Dải đất hình chữ S của đất nước Việt Nam với biết bao nhiêu đặc sản dân tộc, từ vùng cao cho tới đồng bằng mỗi vùng miền lại có những món ăn khác nhau. Nhắc đến Hà Nội thì Phở là món ăn mà bất kỳ ai cũng phải thử một lần. Phở không chỉ là một món ăn bình thường mà nó chính là đại diện của bản sắc văn hóa ẩm thực của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.
Hiện không có tư liệu chính xác về nguồn gốc của phở, nhưng nhiều người cho rằng món ăn xuất hiện vào đầu thế kỷ 20. Có quan điểm cho rằng, phở bắt nguồn từ món xáo trâu của người Việt. Cũng có quan điểm nói nguồn gốc của phở là phương pháp chế biến thịt bò hầm của Pháp hoặc là từ món ăn Quảng Đông. Mặc dù về nguồn gốc của phở vẫn chưa có tư liệu chính xác, nhưng vào những năm 40 của thế kỷ 20 thì phở đã là một món ăn rất nổi tiếng tại Hà Nội, Nam Định.
Theo thời gian phát triển của đất nước, phở cũng có nhiều biến chuyển, nếu trước kia là những bát phở bò chính, thì bây giờ đã có thêm phở tái, phở gà, phở xào, phở cuốn, phở rán,…và rất nhiều các loại phở khác nhau, giúp làm phong phú cho món ăn của nền ẩm thực Việt.
Phở mang nhiều hương vị khác nhau, phụ thuộc vào người chế biến món ăn. Thành phần chính để tạo nên món phở truyền thống bao gồm bánh phở và nước dùng. Bánh phở là những sợi được chế biến từ gạo, màu trắng và hình dẹt. Nước dùng có mùi thơm từ thảo quả nướng, hồi, quế, gừng và vị ngọt từ xương lợn ninh nhừ. Cho phở đã trần qua nước vào bát, thái mỏng thịt bò hoặc thịt gà trần nước nóng rồi cho vào bát phở. Cho nước dùng vào là đã có một bát phở thơm ngon, nóng hổi.
Một bát phở ngon yếu tố quyết định nằm ở nước dùng, vì thế khâu chuẩn bị chế biến nước dùng phải thật kỹ lưỡng. Từ việc chọn xương đến ninh xương, nêm nếm gia vị đều phải đảm bảo độ chính xác. Nước dùng phải có vị ngọt từ dương, có mùi thơm và màu trong mới đạt tiêu chuẩn. Điều này đòi hỏi người chế biến phải có kinh nghiệm và đôi khi cần có thêm “bí quyết gia truyền”. Khi ăn phở, người ta sẽ vắt một chút chanh và ăn kèm với rau thơm, tất cả hòa quyện vào nhau khiến bát phở ngon đúng điệu, thỏa mãn những thực khách tứ phương.
Phở đã trở thành một đặc trưng của ẩm thực dân tộc Việt Nam nói chung và của Hà Nội nói riêng. Dù là Xuân – Hạ hay Thu – Đông, buổi sáng – buổi trưa hay buổi tối, bất cứ khi nào chúng ta cũng có thể thưởng thức phở. Dù đi đâu, hình ảnh quán phở với hương vị đặc trưng đã trở thành một phần không thể thiếu trong tâm hồn người con Việt. Bạn bè trên thế giới đến với Việt Nam, ai cũng phải một lần thử qua món phở nếu không đó sẽ là một chuyến đi không trọn vẹn. Phở cũng xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm của các nhà văn nhà thơ như Vũ Bằng, Thạch Lam…. Trong ca dao, dân ca phở cũng đi vào như một giá trị tinh thần thiết yếu của người dân.
Đã bao thế hệ đi qua, dưới đôi tay khéo léo của người đầu bếp, phở vẫn vẹn nguyên. Bát phở nghi ngút khói cùng mùi thơm đặc trưng đã lặng lẽ khắc ghi trong trái tim mỗi người con Việt Nam – là niềm tự hào của cả dân tộc.