Vào thế kỷ XIX, tại kinh đô Huế, ngoài Quốc tử giám, còn xuất hiện Tứ dịch quán – một trường chuyên ngoại ngữ, hoạt động gần suốt thế kỷ XIX. Nguyên xưa kia, triều đình Trung Quốc có tổ chức một cơ quan phụ trách việc thông ngôn khi ban giao với nước ngoài, gồm bốn bộ phận: Ký (với các nước phương Đông), Đề (với các nước phương Tây), Tượng (với các nước phương Nam), Dịch (với các nước phương Bắc), gọi chung là Tứ dịch quán. Minh Mạng là vị vua đầu để tâm đến vấn đề này.
Tháng chín năm Giáp Ngọ (1834), Minh Mạng nói với quan bộ Lễ: “Xưa, Lý Bạch nhà Đường biết dịch thư nước Phiên; nếu không học thì dịch làm sao được? Ta muốn đặt bốn nhà dịch quán ở kinh đô, chọn những người am hiểu tiếng nói các nước Phiên, hậu cấp tiền, lương, sai dạy người trong nước, sai dạy người trong nước, học tiếng nói và chữ viết của các nước, đề phòng khi phải thông dịch. Trừ những tiếng nói chim muông, còn thì đều nên biết cả, để trở thành một nước đại văn minh. Như thế thì việc đối ngoại không lầm lỡ, mà quốc thể được tôn trọng”.
Nói là làm. Đầu năm 1835, Minh Mạng cho ấn quan bộ, viện, nội các chọn con em các thuộc viên; quan kinh doãn chọn học trò và nhân dân trong hạt từ 16 tuổi trở xuống, cấp cho lương ăn để học tập ngôn ngữ văn tự nước ngoài.
Năm 1836, Minh Mạng đi chơi cửa Tư Dung, viếng núi Linh Thái, thấy thấy tháp và trụ có khắc chữ. Các quan không ai đọc được. Vì vậy, ông sai chọn người tỉnh Bình Thuận cho học chữ Chiêm (Champa), chữ Ni (Pali) và sai quan tỉnh Hà Nội chọn người học tiếng Thanh (Bạch thoại), tỉnh Tuyên Quang thì chọn người học tiếng Thổ. Sau đó, nhà vua chính thức lập Tứ dịch quán, sai bộ xem xét, định khóa trình cho học trò học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Xiêm (Thái Lan), tiếng Lào, tiếng Tây dương (Pháp). Ban đầu, mỗi ngày học 2 – 3 chữ Tây, 7 – 8 chữ Xiêm hoặc Lào. Sau 3 tháng, tăng lên mỗi ngày 4 – 5 chữ Tây, 8 – 9 chữ Xiêm hoặc Lào. Cứ thế, ba tháng sát hạch một lần. Cuối năm, chia hạng lập danh sách. Người tốt nghiệp được sung bổ vào chức hành nhân (thông ngôn) trong các phái đoàn ngoại giao.
Đời Tự Đức (1864), tiếng Pháp là ngoại ngữ chính. Sinh viên mỗi ngày học 10 chữ và tiếng, ba tháng khảo hạch một kỳ, hai môn: học thuộc lòng và viết ám tả, có thưởng phạt rõ ràng. Khoảng năm 1867, triều đình Huế lại cử một số hành nhân vào trường Gia Định, theo giáo sư Trương Vĩnh Ký, học tiếng Pháp. Đến năm 1868 lại cử thêm 5 người. Mỗi tháng triều đình Huế cấp cho học sinh 8 đồng, Pháp cấp 4 đồng. Năm 1869, sinh viên phải sát hoạch hai kỳ, thêm môn dịch một tờ “sức” từ Hán ra Pháp. Ai ưu thưởng 12 quan, bình thưởng 8 quan, thứ không thưởng, liệt thì phạt 50 roi, khấu trừ học bổng mỗi tháng một quan tiền!
Tháng mười năm Mậu dần (1878), nhân xem nhật báo Hương cảng tân văn, có bài bàn về việc làm cho nước mạnh, Tự Đức bèn sai Viện cơ mật xem xét thi hành. Về khoảng thông thương, triều đình khuyến khích người tự nguyện đóng tàu sang Hương Cảng lập công ty buôn bán. Triều đình cũng tuyển mộ người “thông nghĩa sách” (không hẳn phải là tú tài, khóa sinh, cử nhân, viên tử), trên dưới 20 tuổi, cho đi Hương Cảng hay sang Tây, cấp lệ phí ăn học. Sau 5 năm về nước, họ được sát hạch bổ dụng:
– Nếu học được chữ – tiếng một nước và một nghề, chiếu lệ tú tài hạch trúng, bổ cửu phẩm.
– Nếu học đượcchữ – tiếng hai nước và hai nghề, chiếu lệ cử nhân không phân số, bổ làm quan ngay.
– Nếu học được chữ – tiếng ba nước và ba nghề, chiếu lệ cử nhân có phân số, cũng bổ làm quan ngay.
Đến thời Đồng Khánh, tháng tư năm Đinh Hợi (1887), một trường dạy tiếng Pháp được mở ở kinh đô, chưởng giáo ( hiệu trưởng) là Diệp Văn Cương, trợ giáo (giáo viên) Là Nguyễn Hữu Mẫn; học viên gồm con quan và dân; tự túc lương ăn, nhà ở. Năm 1888, triều đình tuyển con em quan lại tuổi từ 15, thông minh nhanh nhẹn, trước 20 người, sau thêm 5 người, cấp phí tổn cho sang Pais học Pháp ngữ.
*Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Thực Lục, bản dịch của Viện sử học, tập XV Hà Nội, 1965, trang. 229.