Khái niệm mối liên hệ
Trong phép biện chứng, khái niệm mối liên hệ dùng để chỉ: sự quy định, sự tác động và chuyển hóa lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng, hay giữa các mặt, các yếu tố của mỗi sự vật, hiện tượng trong thế giới.
Ví dụ, giữa cung và cầu (hàng hoá, dịch vụ) trên thị trường luôn luôn diễn ra quá trình: cung và cầu quy định lẫn nhau; cung và cầu tác động, ảnh hưởng lẫn nhau, chuyển hoá lẫn nhau, từ đó tạo nên quá trình vận động, phát triển không ngừng của cả cung và cầu. Đó chính là những nội dung cơ bản khi phân tích về mối quan hệ biện chứng giữa cung và cầu.
- Khái niệm mối liên hệ phổ biến được sử dụng với hai hàm nghĩa:
+ Dùng để chỉ tính phổ biến của các mối liên hệ (ví dụ như: khi khẳng định rằng mối liên hệ là cái vốn có của tất thảy mọi sự vật hiện tượng trong thế giới, không loại trừ sự vật, hiện tượng nào, lĩnh vực nào);
+ Đồng thời, khái niệm này cũng dùng để chỉ: những liên hệ tồn tại (được thể hiện) ở nhiều sự vật, hiện tượng của thế giới (tức là dùng để phân biệt với khái niệm các mối liên hệ đặc thù chỉ biểu hiện ở một hay một số các sự vật, hiện tượng, hay lĩnh vực nhất định).
Ví dụ, mối liên hệ giữa cung và cầu là mối liên hệ phổ biến, tức cũng là mối liên hệ chung, nhưng mối liên hệ đó được thể hiện cụ thể khác nhau, có tính chất đặc thù tuỳ theo từng loại thị trường hàng hoá, tuỳ theo thời điểm thực hiện... Khi nghiên cứu cụ thể từng loại thị trường hàng hoá, không thể không nghiên cứu những tính chất riêng có (đặc thù) đó. Nhưng dù khác nhau bao nhiêu thì chúng vẫn tuân theo những nguyên tắc chung của mối quan hệ cung cầu.
Có nhiều cấp độ, phạm vi của mối liên hệ phổ biến, trong đó phép biện chứng duy vật với tư cách là khoa học triết học có nhiệm vụ nghiên cứu các mối liên hệ phổ biến nhất, làm tiền đề phương pháp luận chung cho việc nghiên cứu các mối liên hệ cụ thể trong từng lĩnh vực nghiên cứu của các khoa học chuyên ngành; đó là các mối liên hệ như: cái chung và cái riêng, bản chất và hiện tượng, nguyên nhân và kết quả...
Loigiaihay.com