Tại Hội nghị Meet Europe 2018 - Gặp gỡ châu Âu 2018 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, quan hệ thương mại Việt Nam - EU phát triển nhanh chóng và đang dần trở nên tích cực trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng và áp lực gay gắt từ bảo hộ thương mại.
Châu Âu hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, là điểm đến của 18% lượng hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Liên minh châu Âu cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam với kim ngạch thương mại đạt 50 tỷ USD trong năm qua và là nhà đầu tư lớn thứ năm của Việt Nam.
Chỉ ra nhiều kết quả nổi bật, TS. Đặng Minh Đức, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, trong lĩnh vực thương mại, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Trong giai đoạn 2006 - 2017, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam với EU tăng gần 5 lần từ 10,2 tỷ USD lên 50,4 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình 15 - 20%/năm với các mặt hàng chủ lực như linh kiện điện tử, dệt may, giày dép, thủy hải sản, cà phê, tiêu, hạt điều... và gần đây là các mặt hàng nông sản.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, EU có mặt hầu hết tại các địa phương và các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam. Tính đến giữa quý I.2018, có 2.134 dự án từ 24 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 23,033 tỷ USD, chiếm 8,5% số dự án và chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Các dự án FDI của EU có mặt trong 18 lĩnh vực kinh tế, trong đó tập trung nhiều hơn vào công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất phân phối điện và kinh doanh bất động sản. Nhìn chung, các nhà đầu tư từ các nước châu Âu có ưu thế về công nghệ và vốn nên đã góp phần tích cực trong việc tạo ra một số sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn.
Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, EU và các nước thành viên đã trở thành nhà tài trợ không hoàn lại lớn nhất tại Việt Nam. Giai đoạn 2007 - 2013, các dự án ODA của Liên minh châu Âu tập trung hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, cải cách thể chế ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt ở những vùng sâu vùng xa, có nhiều khó khăn.