mang nhiều tầng ý nghĩa lớn lao về cả nội dung lẫn nghệ thuật. Phân tích 16 câu cuối bài Trao duyên, ta sẽ thấu hiểu sự dằn vặt, xót xa, nỗi bất hạnh của Thuý Kiều. Đồng thời quan đó cũng thấy được sự đồng cảm, yêu thương và trân trọng con người của tác giả Nguyễn Du.

Thân bài phân tích 16 câu cuối bài Trao duyên
  • Khái quát tác giả, tác phẩm

Nguyễn Du được đánh giá là đại thi hào của dân tộc. Những tác phẩm của ông luôn đưa ra cái nhìn thẳng thắn, lột tả những điều xấu xa, thối nát của xã hội bấy giờ. Đồng thời, trong mỗi vẫn thơ cũng đều chất chứa sự trân trọng cái đẹp, yêu thương con người của tác giả.


Tác giả Nguyễn Du

Đoạn trích “Trao duyên” được trích trong tập “Truyện Kiều” (Đoạn trường tân thanh). Đoạn trích gồm 34 câu thơc từ câu 723 đến câu 756 trong tác phẩm. Đây nằm trong phần “Gia biến và Lưu lạc”. Đoạn trích chính là lời của Thúy Kiều nói với Thúy Vân khi muốn nhờ Vân trả nghĩa cho Kim Trọng trước khi nàng bán mình để chuộc cha. 16 câu thơ cuối của “Trao Duyên” là lời dặn dò của Kiều với Vân và sự xót xa cho chính bản thân mình.

  • Luận điểm 1: Lời dặn dò của Kiều

Sau những lời nhờ em trả nghĩa cho chàng Kim, Kiều đã dặn dò Vân với tấm lòng của một người chị giàu hi sinh. Trước tiên, Kiều dự cảm về cái chết của chính mình:

“Mai sau dù có bao giờ,

Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.

Trông ra ngọn cỏ gió cây,

Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về

Hồn còn mang nặng lời thề,

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.”

Nguyễn Du đã sử dụng một loạt những hình ảnh, từ ngữ liên tiếp gợi về cái chết như: “hiu hiu gió”, “hồn”, “nát thân bồ liễu”, “dạ đài”, “người thác oan”. Kiều đã đưa ra dự cảm không lành về tương lai mờ mịt của mình. Đó là sự tuyệt vọng tột cùng của nàng khi không thể nắm được số phận của bản thân. Nàng đã tưởng tượng ra cảnh mình chết oan, chết hận, không nơi nương tựa. Linh hồn của nàng sẽ mãi không thể nào siêu thoát được bởi trong lòng nàng luôn đau đáu lời thề ước với Kim Trọng. Qua những câu thơ ấy, người đọc có thể thấy được sự đau đớn, tuyệt vọng tột cùng của Kiều. Nàng sẽ mãi mãi không thể tha thứ cho sự thất hứa của bản thân. Đồng thời cũng thể hiện tấm lòng thủy chung, sắt son, một lòng hướng về Kim trọng của Thuý Kiều:

“Dạ đài cách mặt, khuất lời,

Rảy xin chén nước cho người thác oan.”

Kiều đã dặn dò Vân hãy nhớ tới và giúp nàng rửa nỗi oan khuất này. Điển tích “đền nghì trúc mai” thể hiện việc đền ơn đáp nghĩa. Và hành động “rưới xin giọt nước” là muốn nhờ Vân có thể tẩy oan cho mình. Đó là nỗ bứt rứt, dằn vặt khôn nguôi trong lòng Kiều. Bây giờ đây, trước khi phải bán mình chuộc cha, Kiều lại như càng nhớ và càng thương Kim Trọng hơn bao giờ hết.

Thông qua tám câu thơ dặn dò Vân với những hình ảnh giàu giá trị biểu cảm và nghệ thuật miêu tả nội tâm, ta có thể thấy sự mâu thuẫn to lớn thường trực trong tâm trạng Thúy Kiều. Kiều đã trao kỉ vật cho em, nhờ em trả nghĩa cho mình, thế nhưng lời gửi trao ấy lại chất chứa bao đau đớn, khổ đau, giằng xé và chua chát với chính bản thân mình.

  • Luận điểm 2: Kiều trở về thực tại đau xót khi nhớ tới Kim Trọng

Ở tám câu thơ tiếp theo, Kiều lại trở về thực tại đau xót khi nhớ tới Kim Trọng:

“Bây giờ trâm gãy bình tan,

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.

Phân sao phận bạc như vôi?

Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.

Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!”

Đến đây, Nguyễn Du đã chuyển từ những câu thơ đối thoại sang độc thoại của Thuý Kiều. Từ đó có thể miêu tả nội tâm dằn vặt, xót xa của nhân vật. Lúc này đây, nàng ý thức rõ về cái hiện hữu của mình thông qua những hình ảnh “trâm gãy gương tan”, “tơ duyên ngắn ngủi”, “phận bạc như vôi”, “nước chảy hoa trôi lỡ làng”. Đó là cách để gợi tả số phận đầy đau khổ, bạc bẽo,  dở dang, lênh đênh trôi nổi của Kiều về sau. Có lẽ nàng đã đoán trước tương lai không yên bình của bản thân.


Kiều và Kim Trọng khi thề ước

Nguyễn Du đã sử dụng nghệ thuật đối lập giữa quá khứ với tương lai, nhằm khắc sâu nỗi đau của Thuý Kiều ở hiện tại. Kiều đã tự nhận mình là “người phụ bạc” vì đã không giữ được lời hứa sắt son với chàng Kim. Giờ đây, nàng chỉ có thể “lạy” để tạ lỗi và vĩnh biệt mà thôi. Cái tên Kim Trọng được Kiều gọi đến hai lần trong một câu thơ,đó là cái gọi tên đầy tức tưởi, nghẹn ngào và đau đớn đến gần như mê sảng. Bản thân mình đã phải quên đi nỗi đau đớn của bản thân mà hi sinh vì người khác, đó là lòng bao dung và vị tha cao quý của Thuý Kiều.

Kết bài phân tích 16 câu cuối bài Trao duyên

Bằng cách sử dụng từ ngữ biểu cảm độc đáo, nhiều thành ngữ, câu cảm thán, điệp từ và hình ảnh mang tính tượng trưng, 16 câu thơ cuối bài Trao Duyên đã để lại nhiều suy ngẫm trong lòng độc giả. Và có lẽ, trong suốt hành trình chìm nổi phía trước, Kiều sẽ nhớ mãi về ngày hôm ấy và dằn vặt, không thể tự tha thứ cho chính mình. Đó chính là cái nhìn thấu hiểu, đồng cảm và yêu thương sâu sắc của tác giả Nguyễn Du.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
3
1
Nguyễn Nguyễn
03/05/2021 10:19:22
+4đ tặng
Truyện Kiều - một thi phẩm bất hủ của tác gia Nguyễn Du, được viết dựa vào một tác phẩm cổ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, một tác giả sống vào đời nhà Thanh, Trung Quốc. Truyện kể về cuộc đời đầy đau thương mất mát của Thuý Kiều, trải qua muôn vàn sóng gió, khổ hạnh, chết đi sống lại,… cuối cùng hạnh phúc cũng mĩm cười với nàng.
Thuý Kiều một người con hiếu hạnh, tài đức vẹn toàn. Vì phải cứu gia đình, nàng đành phải bán mình chuộc cha. Nhưng làm vậy thì nàng đã phản bội lời thề nguyền thuỷ chung, son sắc với tình lang Kim Trọng. Tình thế ép buộc nàng đành nhờ cậy em ruột là Thuý Vân, xem như chị trao duyên lại cho em, nhờ em thực hiện lời thề của mình với Kim Trọng dù rằng Thuý Kiều rất đau đớn, day dứt tâm can và nhắn nhủ với em mình như thể rằng chị sắp đi xa vĩnh viễn “một đi không trở lại”.
 
Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ gió cây,
Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về.
 
Bốn câu thơ tưởng chừng như Thuý Kiều đang trăn trối nói về ngày sau khi mình chết đi. Mai sau em “đốt lò hương”, nhìn thấy trời “hiu hiu gió” thì hồn chị đã về:
 
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt, khuất lời,
Rảy xin chén nước cho người thác oan.
 
Hồn chị đã về đây, mang nặng nỗi thống khổ của một kẻ phụ tình. Trước khi thát oan, nàng chấp nhận cho thân nát để đền cho người bạn tình chung thuỷ vì tội đã phản bội lại lời thề nguyền. Nỗi day dứt ấy chị vẫn mang theo xuống cửu tuyền. Hôm nay chị trở về thì đã "âm dương cách biệt đôi đường" không thể nói được gì, chỉ xin rảy cho chén nước để oan hồn chị được siêu thoát.
 
Nhìn lại thực tại, nghĩ đến tình quân nàng nhắn nhủ đôi lời tâm sự, giải bày:
 
Bây giờ trâm gãy bình tan,
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
 
Giờ đây mọi chuyện đã tan vỡ, lỡ làng, nói làm sao hết những tình cảm tha thiết, da diết, những kỉ niệm ngọt ngào ân ái ngày xưa đã trao nhau. Thôi thì thiếp đành cam chấp nhận số phận, tơ duyên ngắn ngủi, hạnh phúc quá mong manh, kiếp này đã lỡ phu thê, thiếp xin bái biệt đi về cõi âm. Lời nhắn nhủ vừa mang nỗi tiếc nuối, vừa cam chịu chỉ "có ngần ấy thôi" ít ỏi quá chàng ơi, nhưng không thể nào kéo dài thêm được nữa.
 
Câu thơ chứa chan tình cảm, xót xa đau cho kiếp số phũ phàng, chua chát - lời thơ như hờn oán, trách móc than thân trách phận:
 
Phân sao phận bạc như vôi?
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
 
Lời thơ uất nghẹn, phận gì? mà bạc như vôi? Phận trâu ngựa, kiếp chó mèo chứ không phải là phận người, kiếp người nữa. Cuộc đời quá cay đắng, bạc bẽo hay xã hội quá bất công, tàn nhẫn với con người tài sắc vẹn toàn như Thuý Kiều. Đành rằng cuộc đời “nước chảy hoa trôi” nhưng cũng có giới hạn thôi chứ sao mà quá bi đát, quá phũ phàng đến vậy. Quay về với thực tại Thuý Kiều như bừng tỉnh, thốt lên:
 
Ôi Kim Lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!
 
Việc “trao duyên” đã thành, việc bán mình cũng đã xong, thì bi kịch của Thuý Kiều cũng đến. "Ôi", "Hỡi" Kim Lang, Thuý Kiều gọi tên tình nhân lần sau cuối trong nước mắt nhạt nhoà, nàng ôm nỗi đau giằng xé tâm can khi biết chắc chắn rằng từ đây nàng đã mất chàng Kim mãi mãi. Sự thật ấy làm cho Thuý Kiều kêu lên thống thiết “thôi thôi” một cách vật vã, đớn đau “đứt từng đoạn ruột”. Điều đó cho ta thấy được tình cảm của Thuý Kiều dành cho Kim Trọng vô cùng lớn, vô cùng sâu đậm, chung thuỷ sắc son.

Sự “hi sinh” của Thuý Kiều làm cho người đời cảm phục, tình cảm của Thuý Kiều làm cho chúng ta trân quý yêu thương. Đó là điểm sáng chói ngời trong phẩm giá con người Thúy Kiều, khiến cho nàng sống mãi trong lòng người đọc.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×