Với một sự mẫn cảm đặc biệt, Nguyễn Tất Thành không sang Nhật Bản, không đi Trung Quốc... mà tới châu Âu - khu vực đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, chính trị để tìm hiểu truyền thống tự do, bình đẳng, bác ái…, tìm hiểu nơi đã sinh ra mọi chế độ thực dân thối nát, cực kỳ tàn bạo; đặc biệt là đến Pháp - quốc gia đang trực tiếp cai trị đất nước mình.
Trong vòng 10 năm, từ 1911 - 1920, Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt, Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp.
Trong mỗi chuyến đi, Người tranh thủ mọi thời cơ nhằm học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa để bổ sung cho mình những kiến thức phong phú với một tầm nhìn hết sức rộng lớn và bao quát. Từ đó, Người rút ra kết luận chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa.
Sớm nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng tháng Mười Nga mở ra, Người xác định con đường cứu nước, con đường giải phóng dân tộc đúng đắn, khám phá ra chân lý lịch sử: “Chỉ có CNXH và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.