Trong cuộc sống, bên cạnh những con người luôn mang những đức tính tốt đẹp, được mọi người xung quanh yêu mến thì cũng tồn tại những kẻ vốn xấu tính, không được chào đón trong nhiều trường hợp khác nhau, một trong số đó chính là trong giao tiếp . Đó là những kẻ luôn “ăn đơn nói đặt”, bịa đặt, lừa gạt người khác, được ông cha ta gọi với một câu thành ngữ “Ăn không nói có, ăn ốc nói mò”. Câu thành ngữ gồm hai vế, ở đây “ăn không nói có” tức là nói những chuyện mà không phải mình tận mắt chứng kiến hay tham gia nhưng vẫn thể hiện mình là người hiểu rõ câu chuyện nhất, bên cạnh đó “ăn ốc nói mò” là nói bịa đặt, khoác lác về những điều mà mình không hề biết, nói một cách bâng quơ không chính xác. Nhìn chung, qua câu thành ngữ trên, ông cha ta đã phê phán một thành phần những con người trong xã hội có tính hay bịa đặt, đơm đặt , ba hoa trong giao tiếp nói chung và trong lời ăn tiếng nói nói riêng. Đây là một hiện tượng, một đức tính đáng bị phê phán và loại bỏ ở mỗi người. Tại sao lại như vậy? Trước hết, lời nói là một trong những cách để thể hiện chính bản thân hay quyết định đến cách nhìn nhận của người khác đối với chính bạn. Do đó, một người thường hay nói những lời đơm đặt, đặt điều, bịa chuyện sẽ thể hiện họ là những người không có tính thật thà, không có sự tôn trọng, ý tứ đối với người khác. Có thể một, hai lần, lời nói của họ sẽ là đáng tin cậy với người xung quanh, nhận được sự giúp đỡ hay đồng tình, thế nhưng dần dần ba, bốn, nhiều lần khác nữa, liệu có ai còn đủ kiên nhẫn, sự tin tưởng để chấp nhận hay tiếp thu lời nói của họ khi trước đó chính những người ấy đã phải chịu sự tổn thương, mất mát về tinh thần, đôi khi là cả vật chất đối với họ ? Sự tin tưởng thường được xây dựng dựa trên sự cảm thông, thấu hiểu bằng cả trái tim giữa con người với con người, một khi đã xuất hiện vết nhơ nào đó, thật không dễ mà có thể xóa nhòa đi được. “Ăn không nói có, ăn ốc nói mò” sẽ khiến bạn bị mọi người xung quanh xa lánh, ghét bỏ, không được chào đón, không được tin tưởng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kết cục mà bạn nhận được cũng sẽ không mấy tốt đẹp. Vậy nên, mỗi người cần tự ý thức được rõ tầm quan trọng của từng lời ăn tiếng nói của mình có sức ảnh hưởng thế nào đối với người khác, không nên bịa chuyện, lừa gạt người khác, cần rèn luyện sự thật thà, nói những lời hay ý đẹp. Câu thành ngữ không chỉ mang nghĩa phê phán mà còn giúp định hướng mỗi con người đến với những cách sống tốt đẹp hơn để hoàn thiện bản thân mình trong cuộc sống hôm nay .