LUYỆN TẬP
Em hãy tìm đọc một vài truyện dân gian địa phương, sau đó tập kể lại chuyện với bạn cùng lớp và nêu ý nghĩa của câu chuyện.
ĐỌC THÊM
1. SỰ TÍCH NGÔI NHÀ SÀN
Ngày xưa, người ta chưa biết làm nhà, phải ở trong hang đá, chưa có làng mạc, thành phố như bây giờ.
Ở một vùng nọ, có một ông tên là Cài làm lụng vất vả mà vẫn đói, vì nương rẫy của ông thường bị thú rừng phá hoại. Ông Cài đặt bẫy bắt thú rừng. Lần ấy, ông bắt được một chú Rùa gầy. Ông định đem về ăn thịt cho bõ tức.
Rùa xin ông tha chết và hứa mách ông cách làm nhà ở. Nghe hay hay, ông liền cởi trói cho Rùa. Rùa gầy từ từ đứng dậy và nói:
- Ông là người sáng dạ. Ông nhìn xem: Toàn thân tôi là một ngôi nhà đấy!
Ông Cài ngắm nhìn hồi lâu, hình dung một ngôi nhà trong đầu, rồi nói:
- Bốn chân Rùa là bốn cái cột. Mu Rùa là mái nhà. Miệng Rùa là lối vào nhà. Hai mắt Rùa là hai cửa sổ. Có phải thế không?
Rùa gật đầu khen và xin được về với họ hàng. Từ đó con người có nhà sàn để ở, tránh được mưa nắng.
(Theo Truyện cổ dân tộc Mường)
2. ÔNG CHÀY BÀ CHÀY
Khi vũ trụ còn hỗn mang, mờ mịt, Chử Lầu (vua trời) thấy buồn liền gọi ông Chày tạo ra bầu trời và bà Chày tạo ra trần gian. Làm xong bầu trời, ông Chày nhìn xuống thấy bà Chày cũng đã làm xong mặt đất. Ông thấy đất quá rộng liền bảo:
Bầu trời vòm lại hẹp, mặt đất phẳng mà rộng, làm sao nhìn hết được nhau. Bà nắn lại đất cho khớp đi.
Bà Chày nghe lời, nắn đất làm cho mặt đất nhăn nhúm, lồi lõm. Chỗ trồi lên thành núi đồi, chỗ lún xuống thành thung lũng, biển hồ.
Đất bị nắn như thế, thấy đau ran khắp mình mẩy. Rồi một chỗ căng phồng lên, nứt ra. Thế là đất trở dạ, sinh đôi, được hai người: gái Gầu Á và trai Gầu Âu. Đây cũng là hai nhân vật thần thoại của người HMông. Cả hai lớn nhanh giúp ông Chày, bà Chày tu sửa bầu trời và mặt đất, rồi thành vợ thành chồng với nhau. Gầu Á mang thai, nhưng đẻ con từ ngón tay cái. Cũng đẻ sinh đôi. Đứa lớn đặt tên là Chề Lù, đứa sau đặt tên là Chề Blù. Đôi trai gái này lớn khôn thành vợ chồng, tiếp tục công việc xây dựng bầu trời, mặt đất.
(Truyện thần thoại H’Mông,
Theo Mã A Lềnh và Từ Ngọc Vụ sưu tầm và dịch,
in trong “Tiếp cận văn hóa H’Mông”,
NXB Văn hóa dân tộc năm 2014.)
LUYỆN NÓI KỂ CHUYỆN
I. LUYỆN NÓI KỂ CHUYỆN
Đọc văn bản và thực hiện các yêu cầu sau
TÓ MÁ LẸ
Từ bao đời nay, trò chơi “tó má lẹ” được đồng bào dân tộc Thái lưu truyền, gìn giữ như một nét vănhóa riêng, được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt là phụ nữ. Má lẹ có hình tròn, dẹt, độ dày khoảng 1 cm, đường kính từ 4-6 cm, lấy từ loại cây dây leo ở rừng già. Cách chơi “tó má lẹ” đơn giản nên tất cả mọi người đều có thể tham gia. Sân chơi chỉ là một bãi đất nhỏ, bằng phẳng hoặc có thể chơi ngay dưới gầm sàn hay nhà văn hóa bản. Thời gian của một cuộc chơi phụ thuộc chủ yếu vào số lượng người tham gia và kỹ năng của từng người. Khi thi đấu người chơi được chia thành 2 đội, mỗi đội nhiều nhất là 7 người. Bên đội đánh sau có nhiệm vụ xếp quả má lẹ tương ứng với số người chơi của một đội.
Việc chuẩn bị cho trò chơi “tó má lẹ” rất đơn giản. Trên sân kẻ 3 vạch: Vạch thứ nhất ở đầu sân, là chỗ đứng của người chơi, đây là vạch xuất phát; vạch thứ 2 cách vạch xuất phát từ 3 m trở lên, là vạch để người chơi đánh dấu điểm đánh; vạch thứ 3 là vạch đánh, cách vạch thứ 2 khoảng 1 m.
“Tó má lẹ” có nhiều bước chơi, nhưng thông thường người ta chơi theo bốn bước: Bước thứ nhất, người chơi đặt má lẹ lên đầu gối, dùng ngón cái bật má lẹ sao cho trúng má lẹ đội bạn và bay qua đích (gọi là tó khấu); bước thứ hai, người chơi đứng ở vạch quy định tung má lẹ về phía hàng má lẹ đội bạn, má lẹ dừng ở điểm nào, lấy điểm đó làm điểm để đánh (gọi là băn lai khấu); bước thứ ba, người chơi đặt má lẹ lên mu bàn chân, vừa chạy vừa dùng chân đánh má lẹ để má lẹ bắn vào má lẹ đội bạn (gọi là tựp phá); bước cuối cùng, người đánh tung má lẹ đánh dấu vạch đánh, rồi từ vạch đánh dùng má lẹ của mình đặt xuống dưới đất dùng ngón cái bật má lẹ đánh cho trúng má lẹ đội bạn (gọi là băn lai lin). Tất cả thành viên trong đội phải vượt qua bốn bước trên thì thắng cuộc, nếu có thành viên nào trong đội không vượt qua ở bước nào thì sẽ có thành viên khác cứu bằng cách đánh hộ, nếu cứu được thành viên để qua tất cả các bước thì đội đó sẽ thắng cuộc.
Cuộc chơi cứ như vậy kéo dài, không phân biệt trẻ hay già, hò reo cổ vũ trong tiếng trống rộn ràng. “Tó má lẹ” đòi hỏi người chơi có sự khéo léo, tỉ mỉ, dẻo dai, đặc biệt là độ chính xác cao và có sức mạnh để đánh quả “má lẹ” của đội bạn bay qua đích.
Hiện nay, trò chơi dân gian “tó má lẹ” của đồng bào dân tộc Thái đã và đang được lớp trẻ phát huy, gìn giữ và trở thành môn thể thao được nhiều người ưa thích. Chính vì vậy, hằng năm trò chơi này vẫn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm và cũng là một trong những bộ môn chính của các trò chơi dân gian dân tộc Thái để thi đấu trong các ngày hội văn hóa dân tộc.
Lò Luận
(Báo Sơn La online, Số ra ngày 22 tháng 2 năm 20218)
1. Xác định kiểu văn bản và phương thức biểu đạt của văn bản “Tó má lẹ”?
2. Để thực hiện trò chơi, người chơi cần phải chuẩn bị những gì?
3. Thông thường chơi “tó má lẹ” phải qua mấy bước? Đó là những bước nào?
4. Trò chơi “tó má lẹ” đòi hỏi những điều gì ở người chơi?
5. Em hãy kể lại hoặc trình diễn lại (nếu có thể) cách chơi “tó má lẹ” của đồng bào dân tộc Thái.
II. LUYỆN TẬP
Em hãy sưu tầm một số trò chơi dân gian khác ở địa phương em, sau đó tập kể lại hoặc trình diễn lại với bạn cùng lớp và nêu ý nghĩa của trò chơi dân gian đó.
RÈN LUYỆN CHÍNH TẢ
PHÁT HIỆN CÁC LỖI PHÁT ÂM ĐỊA PHƯƠNG
I. NHỮNG NỘI DUNG CẦN ÔN LẠI
1. Chính tả Phân biệt: l/đ ; v/b; s/x ; gi/r/d ; ch/tr ; ng/ngh và g/gh.
2. Quy tắc viết hoa.
3. Quy tắc đánh dấu thanh sắc, ngã.
4. Cấu tạo tiếng, cấu tạo vần.
II. BÀI TẬP THỰC HÀNH
Bài tập 1: Hãy chỉ ra các tiếng viết sai chính tả trong các từ sau rồi sửa lại cho đúng:
a) đo nghí b. số đẻ c. đí do
con vê ởn đấp đàn gió
lan giỏ hẻo đánh mắc đối
Bài tập 2: Hãy tìm ra các từ viết sai chính tả rồi sửa lại cho đúng:
a) tre chở b. trí hướng c. chong chẻo
trung kết tre đậy chở về
chê chách phương trâm câu truyện
chánh né trâm biếm chung bình
Bài tập 3: Hãy chỉ ra các từ viết sai chính tả rồi sửa lại cho đúng:
a) xa đánh b. thiếu xót c. sản suất
xương gió xơ sinh sơ suất
nghôi xao xứ giả suất sắc
xinh xống xử dụng suất hiện
Bài tập 4: Hãy tìm ra từ viết sai chính tả trong các từ sau và viết lại cho đúng
a) rá lạnh b. hình ráng c. củ dong riềng
da vị ranh giới dong chơi
giản dị ranh lam thắng cảnh rông bão
con rán tranh dành tháng riêng
BÀI 2: NHÀ TÙ SƠN LA - TRƯỜNG HỌC CÁCH MẠNG
KẾT QUẢ CẦN ĐẠT:
- Vận dụng kiến thức về văn bản nhật dụng và ý nghĩa của việc học tập văn bản nhật dụng.
- Hiểu được ý nghĩa của Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La, từ đó nâng cao, làm phong phú thêm tâm hồn, tình cảm đối với quê hương đất nước, đối với các di tích lịch sử.
- Luyện viết bài văn miêu tả về một di sản văn hóa, di tích lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh của địa phương Sơn La.
VĂN BẢN
Giữa lòng thành phố có ngọn đồi mang tên Khau Cả nằm soi mình bên dòng suối Nậm La, nơi đây còn lưu giữ chứng tích lịch sử Nhà Tù Sơn La - minh chứng của một thời kỳ lịch sử đấu tranh cách mạng, tinh thần bất khuất của những người cộng sản kiên cường đã bị đầy ải, giam cầm bởi thực dân Pháp.
Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 với diện tích ban đầu là 500 m2. Nhà tù xây dựng khá kiên cố: tường được xây dựng bằng đá lẫn gạch, mái lợp tôn, không có trần, giường nằm cho tù nhân cũng được xây bằng đá, mặt láng xi măng, mép ngoài được gắn hệ thống cùm chân dọc theo chiều dài của sàn. Trong mỗi phòng giam đều có hố xí nổi được xây cao hơn sàn nằm, không có nắp đậy, không có nước dội, không được vệ sinh thường xuyên. Với lối thiết kế như vậy, mùa hè những đợt gió Lào của vùng Tây Bắc gây nên cái nóng như thiêu như đốt, những đợt sương muối tạo ra cái lạnh giá, rét thấu xương thịt vào mùa đông cộng với môi trường ô nhiễm ở mỗi phòng giam đã làm bệnh tật phát sinh và lây lan rất nhanh chóng trong tù nhân.
Năm 1930, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo nhân dân vùng lên đấu tranh chống lại chế độ tàn bạo của thực dân phong kiến. Phong trào đấu tranh đã làm kẻ địch bất ngờ, chúng lồng lộn tìm đủ mọi cách đàn áp, bắt bớ những người Việt Nam yêu nước hòng dập tắt phong trào cách mạng. Mặt khác tăng cường xây dựng và mở rộng thêm hệ thống nhà tù trong cả nước trong đó chúng đặc biệt chú ý đến nhà tù Sơn La. Năm 1940, Nhà tù Sơn La được mở rộng thêm một trại giam lớn để giam thêm tù nhân và đưa một số tù nhân nữ lên Sơn La nhưng âm mưu đó đã không thực hiện được.
Qua ba lần xây dựng và mở rộng, nhà tù Sơn La có tổng diện tích là: 2.170m2. Thực dân Pháp đã biến nơi đây thành một địa ngục trần gian để giam cầm, đầy ải và thủ tiêu ý chí đấu tranh của những người Cộng sản. Bằng chế độ nhà tù cực kỳ hà khắc và những thủ đoạn tra tấn vô cùng hiểm ác, kẻ thù tưởng sẽ tiêu diệt được tinh thần và thể xác của những chiến sĩ cách mạng nhưng chính tại nơi đây đã trở thành một trường học cách mạng, rèn luyện ý chí và bổ sung cho Đảng, cho cách mạng những chiến sỹ, đảng viên cộng sản trung kiên, nổi bật nhất là vai trò của đồng chí Tô Hiệu và bao đồng chí trung kiên khác.
Trải qua hai lần tàn phá bằng bom của giặc, di tích Nhà tù Sơn La không còn nguyên vẹn, những bức tường nhà ngục đổ nát là minh chứng cho tội ác dã man của kẻ thù. Cây đào Tô Hiệu, biểu tượng gắn với tên tuổi người Bí thư Chi bộ kiên trung của nhà tù vẫn đơm hoa kết trái mỗi độ mùa xuân về...
Hình ảnh: Một góc của Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La
Chắc hẳn, một lần nào đó du khách đến với Sơn La, về với núi rừng Tây Bắc để được trải nghiệm, hồi tưởng lại cuộc chiến tranh diễn ra hơn một thế kỷ đã qua; Với sự lãnh đạo tài tình của đảng, tinh thần yêu nước nồng nàn sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc…Đã để lại cho hậu thế hôm nay một đất nước thanh bình; Tất cả như nhắc nhở các thế hệ tiếp nối hãy sống, làm việc và học tập sao cho xứng đáng với những gì mà các bậc tiền bối đã dày công gây dựng. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La là biểu tượng ý chí cách mạng kiên cường soi sáng cho các tầng lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Sơn La tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, ra sức thi đua yêu nước, xây dựng Sơn La ngày càng phát triển.
(Theo Wikipedia, Nhà tù Sơn La)
ĐỌC - HIỂU
1. Văn bản có thể chia làm mấy phần? Nêu nội dung từng phần?
2. Em biết được điều gì về Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La qua đoạn văn từ “Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908...” đến “...và lây lan rất nhanh chóng trong tù nhân.”
3. Đọc đoạn đầu và đoạn cuối văn bản và cho biết: Vì sao tác giả lại đặt tên cho bài văn là “Nhà tù Sơn La - trường học Cách mạng”?
4. Hãy tóm tắt các sự kiện lịch sử được tác giả kể ra trong văn bản?
LUYỆN TẬP
1. Tìm hiểu thêm ở địa phương nơi em ở (xã, huyện) những di tích nào có thể gọi là “chứng nhân lịch sử” của địa phương.
2. Hãy viết bài văn miêu tả về một di sản văn hóa, di tích lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh của địa phương Sơn La.
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |