Nhà Tây Sơn trải qua hai triều Quang Trung và Cảnh Thịnh, nhưng hầu hết các chính sách xây dựng đất nước đều do vua Quang Trung vạch ra và bước đầu thực hiện, đáng tiếc vì thời gian cầm quyền quá ngắn ngủi nên hiệu quả chưa rõ rệt.
Về hành chính, vua Quang Trung đã xây dựng một hệ thống hành chính và quan chế mới, tuy không có văn bản nào đề cập chi tiết đến hệ thống hành chính và quan chế này nhưng qua một số tư liệu, hiện vật còn tồn tại ở các làng xã, tư gia ở Thừa Thiên Huế có thể ghi nhận một số chức danh của quan lại dưới triều Tây Sơn như: Hàn lâm thự đãi chế An Dương bá, Bí thư thự chánh tự Hào Dục bá, Tham đốc, Đô úy, Đô ty, Hộ quân sứ, Chỉ huy, Trung úy, Đại đô đốc, Hùng úy...
Về kinh tế, chính sách kinh tế của nhà Tây Sơn vẫn xây dựng trên căn bản “trọng nông”, khuyến khích phát triển nông nghiệp nhưng trong quản lý ruộng đất lại không cụ thể. Địa bạ thời Tây Sơn rất sơ sài, nhà nước chỉ nắm
Khái quát tổng thể diện tích ruộng, không phân biệt tốt xấu, để bổ thuế đồng niên, còn chi tiết cụ thể, phân phối thực tế là việc nội bộ của làng xã.
Về giáo dục, nhà Tây Sơn có một số cải cách về giáo dục, ban bố Chiếu khuyến học. Vua Quang Trung tổ chức trường học đến tận cấp xã, dùng chữ Nôm trong công văn và khoa cử. Tu sửa Văn Miếu và Học Cung cũ của chúa Nguyễn ở Long Hồ. Mở khoa thi để chọn kẻ sĩ (mở một khoa năm 1789).
Về văn hóa, chính sách văn hóa đặc biệt nhất dưới thời Tây Sơn là chính sách đối với Phật giáo. Nhà Tây Sơn chủ trương chế tài đối với Phật giáo nhằm hạn chế số chùa chiền và sư sãi.
Về y tế, cơ bản vua Quang Trung vẫn giữ cơ cấu tổ chức cũ của họ Nguyễn, tham khảo cách tổ chức và quan chế đời nhà Lê. Các cơ quan chuyên môn chăm sóc sức khỏe của vua quan và nhân dân thời Tây Sơn gồm Y Lâm viện (trong đó có Thái Y thự), Điều Hộ Ty, Nam Dược cục cùng một số bộ phận liên quan góp phần làm hoàn chỉnh hệ thống tổ chức của một triều đình cuối thế kỷ XVIII. Thành tựu y học giai đoạn này phải kể đến tập Nam dược ca bằng thơ Nôm lục bát, phân tích đặc điểm và tính năng của 500 vị thuốc đặc biệt của nước ta.
Về quân sự, nhà Tây Sơn rất trọng quân sự, quyết tâm xây dựng lực lượng quân đội hùng hậu để bảo vệ đất nước. Vì vậy nhà nước quản lý dân đinh rất chặt chẽ, cứ ba suất đinh lấy một suất lính. Để tiện việc kiểm soát, mỗi dân đinh đều được phát một thẻ “Thiên hạ đại tín”, ghi rõ tên họ, quê quán và điểm chỉ của người mang thẻ.
Với những biện pháp tích cực, vua Quang Trung đã cố gắng vãn hồi đất nước sau một thời gian dài sa sút nghiêm trọng. Nhờ công cuộc chiêu tập dân lưu tán, đẩy mạnh việc khai hoang phục hóa mà xã hội dần dần ổn định, đời sống nhân dân dần được cải thiện. Tất nhiên tình hình Thuận Hóa - Phú Xuân cũng không ngoại lệ. Nhân dân nơi đây vốn rất phấn khởi hưởng ứng phong trào Tây Sơn ngay từ đầu và tích cực tham gia xây dựng quê hương, cần cù lao động, mở mang ruộng vườn. Sau mấy năm, tình hình đời sống xã hội đã có dấu hiệu tiến bộ, nếp sinh hoạt, làm ăn ngày một khá hơn.
Sau khi Quang Trung mất, Quang Toản lên ngôi, ông không thể giải quyết được mọi khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, đời sống của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân Thuận Hóa - Phú Xuân nói riêng lại rơi vào khó khăn