Sự cố điện giật được chia làm hai nhóm: điện giật trực tiếp tức bản thân người bị giật tiếp xúc trực tiếp với nguồn điện đang được sử dụng; điện giật gián tiếp hay còn gọi sự rò rỉ điện tức người bị điện giật tiếp xúc với một môi trường vật chất bị nhiễm điện từ nguồn. Các môi trường vật chất này có thể là nước, kim loại, các dạng vật chất có hệ số dẫn điện cao.
Dòng điện từ nguồn sẽ đi vào các môi trường này, chạy qua cơ thể người tiếp xúc với một cường độ đủ lớn sẽ gây nên cảm giác "điện giật". Ảnh hưởng do điện giật lên mỗi người là khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường xung quanh, thể trạng mỗi người, vị trí tiếp xúc…
Những ảnh hưởng này là không tốt cho sức khoẻ và trường hợp xấu nhất sẽ dẫn đến tử vong. Những nơi mà ta thường có nguy cơ tiếp xúc với điện nhất là nhà ở và các văn phòng làm việc, nơi sử dụng nhiều thiết bị điện. Vì vậy, việc quan tâm đến an toàn sử dụng điện trong mỗi trường hợp cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc và theo các tiêu chuẩn để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.
Đối với tiếp xúc điện trực tiếp, nguy cơ tiếp xúc là ở các ổ cắm điện, các dây cáp điện bên trong nhà nhưng không được đặt trong ống bảo vệ hoặc lắp đặt âm tường, do các va chạm bên ngoài, ma sát hoặc nhiều nguyên nhân khác sẽ làm cho dây bị hở, dẫn đến nguy cơ giật điện cao khi tiếp xúc với cơ thể người.
Để phòng tránh các nguy cơ trên, ta nên sử dụng các ổ cắm điện có nắp đậy, đặt các ổ cắm điện xa tầm tay trẻ em, tắt công tắc điện các ổ cắm khi không sử dụng. Các dây cáp điện trong nhà nên được lắp đặt trong các ống bảo vệ hoặc lắp đặt âm tường. Với các dây nối thiết bị điện với ổ cắm, nên thay dây mới nếu phát hiện dây bị hở, không nên sửa chữa.