Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, có nhiều sự việc, nhiều sự kiện diễn ra mà ta không thể nào phân biệt được đó là việc tốt hay việc xấu. Người này có thể hôm nay là người tốt nhưng ngày mai hoặc ngày kia lại là người xấu. Có những việc ta nhìn thấy trước mắt ta cho là tốt nhưng sự thật nó lại là xấu và ngược lại. Có những cuộc chiến kéo dài mãi mãi, không có điểm dừng mà điển hình ở đây là cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác.
Vậy cái thiện là gì, cái ác là gì? Sao cuộc dấu tranh giữa cái thiện và cái ác lại không bao giờ kết thúc? Cái thiện có thể hiểu một cách đơn giản nhất đó là lòng tốt giữa người với người, là những cái tốt đẹp, cao cả, là những việc làm hợp với luân thường đạo lý. Từ trong những câu truyện cổ tích, thần thoại, tới thế giới loài vật đến cuộc sống ngày nay mà chúng ta đang sống thì cái thiện luôn tồn tại, hiện hữu, cái thiện có trước. Ngay từ buổi đầu khai sơn lập địa, bà Nữ Oa vì không chịu nổi cảnh dân chúng đang tới gần hơn với ngày tận diệt nên bà đã tìm cách vá trời lại. Hay trong những câu truyện cổ tích mà ta được học ta đều thấy cái thiện hiện lên rất rõ ràng và sắc nét. Đó là một cô Tấm hiền lành, lương thiện, đó là một ông Bụt giàu tình thương với những người bị kẻ xấu hà hiếp, ông luôn tìm đường chỉ lối cho cô Tấm vượt qua mọi chuyện. Hay đó là một chàng Thạch Sanh gan dạ, thân thuộc, luôn ra tay giúp đỡ mọi người trong cơn nguy cấp. Còn nữa, đó là nhân vật cô út trong truyện Sọ Dừa vừa xinh đẹp lại tốt bụng, biết thương yêu quan tâm đến những người xung quanh mình… Với thế giới loài vật cũng vật. Những chú hươu hiền lành, những chú thỏ nhí nhảnh dễ thương, những chú nai xinh xắn, ngơ ngác, những con chim sâu, chim gõ kiến chăm chỉ hay thậm chí là những chú cá heo, cá voi … luôn biết giúp đỡ con người. Vậy còn trong xã hội mà chúng ta đang sống thì sao, cái thiện ở đâu? Đó là những chú công an đang ngày đêm truy bắt những tên tội phạm để gìn giữ sự bình yên cho cuộc sống của chúng ta, đó là những chiến sĩ đang từng giờ, từng phút canh giữ biển đảo của quê hương, không để một tấc đất nào rơi vào tay kẻ thù. Hay gần gũi với chúng ta hơn là ông bà, cha mẹ, anh chị, là những người hàng ngày vẫn ở bên cạnh mình, vẫn nhắc nhở, chỉ bảo, giúp đỡ ta để ta không lầm đường lạc lối.
Vậy cái ác thì sao? Cái ác thì hoàn toàn trái ngược với cái thiện như trắng với đen không thể nào lẫn lộn được. Cái ác là những cái gì xấu xa nhất, tồi tệ nhất là những việc làm trái với đạo đức của một con người. Tiêu biểu cho cái ác ở đây là mụ dì ghẻ và Cám (trong truyện Tấm Cám) luôn nghĩ ra những mưu sâu kế độc để tìm mọi cách cướp đi hạnh phúc của Tấm. Đó là mẹ con Lý Thông (trong truyện Thạch Sanh) không ngại dùng mọi thủ đoạn để hòng hãm hại Thạch Sanh. Đó là hai cô chị (trong truyện Sọ Dừa) nhẫn tâm đến đáng sợ khi sẵn sàng ra tay giết hại đứa em gái ruột thịt của mình chỉ vì tranh giành quyền lực, hư vinh. Ở thế giới loài vật cũng vậy, bên cạnh những hươu, những nai, những thỏ, là hổ, gấu, báo, là đại bàng, diều hâu, là cá mập, cá sấu, … Hay bên cạnh những chú công an, những anh lính ngoài hải đảo xa xôi là những kẻ suy đồi đạo đức, là những kẻ không từ thủ đoạn nào để cho mình được tiến thân, để đem lại thật nhiều lợi ích cho mình. Gần với chúng ta hơn, đó là những người vứt rác bừa bãi, những người buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, tất cả những hành động này đều rất coi thường sinh mạng của người khác, có khi là của chính mình nữa. Và cũng có thể, kẻ xấu đó có thể chính là bản thân chúng ta.
Thật vậy, đây chính là mấu chốt, là điểm quan trọng nhất. Cái thiện và cái ác luôn song hành, đan xen nhau và có mối quan hệ hết sức chặt chẽ nhưng cũng không kém phần mâu thuẫn. Trong mỗi con người chúng ta có hai phần, đó là “phần con” và “phần người”. Khi “phần người” trong chúng ta mạnh mẽ hơn là lúc cái thiện đang chiến thắng, đang đánh đuổi con ma ác trong người ta, nhưng ngược lại, nếu “phần con” chiếm lĩnh thì lúc đó chúng ta lại đang đứng trong hàng ngũ của cái ác. Có ai trong chúng ta dám thề với chính lương tâm của mình rằng mình là người tốt 100% không. Tôi cam đoan rằng là không, kể cả tôi nữa. Vì sao tôi lại tự tin như vậy ư? Vì thử hỏi trong chúng ta, đã có ai chưa từng nói dối, chưa một lần vứt rác bừa bãi, hay chưa một lần làm cha mẹ buồn lòng. Bởi nhiều khi cái ác, cái xấu xa lại rất dễ dàng thực hiện, nó đem lại lợi ích ngay trước mắt mình, làm ta bị lu mờ, làm cho ta dễ dàng sa ngã hơn, dễ bị dụ dỗ hơn. Đó là khi ta đi học mà không làm bài tập về nhà, ta mượn vội cuốn vở của bạn để chép bài mà không dám thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình với thầy cô, vì sợ bạn bè chê cười, sợ thầy cô trách phạt. Hay đó là khi ta đang ăn cái kẹo, gói bánh đang cần vứt vỏ đi mà thùng rác lại ở quá xa, thế là ta lại ném luôn xuống đường, chúng ta nghĩ rằng “Ôi dào, người khác cũng làm thế mà”. Những việc làm này tưởng như đơn giản, vô hại, nhưng chúng ta lại không biết rằng “phần con” của mình đang dần dần trỗi dậy, ngày một mạnh lên, để đến khi chúng ta gây ra những việc đau lòng đáng tiếc hơn rồi mới hối hận. Mỗi người chúng ta hẳn ai cũng mong muốn có một cuộc sống bình yên, hạnh phúc, được sống trong một xã hội công bằng, cái thiện sẽ luôn luôn đánh gục được cái ác. Nhưng trong thực tế mà chúng ta thấy lại không như vậy, cái thiện với cái ác có một ranh giới rất mỏng manh, nhiều khi chúng ta không biết mình đã vượt qua ranh giới của cái thiện từ lúc nào không hay. Thế nên trong xã hội mà chúng ta đang sống dường như không thể nào tiêu diệt triệt để được cái ác. Bởi sự tồn tại của cái ác, cái phi nghĩa là thước đo, là phép thử mà mỗi người chúng ta ai cũng cần phải trải qua. Khi trải qua được những phép thử, những bài tập trên chúng ta sẽ trở thành một con người đúng nghĩa, một con người thực sự mang “phần người”.
Tuy không thể hoàn toàn tiêu diệt hay phân biệt rạch ròi bởi cái ác và cái thiện luôn là cuộc đấu tranh dai dẳng, khó có hồi kết. Và chính chúng ta mỗi ngày, mỗi giờ cũng đang đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa trắng và đen bằng cách, trau dồi tri thức mới, rèn luyện bản thân, học tập đạo đức ngay trên ghế nhà trường và ngay trong đời sống hàng ngày.