Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy và lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc ta.
Từ cuối thế kỷ XIX, do sự bất lực của triều đình nhà Nguyễn, Việt Nam từ một quốc gia độc lập, thống nhất có chủ quyền bị thực dân Pháp xâm lược và biến thành thuộc địa. Chế độ cai trị độc tài và chuyên chế đã làm cho xã hội Việt Nam biến đổi toàn diện, mạnh mẽ, với sự lệ thuộc, lạc hậu của xã hội và sự bần cùng của đại đa số dân cư. Với truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường dân tộc, ngay khi đất nước đối đầu với họa ngoại xâm, khi triều Nguyễn ngày càng lún sâu vào vũng bùn đầu hàng, từ bỏ chủ quyền quốc gia cho thực dân Pháp, nhiều phong trào yêu nước đã diễn ra. Mục tiêu chung là bảo vệ, khôi phục nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia, chấn hưng đất nước, tiêu biểu như khởi nghĩa Ba Đình, khởi nghĩa Bãi Sậy, khởi nghĩa Hương Khê, phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Yên Thế trong hệ tư tưởng phong kiến cuối thế kỷ XIX, qua các phong trào Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục, Duy Tân theo xu hướng dân chủ tư sản đầu thế kỷ XX, phong trào chống thuế ở Trung Kỳ… Tuy nhiên, các phong trào yêu nước đó đều đi đến thất bại.