nêu cảm nghĩ của em về bài thơ con cò của nhà thơ chế lan viên
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Trong các bài ca dao của Việt Nam, hình ảnh của con cò là một hình ảnh khá quen thuộc và phổ biến, nó được dùng để biểu tượng cho những con người nhỏ bé, những người phụ nữ tần tảo với cuộc sống mưu sinh… Lấy nguồn để tài từ ca dao dân gian đó, nhà thơ Chế Lan Viên đã sáng tác bài thơ “Con cò” để thể hiện được tình mẫu tử thiêng liêng, trong đó vì người con của mình mà người mẹ có thể hi sinh tất cả, đón nhận tất cả những khó khăn, gian khổ, thăng trầm của cuộc đời, chỉ mong sao đứa con nhỏ bé của mình được bình yên, hạnh phúc. Tình mẫu tử ấy không chỉ gây xúc động cho những độc giả mà đánh động vào phần tình cảm yếu mềm, thiêng liêng nhất trong mỗi con người, đó chính là tình cảm mẹ con.
Mở đầu bài thơ, nhà thơ Chế Lan Viên đã gợi ra khung cảnh thật ấm áp, đó là hình ảnh của người mẹ đang bế bồng đứa con bé nhỏ của mình trên tay, miệng thì ầu ơ hát những khúc hát ru cho đứa con ngủ. Trong những khúc hát ru, đứa trẻ không chỉ cảm nhận được giọng hát đầy tha thiết của mẹ mà đứa trẻ ấy còn được lắng nghe những lời tâm sự, giãi bày của người mẹ dành cho mình:
“Con còn bế trên tay
Con chưa biết con cò
Nhưng trong lời mẹ hát
Có cánh cò đang bay”
Qua lời hát, ta có thể hình dung là hình dáng nhỏ bé của đứa con, bé được mẹ dỗ dành, nâng niu trên tay “Con còn bế trên tay”, và vì còn rất nhỏ nên đứa bé chưa thể nhận thức được thế giới xung quanh của mình, càng không biết đến những con cò “Con chưa biết con cò”. Nhưng qua những lời hát ru của mẹ thì những cánh cò vẫn theo con vào giấc ngủ, vỗ về cho con ngủ ngoan, đó là những cánh cò đang bay “Có cánh cò đang bay”. Trong những lời hát ấy, con cò “bay lả bay la”, bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng, đó chính là cuộc sống mưu sinh đầy vất vả, nay đây mai đó của cò. Vất vả là vậy, thăng trầm là vậy mới có thể kiếm được miếng ăn, duy trì cho cuộc sống của mình. Nhưng vì con có mẹ nên con “ăn rồi lại ngủ”, trái ngược với cái vất vả của những cánh cò là sự hạnh phúc, bình yên nơi đứa con.
“Con cò ăn đêm
Con cò xa tổ
Cò gặp cành mềm
Cò sợ xáo măng”
Tiếp tục tâm sự về những cánh cò, câu hát đã gợi ra những bất trắc của cuộc sống, bởi cuộc sống của những chú cò rất gian khó, hoàn cảnh kiếm sống cũng là vào ban đêm, khi vạn vật chìm vào trong giấc ngủ, khi những nguy hiểm luôn trực chờ, rình rập. Vì vậy mà cò luôn mang trong mình những nỗi bất an, cò sợ xa tổ tức là sợ xa mái ấm bình yên để đến nơi đầy bất trắc kia kiếm sống, cò sợ gặp cành mềm, đó là những biến cố bất ngờ của cuộc sống mà không thể lường biết được, không thể nhận thức rõ ràng để tránh, cò sợ xáo măng, đó chính là những cái bẫy giăng sẵn, mà chỉ một sự vô ý thôi, cò có thể bị xáo măng, tức mạng sống bị đe dọa. Nhưng, đứa con dưới sự che chở của mẹ thì không còn phải lo lắng nhiều đến những biến cố ấy, bởi “Sữa mẹ nhiều con ngủ chẳng phân vân”.
“Lớn lên lớn lên, lớn lên…
Con làm gì
Con làm thi sĩ
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn”
Tấm lòng người mẹ thật to lớn, vị tha. Vì đứa con của mình, mẹ nguyện che chở, bảo vệ, không muốn cho con bị ảnh hưởng, dù chỉ là một chút của cuộc đời đầy gian khó ngoài kia. Không những thế, người mẹ là người luôn tin tưởng và mong muốn cho con mình có một tương lai tương đẹp nhất. Câu hỏi “Lớn lên, lớn lên, lớn lên…/Con làm gì?” như một sự suy tư, trăn trở của người mẹ, vì người mẹ này không muốn con mình phải đương đầu với một cuộc sống vất vả, xuôi ngược như những cánh cò, vì vậy mà mẹ ngập ngừng và bộc lộ mong muốn con làm thi sĩ. Tại sao lại là thi sĩ mà không phải là bất kì nghề nào khác? Thi thĩ là người có tâm hồn nhạy cảm, có một trái tim biết yêu thương, người mẹ muốn cho con mình là một người giàu tình cảm, hơn thế nữa là họa sĩ thì có thể vẽ ra những bức tranh theo ý mình, cũng tức là làm chủ được cuộc sống, được tương lai cho chính mình.
Mơ ước ấy thật chính đáng, cao cả làm sao. “Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ” đây là câu thơ người mẹ thể hiện sự tin tưởng ở đứa con, tương lai của con sẽ là một tương lai rộng lớn, con như cánh cò trắng có thể thỏa sức vùng vẫy, cháy hết mình với những đam mê. Và từ những niềm mong mỏi đầy chân thành, da diết ấy, người mẹ khẳng định sự bất biến trong tình cảm cũng như thái độ của mẹ dành cho con:
“Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con”
Đó chính là sự bất biến trong tình cảm, khi con lớn lên dù có ở gần con hay xa con, những khoảng cách về địa lí ấy không thể tạo thành được rào cản trong tình yêu của mẹ dành cho con, dù có bao nhiêu sóng gió, thăng trầm của cuộc đời có ập đến, dù có phải lên rừng hay xuống bể thì mẹ sẽ mãi tìm con, sẽ luôn luôn hướng về đứa con yêu thương của mình. Đến đây thì hình ảnh cánh cò đã trở thành biểu tượng của lòng mẹ, về tấm lòng yêu thương thiêng liêng mẹ dành cho con. Và cho dù con có lớn khôn, trưởng thành ra sao thì con vẫn mãi là con của mẹ, với mẹ thì con luôn là đứa trẻ ngày nào mẹ bế bồng trên tay, dù có lớn nhưng trong cảm nhận của mẹ thì con mãi là một đứa trẻ cần chở che “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”.
“Con cò” là một bài thơ hay và cảm động viết về tình cảm thiêng liêng nhất trên đời, đó chính là tình mẫu tử. Qua bài thơ ta cảm nhận được sâu sắc tấm lòng của người mẹ dành cho những người con của mình, đó là thứ tình cảm chân thành, thiêng liêng mà vì đứa con của mình người mẹ ấy có thể hi sinh, có thể dâng hiến cả cuộc đời, chỉ mong cho con được hạnh phúc, được bình yên. Bài thơ cũng làm cho mỗi độc giả nhớ về người mẹ của mình và dành những tình yêu, sự biết ơn vô bờ nhất cho bậc sinh thành vĩ đại ấy.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |