Anh/chị hãy viết 1 bài văn bày tỏ cảm nhận của mình về hình ảnh Thúy Vân trong bài thơ tâm sự nàng Thúy Vân của Trương Nam Hương qua sự đối chiếu so sánh với nhân vật này trong đoạn trích Trao Duyên ( Trích Truyện Kiều - Nguyễn Du )
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Xưa nay có thể hầu như ai cũng bàn luận, phân tích rất sâu sắc tâm trạng, nỗi đau của nhân vật Thúy Kiều, ít ai để ý và thông cảm với nỗi đau thầm lặng của nàng Thúy Vân.. Thậm chí nhiều người còn chê nhân vật này vô duyên, vô tâm, lấy người yêu chị.… Vì vậy khi đọc bài thơ Tâm sự nàng Thúy Vân của nhà thơ Trương Nam Hương tôi thực sự bất ngờ, thầm cảm phục phát hiện rất tinh tế của nhà thơ này.
Bài thơ viết theo thể lục bát tự sự mang đậm hơi thở của Truyện Kiều. Với cái nhìn hiện đại, suy tư sâu sắc, anh đã phát hiện ra góc khuất trong nội tâm nhân vật Thúy Vân. Mở đầu, tác giả như dẫn cảnh tâm sự của hai chị em sau cái buổi: ”Cậy em, em có chịu lời/ Ngồi lên cho chị lạy rồi hãy thưa”. Buổi ấy, trong không khí trang nghiêm của gia đình đang gặp cơn hoạn nạn nên lời dặn dò rất quan trọng… Vì vậy, em đã nhận lời thay chị, lấy người yêu của chị làm chồng. Âm thầm chịu đựng, tới bây giờ Thúy Vân mới có dịp mạnh dạn tỏ bày một chút tâm sự riêng tư của mình:
Nghĩ thương lời chị dặn dò:
Mười lăm năm đắm
con đò xuân xanh.
Vậy mà đã mười lăm năm thật rồi. Mười lăm năm giấu kín nỗi lòng để làm tròn lời chị dặn như đạo lý làm người, bây giờ ta mới vỡ lẽ, bất ngờ:
Chị yêu lệ chảy đã đành
Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim.
Trong sâu thẳm trái tim, nàng cũng có những khát khao được yêu người mình yêu mà đành giấu đi. Đâu phải cuộc đời Kiều mới có bi kịch mà bi kịch trong trái tim Vân nỗi suy tư vần võ cũng có cái đau riêng… Chấp nhận Lấy người yêu chị làm chồng, chuyện không đơn giản. Nhưng Vân đành nghe theo lời chị. Để từ đó Đời em thể thắt một vòng oan khiên. Nàng trách chị. Hồi xưa chị biết thương Đạm Tiên dưới mộ nay lẽ nào lại không thương người đang sống?
Sống với chồng – người anh rể hờ, chưa một lần yêu, chỉ có Thúy Vân mới hiểu được lòng mình, đau đớn đến mức độ nào! Nàng đã không được yêu. Với chàng Kim tình yêu chỉ là sự xếp đặt. Nàng không được tự do yêu như chị. Nghĩa là tình yêu tự do của Vân như đã bị ngừng chấm ở đây. Trước bối cảnh này, Vân gắng dằn mình xuống giữa gập ghềnh của số phận, phải khóa chặt sang chấn niềm yêu trong sâu thẳm lòng đất. Nàng kêu lên lời ai oán không kém xót xa:
Mấp mô số phận vuông tròn
Đất không thể nhốt linh hồn đòi yêu!
Nhưng thật ra nỗi lòng yêu của một tình yêu đích thực trong Vân cứ quật quã trỗi dậy cứ muốn bứt phá, bung ra.
Em là thế. Nhưng chuyện qua rồi. Tấm lòng người của Thúy Vân lại trao cho Kiều lời dịu dàng sẻ chia, nhân ái. Là em nói vậy thôi Kiều. Lời thơ hạ một cung bậc xót xa. Sánh sao… là một cung bậc tiếp theo dịu bớt. Bằng sự so sánh giữa hai nỗi đau khác biệt, chân thật như giải tỏa nỗi lòng chị. Nó làm giảm thiểu nỗi hờn giận trách móc và sự cảm thông được lấp đầy cho lòng yêu thương đầy đặn hơn lên.
Thông cảm bước đường lưu lạc của chị nhưng dù sao chị cũng có cái điều diệu kỳ đã yêu và được yêu! Hờn giận và yêu thương là hai mặt đối lập đồng nhất không thể thiếu trong tình yêu.
Chị nhiều hờn giận yêu thương
Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò.
Xưa nay trong thơ vầng trăng đã chắp cánh cho hồn thơ bay cao vầng trăng ai xẻ làm đôi, rồi cắt nửa vầng trăng em làm con đò nhỏ… Còn vầng trăng vằng vặc hò hẹn của người đẹp Vương Thúy Kiều thật lạ lùng Vầng trăng còn lấm mùi hương hẹn hò… “Lấm” hay đi liền với chân lấm tay bùn, đằng này lại lấm mùi hương, lại là hương hẹn hò, hương tình yêu. Cách dùng từ sáng tạo của nhà thơ góp vào ngôn từ tiếng Việt đa dạng, phong phú hơn… (Công lớn nhất của nhà văn, nhà thơ là phải làm giàu thêm ngôn ngữ dân tộc…) Trong cuộc đời, nếu ai cũng được lấm trong mùi hương hẹn hò của tình yêu thì hẳn là hạnh phúc biết bao!
Đúng vậy, hôn nhân mà không có tình yêu là nỗi đau thầm lặng, dai dẳng. Bi kich cuộc đời cứ kéo dài trong chịu đựng, khổ đau… Suốt Truyện Kiều ta thấy hình ảnh Thúy Kiều lúc nào cũng ngự trị trong tim Kim Trọng chứ có hình bóng vợ là Thúy Vân đâu! Thúy Vân nhận ra sự chua chát này nhưng âm thầm chịu đựng và vẫn gắng làm tròn bổn phận. Vì thế nên, Thúy Vân mới chạnh lòng:
Em chưa được thế bao giờ
Hóa ra không phải một Thúy Vân vô tư, vô duyên, thờ ơ trước tai họa gia đình, lấy chồng chị… như một số người cố tình hiểu lệch lạc vốn bị áp đặt xưa nay. Phải đến bây giờ nhà giải phẫu học Trương Nam Hương, mới giải phẫu nỗi niềm của Vân rồi bộc bạch trên bàn cân công lý để cho quan tòa điều chỉnh công bình. Thúy Vân đã được cởi trói khỏi vòng oan khiên của miệng thế một thời! Anh còn làm nhà tâm lý học! Với nỗi suy tư về những góc khuất trong tâm lý con người, anh đã để cho Thúy Vân cứ nhỏ nhẻ dịu dàng bày tỏ lòng mình:
Tiết trinh thương chị đánh lừa trái tim!
Một sự đánh lừa mà xã hội đương thời của chị em Vân – Kiều luôn mắc phải. Trương Nam Hương đã bắt voi bỏ rọ. Anh tóm cả cái quan niệm của xã hội thời đó vào câu thơ của mình. Sự mâu thuẫn giữa tiết trinh và tình yêu đã trở thành xung đột. Điều này chính tác giả Truyện Kiều làm đã xáo động góc nhìn một thời gian dài trong xã hội phong kiến nước ta… Câu thơ trở thành tiếng kêu ai oán lại là lời lên án. Vì vậy khi sự áp đặt đã vào khuôn phép Em thành vợ của chàng Kim, Ngồi ru giọt máu tượng hình chị trao thì em vẫn giữ khư khư tiếng gọi thiết tha:
Giấu đầy đêm nỗi khát khao
Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu!
Câu thơ cắt nhịp hai sáu, diễn tả tiêng kêu của Vân nhẹ như hơi thở mà làm ta thương cảm. Không chỉ Thúy Vân mà biêt bao phụ nữ đã khao khát yêu và được yêu?
Tâm sự nàng Thúy Vân là nỗi lòng thật sự của người phụ nữ bị tước đoạt tự do tình yêu, mà nhà thơ Trương Nam Hương đã tiếp nhận Truyện Kiều theo cách riêng của mình. Nó thoát ra con đường mòn có sẵn. Cách nhìn của anh trẻ trung táo bạo mà có tính nhân văn. Ấy là cái nhìn hiện đại có suy tư sâu sắc, rất người và rất đời!. Anh đã khơi được nét đẹp sâu thẳm trong tâm hồn nhân vật mà trươc đây rất ít người nhìn thấy. Cũng là sự phát hiện ra điều bí mật mà tác giả Truyện Kiều giấu kín. Chắc cụ Nguyễn Du sẽ hài lòng vì hậu thế có thêm người hiểu mình hơn… Thế mới càng thấy giá trị còn tiềm ẩn trong tác phẩm của thiên tài Nguyễn Du. Tôi nghĩ giáo viên dạy Văn có thể cho hoc sinh tự tìm hiểu, khám phá thêm để có ý kiến riêng của bản thân, tự tiếp nhận theo nhận thức của mình…
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |