Ca Huế được phát sinh vào khoảng thế kỷ thứ XVII, trở thành thú chơi tao nhã của các hoàng thân quốc thích, gia đình danh gia vọng tộc trong suốt thời gian dài khi Huế là thủ phủ xứ Đàng Trong, sau đó là kinh đô của cả nước dưới triều Nguyễn, đạt đến đỉnh cao từ thời Minh Mạng (1820-1840) đến thời Tự Đức (1848-1883).
Ca Huế phát sinh từ trong cung đình, sau đó mới lan tỏa ra dân gian, hòa quyện với dòng âm nhạc dân gian Huế đang khởi sắc, tạo nên bản sắc mang tính địa phương rõ nét.
Ca Huế có một hệ thống bài bản vô cùng đa dạng và phong phú bao gồm khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc theo hai điệu thức lớn là điệu Bắc và điệu Nam. Điệu Bắc là những lời ca mang âm điệu vui tươi, trang trọng còn điệu Nam lại là mang những âm điệu chứa cảm xúc buồn, ai oán, nỉ non.
Cùng với ca trù miền Bắc, đờn ca tài tử Nam Bộ, ca Huế là một trong ba thể loại nhạc thính phòng đạt trình độ phát triển bậc nhất trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam, đứng thứ hai về bề dày lịch sử, và là thể loại duy nhất ra đời trong chốn cung đình.
Khi nhắc đến dân ca Huế, người ta sẽ nhắc đến những điệu hò mái nhì, mái đẩy, khoan thai, dàn trải, ngọt ngào như tâm hồn người xứ Huế hay những điệu lý bay bổng, mượt mà như lý con sáo, lý hoài xuân, lý tình tang.
Bên cạnh dòng âm nhạc dân gian, Huế còn nổi tiếng với dòng ca nhạc cung đình đầy tính trang trọng của Huế như giao nhạc, miếu nhạc, ngũ tự nhạc, đại triều nhạc, thường triều nhạc, yến nhạc.
Ca Huế có giá trị cao về nghệ thuật ,về giáo dục như tư tưởng thẩm mỹ, tình cảm cũng như nhân cách của con người. Là một loại âm nhạc mang tính bác học, Ca Huế từng đóng vai trò quốc nhạc và được sử dụng rộng rãi ở các tỉnh phía Bắc cũng như phía Nam.